Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới – sẽ phải chi thêm hàng tỉ USD trong năm 2021 để nhập khẩu dầu ăn ngày càng đắt đỏ từ thị trường quốc tế và đang có ý định giảm thuế nhập khẩu để giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế, theo các nhà chức trách ngành cho hay.
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc giảm thuế nhập khẩu dầu ăn sau khi giá dầu ăn chạm mức cao kỷ lục trong tháng vừa qua, khi Ấn Độ tìm cách đẩy chi phí thực phẩm về mức hợp túi tiền cho đất nước quy mô 1,3 tỷ dân và giữ áp lực giá trong tầm kiểm soát.
Vì sao giá dầu ăn toàn cầu tăng mạnh?
Các vấn đề trong sản xuất các loại hạt có dầu trên thế giới cộng với nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học đang tăng là các yếu tố đẩy giá dầu thực vật tăng mạnh. Giá dầu thực vật tương lai tăng hơn 70% trong năm 2021 sau khi hạn hán làm giảm nguồn cung đậu tương tại Mỹ và Brazil. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tồn kho đậu tương toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, ở mức 87,9 triệu tấn vào tháng 9 tới.
Giá dầu cọ - loại dầu ăn được tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới – cũng tăng 18% trong năm 2020 sau khi các chính sách phong tỏa để kìm chế sự lây lan COVID-19 làm giảm sản lượng tại Đông Nam Á. Giá dầu cọ tương lai trên thị trường Malaysia chạm mức 4.142 Riggit/tấn (1.007,3 USD/tấn) vào giữa tháng 3 vừa qua – mức cao nhất kể từ năm 2008. Sản lượng thu hoạch hạt hướng dương và hạt cải tại châu Âu và khu vực biển Đen đều thất bát, dẫn tới nguồn cung dầu ăn càng suy giảm, góp phần đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trong tháng 5/2021. Phản ánh giá trên thị trường quốc tế, giá dầu cọ và dầu đậu tương nội địa cũng tăng gấp đôi so với năm 2020.
Vì sao Ấn Độ lo lắng?
Là nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, Ấn Độ chi trung bình 8,5 – 10 tỷ USD hàng năm cho nhập khẩu dầu thực vật và diễn biến tăng giá gần đây sẽ làm tăng mạnh giá trị nhập khẩu dầu ăn của nước này. Dầu thực vật là hàng hóa nhập khẩu lớn thứ 3 của Ấn Độ chỉ sau dầu thô và vàng.
Nhập khẩu dầu thực vật của Ấn Độ năm 2021 sẽ tăng lên mức 15 triệu tấn, từ mức 4 triệu tấn chỉ trong 2 thập kỷ trước, theo ước tính của các bộ liên quan. Lượng nhập khẩu có thể lên tới 20 triệu tấn vào năm 2030, theo dự báo của một số chuyên gia thương mại, chủ yếu do dân số tăng, thu nhập tăng và sự ưa thích thực phẩm chiên rán. Sản xuất hạt có dầu nội địa không theo kịp nhu cầu do nông dân chuyển sang trồng các loại ngũ cốc như lúa gạo và lúa mỳ - có chính phủ đảm bảo giá sàn.
Ấn Độ sản xuất khoảng 10,65 triệu tấn dầu ăn trong năm 2019 – 2020, chỉ đáp ứng chưa đến một nửa mức tiêu thụ 24 triệu tấn của nước này, theo các ước tính của chính phủ và chuyên gia thương mại. Ấn Độ nhập khẩu phần còn lại, trong đó gồm khoảng 7,2 triệu tấn dầu cọ từ Indonesia và Malaysia, khoảng 3,4 triệu tấn dầu đậu tương từ Brazil và Arentina, và 2,5 triệu tấn dầu hạt hướng dương, chủ yếu từ Nga và Ukraine.
Chính phủ Ấn Độ phản ứng ra sao?
Giá dầu thực vật tăng vọt càng đè nặng lên chi phí đời sống trong bối cảnh giá nhiên liệu cao kỷ lục và thu nhập khẩu trước làn sóng thứ 2 của lây nhiễm COVID-19. Chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng hỗ trợ sản xuất hạt có dầu nội địa trong những năm gần đây và kỳ vọng tạo nhiều động lực cho nông dân sẵn sàng mở rộng sản xuất hạt có dầu trong kế hoạch ngân sách hàng năm mới nhất.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa đề ra kế hoạch cho tăng cường sản xuất hạt có dầu. Ấn Độ sản xuất một số loại hạt có dầu – chủ yếu là lạc, đậu tương và hạt cải – nhưng chính phủ không có chính sách đảm bảo giá cho các loại hạt có dầu như các loại ngũ cốc khác. Do đó, sản lượng gạo và lúa mỳ của Ấn Độ trung bình cao hơn gần 6 lần so với sản lượng hạt có dầu.
Ngành sản xuất dầu thực vật trong nước lập luận rằng chính phủ Ấn Độ thu về khoảng 350 tỷ rupees (4,79 tỷ USD) từ thuế nhập khẩu dầu ăn và nên dành ra một khoản để có các chính sách khuyến khích nông dân chuyển sang hạt có dầu. Nhưng chính phủ vẫn chưa có động thái gì từ đầu năm đến nay và phụ thuộc và điều chỉnh thuế nhập khẩu để kiểm soát lượng và giá.
Theo Reuters
Bình luận