Doanh nghiệp chăn nuôi lớn có thể hưởng lợi từ quy định mới
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn dự kiến sẽ được hưởng lợi lớn khi quy định về địa điểm không được phép mở trang trại chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2025. Tuy nhiên, người ta lo ngại quy định này sẽ gây khó khăn cho các hộ nhỏ chăn nuôi lợn.
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 có điều khoản cấm chăn nuôi ở những địa bàn không được phép chăn nuôi tại các thành phố, thị xã, khu dân cư; ngoại trừ nuôi động vật cảnh và nuôi động vật trong phòng thí nghiệm không gây ô nhiễm môi trường. Theo luật, quy định đó sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với các địa phương có 5 năm để di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên toàn quốc sẽ phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc ngừng hoạt động. Đây được coi là sự thay đổi lớn của ngành chăn nuôi.
Theo các nhà phân tích, quy định mới sẽ buộc các trang trại chăn nuôi nhỏ phải rời đi, nhường chỗ cho các cơ sở quy mô lớn. Đây cũng là xu hướng tất yếu để ngành chăn nuôi được chuẩn hóa. Theo báo cáo tháng 1/2024 do Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) công bố, nhiều hộ chăn nuôi sẽ phải ngừng sản xuất. Bộ NN&PTNT có dự thảo hỗ trợ các hộ chăn nuôi di dời trang trại. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được phê duyệt. Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp niêm yết lớn của ngành chăn nuôi đã tích cực đầu tư mở rộng để nâng công suất.
Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) và CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) đã đầu tư hàng loạt trang trại chăn nuôi mới để tăng công suất. Dabaco đã đầu tư nâng công suất với hàng loạt dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đó là dự án chăn nuôi quy mô 5.600 lợn nái và 77.400 lợn thương phẩm tại Thanh Hóa và dự án chăn nuôi lợn Dabaco Phú Thọ giai đoạn 3 với quy mô 4.800 lợn nái và hơn 70.000 lợn thương phẩm. Tổng công suất của 2 dự án tăng gần 25%. Các doanh nghiệp lớn còn có lợi thế là có chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn so với nguồn cung từ hộ chăn nuôi, nhờ đảm bảo vệ sinh an toàn trong sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn sẽ không bán tháo do gặp dịch bệnh, làm giảm biến động giá cả trên thị trường.
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi và chiến lược phát triển chăn nuôi. Cần tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo định hướng thị trường, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng ngành chăn nuôi chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, không ngừng mở rộng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có tổng đàn lợn 30 triệu con, sản xuất khoảng 6 triệu tấn thịt (thịt lợn chiếm 60%) và xuất khẩu 15-20% tổng sản lượng thịt lợn. Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng sản lượng nông nghiệp ước đạt 28-30%./.
Theo VNS
Bình luận