0

Giá tôm tại Mỹ cuối cùng cũng có cơ sở bật tăng sau thời gian đình trệ kéo dài hậu COVID-19 trong vài tháng tới do cung – cầu đang dần quay trở lại cân bằng, theo các nguồn tin thị trường của Undercurrent News.

Là hệ quả của 10 tháng suy giảm nhập khẩu tôm tại Mỹ với mức giảm lên tới 2 con số so với năm 2022, các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới đang giảm quy mô sản xuất và tạo tiền đề cho đợt tăng giá từ tháng 8 đến tháng 9 khi hàng tồn kho giảm mạnh. “Không nghi ngờ gì nữa, giá sẽ phải tăng. Câu hỏi nay chỉ còn là thời điểm nhưng sẽ không xa”, theo ông Jim Gulkin, CEO của công ty thương mại thủy sản Siam Canadian có trụ sở tại Bangkok. “Tồn kho đang ở mức rất rất thấp và sẽ chạm tới điểm khi các nhà bán lẻ, nhập khẩu, bán buôn,… sẽ phải tăng cường dự trữ, bất kể họ có thích hay không. Người tiêu dùng vẫn không ngừng ăn tôm”.

Kim ngạch nhập khẩu tôm của Mỹ giảm khoảng 16% so với tháng 4/2022 xuống còn 56.267 tấn trong tháng 4/2023, trong khi giá trị nhập khẩu giảm 29% xuống còn khoảng 461,4 triệu tấn, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). Đây là tháng thứ 10 liên tiếp lượng nhập khẩu tôm của Mỹ suy giảm. Giá tôm nhập khẩu trung bình cũng giảm 16% trong cùng kỳ so sánh, xuống còn 8,2 USD/kg.

Ấn Độ giảm thả nuôi không gây ra thiệt hại nào lớn cho thị trường nhưng có thể là một cú hích đẩy thị trường trở lại bình thường, ông Gulkin cho hay. “Tôi không nghĩ rằng việc Ấn Độ giảm sản xuất góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu tôm vào Mỹ tới nay. Sản lượng tôm thu hoạch tại Ấn Độ vẫn dồi dào. Cuối năm ngoái là thời điểm chúng tôi cảm nhận rõ tác động của việc giảm thả nuôi tại Ấn Độ và có khả năng tại các nước sản xuất khác cũng tương tự”, ông cho biết thêm thị trường đang trong “một vòng xoáy bất tận”. “Hiện là thời điểm tồi tệ nhất trên thị trường tôm trong 2 thập kỷ qua. Nhưng không có thay đổi nào mang tính hệ thống trên thị trường tôm cũng như trong thói quen người tiêu dùng. Do đó, thị trường đang dần quay lại bình thường. Trên thực tế, tiêu dùng tôm ghi nhận tăng trưởng ổn định và sẽ tiếp tục tăng trưởng”.

Các nhà bán lẻ sẽ mắc kẹt với lượng hàng tồn kho giá cao, trừ khi họ chịu mua hàng giá rẻ hiện nay cho tới khi giá tôm còn rẻ, ông Gulkin nhắc lại quan điểm ông từng đưa ra hồi tháng 5. “Nếu không họ sẽ lỡ thuyền và buộc phải bổ sung hàng khi giá tôm cao hơn nhiều so với hiện nay”, ông cho biết. Thời gian dự báo tăng giá tôm vẫn khó đưa ra nhưng có thể trong vòng 60 ngày, theo giám đốc kinh doanh Alfred Nasti của BMR Seafood Group USA.

“Tệ nhất là giá tăng trong 60 ngày tới và sau đó sẽ bước vào chu kỳ mới”, ông cho hay. “Tồn kho đang giảm nhanh”.

 Công ty dịch vụ định giá Urner Barry, ngày 8/6, thông báo giá tôm thẻ nguyên vỏ, không đầu đông lạnh tại kho dao động trung bình từ 2,9 – 3 USD/lb và đây là giá bán buôn cho tôm cỡ 51-60 con/kg từ Mỹ Latin. Không có báo giá bán buôn tương ứng cùng loại sản phẩm cho tôm thẻ châu Á cỡ 51-60 con/kg, nhưng giá trung bình cho cỡ 41-50 con/kg là 3,45 – 3,55 USD/lb. “Các định giá sẽ thay đổi theo mức chiết khấu cho đơn lớn nhưng đã ở mức thấp trong thời gian dài. Doanh số được báo cáo ở mức giảm so với thông thường và vẫn đủ nguồn cung để tiếp tục gia tăng thêm áp lực giảm giá”.

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Robin Pearl của Sun Shrimp cho rằng giảm tiêu dùng tôm tại nhà sau đại dịch COVID-19 cuối cùng sẽ chấm dứt trước cuối năm nay. Sun Shrimp là nhánh tôm tươi của nhà cung cấp tôm giống Mỹ American Mariculture – trang trại nuôi tôm lớn nhất của Mỹ. Gần đây công ty đã quay trở lại thị trường sau những thiệt hại do cơn bão Ian gây ra. “Trong giai đoạn COVID-19, tiêu dùng tôm trên đầu người tại Mỹ tăng mạnh”, ông cho hay. “Nay mọi người đã quay trở lại lịch trình thông thường trước COVID-19, thường ra ngoài ăn và nhu cầu tiêu dùng tôm tại nhà giảm mạnh. Nguồn cung tôm chịu tác động lớn bởi COVID-19, nguyên nhân từng khiến tăng trưởng nhu cầu và tiêu dùng tôm tại Mỹ ở mức chưa từng có, nhưng mặt khác đây cũng là nguyên nhân gây ra tồn kho lớn và mất cân đối nguồn cung. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ kết thúc trong năm 2023, cung – cầu sẽ ổn định trở lại”.

Theo Undercurrent News

Admin

Trung Quốc công bố các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy thương mại trong bối cảnh lo ngại về thuế quan của Trump

Bài trước

Nhập khẩu dừa tươi Việt Nam vào Mỹ tăng vọt hơn 1.100%

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thủy sản