Trong năm 2020, ngành nông sản – thực phẩm Thái Lan suy giảm tới 6%, tương đương 228 tỷ Baht, cùng với mức giảm 8%, tương đương 730.000 lao động bị mất việc làm, do tác động của đại dịch COVID-19, the báo cáo của Oxford Economics.
Ngành nông sản – thực phẩm Thái Lan đứng thứ 3 trong danh sách các nước gặp thách thức phục hồi lớn nhất trong khu vực gồm 10 nước, đứng sau Philippines và Indonesia, với số điểm 4,9/10 trong Economy Recovery Matrix của báo cáo. Ngành thực phẩm Thái Lan đặc biệt dễ tổn thương do phụ thuộc vào khách du lịch, chiếm tới 9,5% tổng tiêu dùng thực phẩm của Thái Lan trong năm 2019. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ không thể trở lại mức trước dịch cho tới ít nhất năm 2024.
Visit Limlurcha, chủ tịch CLB ngành chế biến thực phẩm thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, lo lắng cho kịch bản phục hồi ngành nông sản – thực phẩm vốn từng chiếm tới 25% nền kinh tế trị giá 4.000 tỷ Baht của Thái Lan hồi năm 2019, tạo công ăn việc làm cho gần một nửa lực lượng lao động (17,9 triệu người) và đóng góp hơn 708 tỷ Baht vào doanh thu thuế cả nước. “Báo cáo cho thấy tầm quan trọng của ngành nông sản thực phẩm đối với nền kinh tế Thái Lan. Suy giảm đóng góp của ngành này vào nền kinh tế do đại dịch gây suy yếu trực tiếp nền kinh tế nói chung. Ngành nông sản thực phẩm cam kết hợp tác với chính phủ để góp phần quan trọng vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và rằng ngành nông sản thực phẩm sẽ tiếp tục là một động lực chính của nền kinh tế”, ông Visit cho hay.
Theo ông Matt Kovac, giám đốc điều hành Food Industry Asia (FIA), chính phủ Thái Lan phải thừa nhận những rủi ro hiện tại và tương lai mà các công ty nông sản thực phẩm đối mặt trước khi phát triển các chính sách và áp dụng các biện pháp thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Các hệ quả chính sách không được dự báo có thể gây thiệt hại lớn cho ngành nông sản thực phẩm và các kế hoạch phục hồi kinh tế của Thái Lan, có thể dẫn tới tăng chi phí kinh doanh và tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp đóng cửa và gây ra tình trạng thất nghiệp. “Ngành nông sản thực phẩm của Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều biến động trong năm tới, bao gồm suy giảm nhu cầu thực phẩm và đồ uống cũng như những thách thức dài hạn sẽ còn kéo dài cho tới sau đại dịch”, ông phát biểu. “Các nhà làm chính sách phải cân nhắc những vấn đề như vậy trước khi đưa ra các chính sách có thể gây thiệt hại cho sự phục hồi của ngành nông sản thực phẩm, xét tới quy mô đóng góp của ngành này tới nền kinh tế Thái Lan và thị trường việc làm”.
Báo cáo nhấn mạnh rằng mức thuế doanh thu của Thái Lan hiện ở mức thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế, làm tăng rủi ro tăng thuế doanh thu như một cách để cấp vốn cho chi tiêu công cần thiết cho phục hồi kinh tế. Thực tế này càng đẩy Thái Lan vào tình thế rủi ro nhất tại châu Áu với những điều chỉnh tài khóa hậu COVID-19, theo phần Fiscal Risk Assessment Framework của báo cáo. “Ngành nông sản thực phẩm của Thái Lan đối mặt những rủi ro rất lớn khi có bất cứ điều chỉnh tài khóa nào, đặc biệt xét tới tình trạng dễ tổn thương trước những tác động của đại dịch”, theo ông James Lambert, giám đốc tư vấn kinh tế tại châu Á cho Oxford Economics. "Điều quan trọng cho bất cứ chính sách tài khóa được triển khai là cần phải lên kế hoạch, thiết kế và truyền tải cẩn thận, mà chúng ta đã chứng kiến trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời kỳ COVID-19”.
Theo Bangkok Post
Bình luận