0

Chỉ số giá thực phẩm FAO* (FFPI) đạt trung bình 123,9 điểm trong tháng 7/2023, tăng 1,5 điểm (1,3%) so với tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn 16,6% (11,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến tăng FFPI trong tháng 7 chủ yếu do chỉ số giá dầu thực vật tăng mạnh, phần nào được bù đắp bởi chỉ số giá đường giảm mạnh, cộng với mức giảm nhẹ trong các chỉ số giá ngũ cốc, sữa và thịt.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 125,9 điểm trong tháng 7/2023, giảm 0,7 điểm (0,5%) so với tháng 6 và thấp hơn 21,3 điểm (14,5%) so với cùng kỳ năm 2022. Suy giảm chỉ số giá ngũ cốc trong tháng này chủ yếu do giá ngũ cốc thô trên thị trường quốc tế giảm 4,8% so với tháng 6. Giá ngô trên thị trường quốc tế tiếp tục xu hướng giảm do các nguồn cung theo chu kỳ tăng lên khi các đợt thu hoạch đang diễn ra tại Argentina và Brazil và sản lượng ngô cao có khả năng hơn dự báo tại Mỹ, khi các điều kiện sản xuất carit hiện và diện tích trồng ngô tăng. Trong số các ngũ cốc thô, giá hạt kê toàn cầu giảm cùng với giá ngô, chủ yếu do hiệu ứng lan tỏa từ các thị trường lúa mỳ. Ngược lại, giá lúa mỳ tăng 1,6%, đánh dấu tháng tăng điểm đầu tiên trong 9 tháng qua, chủ yếu do những bất ổn trong xuất khẩu lúa mỳ từ Ukraine sau quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen của Nga và thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại cảng của Ukraine trên cả biển Đen và sông Danube. Tình trạng khô hạn kéo dài tại Canada và Mỹ cũng gây áp lực lên giá lúa mỳ. Chỉ số giá gạo FAO tăng 2,8% trong tháng 7/2023, chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, chủ yếu do giá tăng ở phân khúc gạo Indica. Trên thị trường gạo thế giới, vào ngày 20/7, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường non-basmati, dẫn tới dự báo tăng xuất khẩu từ các nước khác, gia tăng áp lực tăng giá gạo – vốn đã đang trên đà tăng do nguồn cung giảm theo chu kỳ và hoạt động mua ồ ạt của các khách hàng tại châu Á.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 129,8 điểm trong tháng 7/2023, tăng 14 điểm (12,1%) so với tháng 6, đánh dấu tháng tăng điểm đầu tiên sau 7 tháng suy giảm liên tiếp. Mức tăng mạnh trong tháng 7 chủ yếu do giá hàng loạt loại dầu thực vaatjt ăng mạnh, bao gồm dầu hạt hướng dương, dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hạt cải. Giá dầu hạt hướng dương quốc tế tăng mạnh hơn 15% trong cùng kỳ so sánh, chủ yếu do những bất ổn mới nổi lên xung quanh nguồn cung khả dụng xuất khẩu từ khu vực biển Đen sau quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen của Nga. Trong khi đó, giá dầu cọ cũng tăng mạnh, phản ánh triển vọng tăng trưởng sản xuất yếu đi tại các nước sản xuất hàng đầu thế giới. Đối với các loại dầu đậu tương và dầu hạt cải, giá tiếp tục tăng trên thị trường quốc tế do lo ngại về triển vọng sản xuất đậu tương tại Mỹ và hạt cải tại Canada. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cũng là yếu tố kéo giá dầu thực vật tăng.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 116,3 điểm trong tháng 7, giảm 0,5 điểm (0,4%) so với tháng 6, đánh dấu tháng giảm điểm thứ 7 liên tiếp và thấp hơn 30,2 điểm (20,6%) so với cùng kỳ năm 2022. Suy giảm chỉ số giá sữa trong tháng 7 chủ yếu do giá sữa bột gầy và giá bơ giảm, khi hoạt động giao dịch trên thị trường châu Âu yếu đi trong các đợt nghỉ hè và nhu cầu nhập khẩu rất thấp trong nhiều tháng liền trước những bất ổn thị trường về xu hướng giá trong tương lai. Ngược lại, giá sữa bột nguyên kem phục hồi nhẹ, chủ yếu do diễn biến tỷ giá, trong khi hoạt động sản xuất tại New Zealand duy trì ổn định cùng với các diễn biến theo chu kỳ. Sau 5 tháng giảm mạnh, giá phô mai toàn cầu phục hồi nhẹ, phản ánh doanh thu mảng dịch vụ ăn uống phần nào phục hồi và tác động của thời tiết nóng tới suy giảm nguồn cung sữa theo mùa tại châu Âu.

Chỉ số giá thịt FAO* đạt trung bình 117,8 điểm trong tháng 7/2023, giảm 0,4 điểm (0,3%) so với tháng 6 và thấp hơn 6,3 điểm (5,1%) so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá thịt bò quốc tế giảm, phản ánh nguồn cung xuất khẩu tăng tại châu Đại dương, trùng với diễn biến nhu cầu nhập khẩu giảm trên các thị trường châu Á giữa bối cảnh tồn kho tăng và doanh số kinh doanh nội địa giảm. Giá thịt gia cầm cũng giảm nhẹ do nguồn cung từ các nước xuất khẩu hàng đầu tăng lên, bất chấp các tác động dai dẳng của các đợt bùng phát cúm gia cầm tại các khu vực sản xuất lớn. Đồng thời, giá thịt cừu tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp, phản ánh nguồn cung cao tại châu Đại dương và nhu cầu giảm từ các nước nhập khẩu lớn, bao gồm Trung Quốc và Tây Âu. Ngược lại, nguồn cung tiếp tục ở mức thấp tại Tây Âu và Mỹ, cùng với nhu cầu cao theo mùa, dẫn tới giá thịt lợn tăng tháng thứ 6 liên tiếp.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 146,3 điểm trong tháng 7, giảm 5,9 điểm (3,9%) so với tháng 6 nhưng vẫn cao hơn 33,4 điểm (29,6%) so với cùng kỳ năm 2022. Tiến độ thu hoạch mía đường niên vụ 2023/24 tại Brazil tốt và mưa giúp cải thiện độ ẩm đất tại phần lớn các vùng trồng mía đường tại Ấn Độ đã gây áp lực lên giá đường toàn cầu trong tháng 7. Áp lực giảm giá gia tăng khi nhu cầu nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc – 2 nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới giảm. Tuy nhiên, lo ngại dai dẳng về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino trong niên vụ mía đường 2023/24, với giá dầu thô quốc tế tăng, đã kìm hãm đà giảm giá đường trên thị trường thế giới.

*Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Giá nhiều loại hàng hóa thực phẩm tăng, đẩy chỉ số giá thực phẩm của FAO lên mức cao nhất trong 18 tháng

Bài trước

Tăng giá trên diện rộng đẩy chỉ số giá lương thực của FAO tăng vào tháng 9

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc