0

Là một trụ cột chính của nền kinh tế, ngành nông sản thực phẩm của Việt Nam tiếp tục bền vỉ vượt qua đại dịch COVID-19 và có tiềm năng lớn thúc đẩy phục hồi kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực.

Tuy nhiên, một báo cáo từ Oxford Economics cho rằng trong khi ngành nông sản thực phẩm có thể là một động lực rất lớn cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19, các rủi ro cung cầu, các chính sách tài khóa và tình hình đại dịch có thể làm gián đoạn quỹ đạo này. Được Food Industry Asia (FIA) đặt hàng nghiên cứu để hiểu rõ hơn các thách thức và tác động kinh tế mà ngành nông sản thực phẩm phải đối mặt trong năm 2020, báo cáo The Economic Impact of the Agri-Food Sector in Southeast Asia (tạm dịch: Tác động kinh tế của ngành nông sản thực phẩm tại Đông Nam Á) nhấn mạnh vai trò của ngành này là cực kỳ cần thiết trong thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm và cung cấp thực phẩm với giá ổn định.

Theo Ma trận Phục hồi Kinh tế trong báo cáo, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 10 nước khi xét tới dự báo phục hồi kinh tế, với số điểm 6,6/10, chỉ đứng sau Singapore. Một phần là do Việt Nam đã kiểm soát tương đối sớm đại dịch COVID-19 và tối thiểu hóa thiệt hại kinh tế. Ngành nông sản thực phẩm cũng tiếp tục bền bỉ hoạt động trong suốt giai đoạn COVID-19, ghi nhận tăng trưởng 4% trong năm 2020, tương đương mức tăng 3,7 tỷ USD trong đóng góp GPD. Trước đại dịch, ngành nông sản thực phẩm Việt Nam đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Các kết quả báo cáo cho thấy trong năm 2019, ngành nông sản thực phẩm đóng góp 86,4 tỷ USD cho GDP, góp phần tạo ra 27,5 triệu việc làm, tương đương một nửa lực lượng lao động, là nguồn tạo việc làm quan trọng nhất của nền kinh tế. Ngành cũng đóng góp tổng cộng 13,2 tỷ USD doanh thu thuế. Trong đó, ngành nông nghiệp chiếm ưu thế, đóng góp hơn 55,3 tỷ USD trong GDP, chiếm gần 2/3 toàn ngành. Tuy nhiên, ngành nông sản thực phẩm đang ngày càng trở nên đa dạng hơn qua từng năm nhờ đóng góp của cả ngành chế biến và phân phối thực phẩm – đồ uống, ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2015 – 2019.

Bình luận về các phát hiện này, bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành AmCham Vietnam, cho rằng trong khi ngành nông sản thực phẩm Việt Nam đã thích ứng tốt với những thách thức của đại dịch, những diễn biến của đại dịch COVID-19, các rủi ro cung cầu và rủi ro tài khóa vẫn là những mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. “Các tác động của đại dịch có thể nhận thấy rõ rệt ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm nông sản thực phẩm, nhưng với vai trò là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, ngành này đã cho thấy sức bền bỉ khi đạt tăng trưởng cao trong suốt năm 2020. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là một cơ hội để ngành nông sản thực phẩm thúc đẩy nền kinh tế lên những tầm cao mới, củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững, đồng thời tiếp tục là nguồn sinh kế cho hơn một nửa lực lượng lao động trên cả nước”, theo bà Tarnowka. “Chúng ta nên tiếp tục đa dạng hóa ngành nông sản – thực phẩm như đã triển khai trước đại dịch, thúc đẩy năng lực gia tăng giá trị trong công nghệ nông nghiệp, chế biến và dịch vụ”.

Giám đốc điều hành FIA Matt Kovac chia sẻ cùng quan điểm về sự cần thiết phải hiểu bối cảnh hiện tại và rủi ro tương lai để đảm bảo tương lai cho ngành nông sản thực phẩm của Việt Nam. “Báo cáo nhấn mạnh hàng loạt các thách thức lớn trong ngắn hạn và dài hạn của ngành nông sản – thực phẩm tại việt Nam và điều rất quan trọng đối với những nhà làm chính sách tại Việt Nam là nhận ra và giải quyết các rủi ro này, xét tới quy mô đóng góp của ngành trong việc làm và GDP cả nước. Với những khó khăn trong năm 2021, chính phủ Việt Nam bắt buộc phải lưu ý đến vấn đề này với bất kỳ chính sách nào có thể tác động đến ngành”.

Đồng thời, giám đốc tư vấn kinh tế khu vực châu Á cho Oxford Economics, ông James Lambert phân tích: “Do Việt Nam đang tìm cách duy trì quỹ đạo trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, điều quan trọng là các nhà làm chính sách liên tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông sản thực phẩm có thể tăng trưởng và vượt qua thử thách, và việc triển khai bất cứ chính sách tài khóa nào cũng cần được lên kế hoạch, thiết kế và truyền tải cẩn trọng. Điều đó cho phép ngành tiếp tục mang tới những lợi ích kinh tế đã liên tục chảy xuyên suốt những thập kỷ gần đây”.

Ông Lambert nhấn mạnh rằng những điều chỉnh tài khóa có thể bao gồm tăng thuế doanh thu, có thể dẫn tới giảm nhu cầu và kinh tế hộ gia đình, xét tới thực tế là hơn 1/3 chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam dành cho thực phẩm và đồ uống không cồn.

Theo VIR

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc