Indonesia thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ do lo ngại El Nino

Chính phủ Indonesia vừa thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong một động thái mà nước này cho rằng cần thiết để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thiết yếu giữa bối cảnh rủi ro sản xuất gia tăng trong năm 2023.
Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết thời gian giao gạo sẽ được ấn định khi dự trữ gạo của Indonesia gần cạn kiệt. “Chúng ta buộc phải nhập khẩu gạo dù không mong muốn”, ông Zulkifli thừa nhận nhập khẩu gạo là đi ngược lại với lợi ích của nông dân trong nước. Bộ trưởng Thương mại cho hay chính phủ đang nỗ lực duy trì giá gạo ổn định giữa bối cảnh tác động của hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến hoạt động sản xuất nội địa gặp rủi ro cao.
Thời tiết khô nóng mà El Nino có thể gây ra dự báo sẽ đe dọa sản xuất thực phẩm trên khắp châu Á. “Nếu giá tăng trong giai đoạn El Nino thì chúng ta phải có đủ dự trữ để kéo giá giảm. Đó là lý do vì sao tôi ký biên bản ghi nhớ với Ấn Độ về nhập khẩu 1 triệu tấn gạo mà chúng ta có thể mua bất cứ lúc nào”, ông Zulkifli cho hay. Vào cuối tháng 5/2023, ông Zulkifli phản đối nhập khẩu tỏi bất chấp những kêu gọi từ Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (Bapanas) nhằm kìm hãm giá giữa bối cảnh tồn kho tỏi thấp trên toàn quốc. Ông cho rằng Indonesia cần giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước. “Chúng tôi muốn xuất khẩu nên đừng quen với việc nhập khẩu hàng hóa. Chúng ta nên giảm nhập khẩu ngay khi có thể”, ông Zulkifli phát biểu.
Trước thỏa thuận với Ấn Độ, từ tháng 12/2022, chính phủ Indonesia đã nhập khẩu tổng cộng 500.000 tấn gạo từ các nước, bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Theo Bapanas, Indonesia dự báo nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2023. Kế hoạch nhập khẩu của chính phủ đang gây bất bình trong nông dân. Các nông dân nhỏ tại đông và trung Java cho báo giới biết họ kịch liệt phản đối kế hoạch và cho rằng kế hoạch này sẽ gây áp lực giảm giá lên giá lúa cổng trại. Nông dân đã đối mặt nhiều khó khăn trong những tháng vừa qua, bao gồm giá phân bón tăng vọt do nguồn cung bị hạn chế sau cuộc chiến tại Ukraine.
Một số chuyên gia kêu gọi chính phủ trì hoãn nhập khẩu gạo và đợi tới tháng 8 để có thông tin rõ rang hơn về tình hình sản xuất. Hoạt động thu mua gạo gặp khó khăn hơn thông thường do một số nước như Việt Nam đang tìm cách hạn chế xuất khẩu. Việt Nam gần đây tuyên bố tới năm 2030 sẽ chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo hàng năm so với mức 7,1 triệu tấn hiện nay. Bulog cho biết cơ quan này không lo ngại về sự dịch chuyển chính sách xuất khẩu của Việt Nam do các nước sản xuất khác như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Myanmar có thể sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Indonesia.
Theo Jakarta Post
Bình luận