Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới – đã bắt đầu mua gạo từ đối thủ cạnh tranh xuất khẩu là Ấn Độ, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ sau khi giá gạo xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất trong 9 năm và nguồn cung trong nước ở mức thấp, theo các nhà chức trách ngành gạo cho hay. Giao dịch này càng làm nổi bật lên vấn đề nguồn cung gạo tại châu Á và có thể đẩy giá gạo tiếp tục tăng trong năm 2021 và thậm chí buộc các khách hàng truyền thống của Thái Lan và Việt Nam chuyển sang Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất hiện nay.
Các nhà giao dịch Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm, giao hàng tháng 1 và 2 với giá khoảng 310 USD/tấn (FOB) sang Việt Nam. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu gạo sang Việt Nam”, theo ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết. “Giá gạo Ấn Độ rất hấp dẫn và khoảng cách chênh giá lớn đang giúp xuất khẩu gạo Ấn Độ ngày một thuận lợi”.
Nguồn cung cạn kiệt và khách hàng Philippines liên tiếp mua đang đẩy giá gạo Việt Nam lên mức cao nhất trong 9 năm. Tuần trước, giá gạo Việt Nam chào bán ở mức khoảng 500 – 505 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo Ấn Độ quanh ngưỡng 381 – 387 USD/tấn. Nguồn cung sụt giảm mạnh sẽ đẩy lo sợ tăng cao về mất an ninh lương thực khi cận Sahara châu Phi nằm trong số các khu vực có nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng do tăng trưởng dân số cao. Đói cùng cực đang trên đà tăng, tác động lớn tới các hộ gia đình dễ tổn thương tại gần như tất cả các nước, khi đại dịch COVID-19 làm giảm thu nhập và gián đoạn các chuỗi cung ứng, World Bank cho biết.
Tăng tích trữ
Các nhà giao dịch cho biết đại dịch toàn cầu cũng khuyến khích Việt Nam cũng như các nước khác tăng tích trữ gạo.
Năm 2020, Việt Nam thông báo sẽ tích trữ 270.000 tấn gạo để đảm bảo nguồn cung thực phẩm sẵn có và các gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra do virus corona làm tăng rủi ro. Các nhà giao dịch tại Việt Nam cho biêt gạo nhập khẩu từ Ấn Độ được tích trữ trong các kho chính phủ từ năm 2016-17 và tương đối rẻ, phản ánh chất lượng thấp. “Chất lượng gạo rất thấp và không phù hợp cho tiêu dùng làm thực phẩm, chỉ dùng để sản xuất TACN hoặc bia”, theo một nhà giao dịch gạo tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng sản lượng lúa của Việt Nam trong năm 2020 giảm 1,85% xuống còn 42,69 triệu tấn, tương đương khoảng 21,35 triệu tấn gạo, theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê. Xuất khẩu gạo năm 2020 của Việt Nam ước giảm 3,5% xuống 6,15 triệu tấn. Nhu cầu mạnh từ các nước châu Phi và châu Á cũng đẩy giá gạo Ấn Độ tăng nhưng vẫn ở mức rất cạnh tranh do dự trữ dồi dào, theo ông Nitin Gupta, phó chủ tịch Olam phụ trách kinh doanh gạo. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mua cho tới khi nào mức chênh giá vẫn hấp dẫn, ông Gupta cho hay.
Trong tháng 12, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ -lần đầu tiên trong ít nhất 3 thập kỷ do nguồn cung gạo từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam đều giảm, sau khi yêu cầu mức chiết khấu giá mạnh. Năm 2020, Ấn Độ xuất khẩu gạo ở mức cao kỷ lục, đạt 14 triệu tấn, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ.
Theo Reuters
Bình luận