Theo Bộ trưởng Thương mại Indonesia, nước này sẽ tiếp tục thắt chặt xuất khẩu dầu cọ từ giữa tuần này để tăng nguồn cung nội địa, khi các nhà chức trách nước này nỗ lực kiểm soát giá dầu ăn trong nước.
Nhà sản xuất – xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới này sẽ yêu cầu các công ty bán 30% lượng dầu cọ thô và olein dự kiến xuất khẩu trên thị trường nội địa, tăng từ tỷ trọng 20% hiện nay, theo cơ chế Domestic Market Obligation (DMO). Hạn chế mới này sẽ duy trì ít nhất trong 6 tháng. Thắt chặt xuất khẩu dầu cọ sẽ làm giảm nguồn cung dầu thực vật cho thị trường thế giới, vốn đã gánh chịu các cú shock cung sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine – các nước cung cấp dầu hạt hướng dương lớn trên thế giới. “Chúng tôi sẽ tăng cường DMO nhằm đảm bảo rằng mọi bộ phận cho ngành dầu ăn nội địa có thể hoạt động trơn tru”, theo ông Lutffi. Chính sách này kéo dài ít nhất 6 tháng và sau đó chính phủ Indonesia sẽ rà soát tình hình để quyết định kéo dài hoặc điều chỉnh chính sách này.
Cùng với hạn chế lượng xuất khẩu, chính phủ Indonesia cũng đặt mức trần giá CPO và olein bán cho các nhà tinh luyện trong nước và đặt giá trần bán lẻ. Các thay đổi chính sách này có thể loại bỏ khoảng 100.000 tấn dầu cọ hàng tháng ra khỏi thị trường thế giới, theo Anilkumar Bagani, trưởng ban nghiên cứu tại nhà môi giới dầu thực vật có trụ sở tại Mumbai là Sunvin Group.
Giá dầu cọ tham chiếu trên thị trường Malaysia tăng vọt 10% sau thông báo nói trên. Indonesia ban đầu hạn chế xuất khẩu từ cuối tháng 1 sau khi giá dầu ăn – làm từ dầu cọ thô tinh chế - tăng hơn 40% vào đầu năm do giá trên thị trường thế giới tăng vọt. Mặc dù chính sách này làm tăng nguồn cung tại thị trường nội địa, người tiêu dùng vẫn than phiền rằng giá dầu ăn hiện vẫn trên 14.000 rupiah/l, tương đương 0,9739 USD/l tại các chợ truyền thống. Trong khi đó, tại các siêu thị, tồn kho dầu ăn đang cạn kiệt nhanh chóng ngay cả khi các nhà bán lẻ đặt hạn ngạch 2 lít cho mỗi người mua. Một số cửa hàng thậm chí yêu cầu người mua điểm chỉ, như khi yêu cầu trong các cuộc bầu cử, để đánh dấu họ đã mua hết hạn ngạch trong ngày. Ông Lutfi cho biết các nhà chức trách muốn giá dầu ăn nằm trong phạm vi kiểm soát hiện nay trước khi bắt đầu tháng Ramadan vào tháng 4.
Satria Sambijantoro, một nhà kinh tế học tại Bahana Securities, đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát giá. “Từ phía cung, kiểm soát giá không khuyến khích các nhà sản xuất sản xuất thêm dầu ăn, tron gkhi về phía cầu, người tiêu dùng lại bị kích thích dầu cơ tích trữ, dẫn tới lạm phát giá”. Ông Lutfi cho biết chính sách mới này sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới khi dầu ăn có nguồn cung dồi dào trên thị trường nội địa và không bị bán vượt giá trần do chính phủ đặt ra.
Tập đoàn dầu cọ lớn nhất Indonesia là GAPKI “kinh ngạc” trước động thái lớn nhất do tập đoàn này đã kêu gọi chính phủ duy trì ổn định các quy định cho tới sau tháng Ramadan, theo phó chủ tịch tập đoàn Togar Sitanggang. Do Indonesia bắt đầu hạn chế xuất khẩu dầu cọ từ cuối tháng 1, Bộ Thương mại nước này đã ban hành giấy phép cho phép 2,77 triệu tấn được xuất khẩu, ước tính doanh số nội địa là khoảng 573.890 tấn.
Theo Reuters
Bình luận