Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang tận dụng tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn để bán giá cao, thu về lợi nhuận khổng lồ. Dịch tả lợn bùng phát vào đầu năm 2019 làm giảm mạnh quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam, đẩy giá thịt lợn tăng vọt trong nửa cuối năm 2019. Trong giỏ hàng hóa tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối tháng 6/2020, giá thực phẩm ghi nhận tăng mạnh nhất, với mức tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là do thịt lợn.
Bất chấp giá tăng mạnh, nông dân chăn nuôi lợn quy mô nhỏ vẫn thận trọng. Họ vẫn chưa tái đàn chăn nuôi lợn do thua lỗ lớn trong năm 2019, khi hàng triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch và đang lo lắng về khả năng quay trở lại bất cứ lúc nào của dịch tả lợn. Thông thường, nông dâncần 6 – 7 tháng để nuôi 1 lứa lợn do đây là thời gian lợn có tỷ lệ thịt nạc cao nhất. Ước tính nông dân chăn nuôi nhỏ chiếm 60% quy mô chăn nuôi lợn tại Việt Nam và 40% còn lại thuộc về các doanh nghiệp lớn như CP Việt Nam, Mavin, Dabaco và CJ. Nguồn cung thịt lợn từ nông dân chăn nuôi nhỏ giảm mạnh do dịch bệnh, trong khi các doanh nghiệp lớn không bị tác động mạnh nhờ ứng dụng công nghệ và hệ thống nuôi khép kín.
Để bổ sung nguồn cung thịt lợn từ nông dân, cần thời gian cũng như các chính sách hỗ trợ của chính phủ để tái đàn, như tín dụng, công nghệ chăn nuôi và các phương pháp, giải pháp ngăn ngừa sự quay trở lại của dịch bệnh. Tốc độ tái đàn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ và tình hình dịch bẹnh. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn duy trì tăng nguồn cung do họ có năng lực đảm bảo nguồn cung lợn giống và TACN, đòng thời áp dụng hệ thống nuôi khép kín.
Lợi nhuận lớn
Các doanh nghiệp chăn nuôi đạt các kết quả kinh doanh rất đáng kể trong 2 quý gần nhất do dịch tả lợn neo giá thịt lợn ở mức cao. Doanh thu trung bình của 6 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có các hoạt động kinh doanh thịt lợn trong quý 4/2019 tăng 7% và lợi nhuận tăng 77%. Trong quý 1/2020, các kết quả kinh doanh thậm chí còn tích cực hơn, với doanh thu trung bình tăng 26% và lợi nhuận tăng vọt 400%. Các con số này cho thấy mặc dù các doanh nghiệp chăn nuôi không ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng kết quả kinh doanh lại sinh lời lớn nhờ giá thịt lợn tăng trong khi chi phí chăn nuôi giảm.
Một ví dụ điển hình là Dabaco (DBC). Công ty hiện sở hữu 8 trung tâm chăn nuôi lợn tại miền Bắc với công suất thiết kế 750.000 lợn thương phẩm, chiếm một lượng lớn tỷ trọng doanh thu của Dabaco trong nhiều năm qua. Lợi nhuận quý 4/2019 của Dabaco tăng 127,2% và lên tới 1.638,7% trong quý 1/2020. Doanh thu quý 2/2020 ước đạt hơn 3.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế có thể đạt tới gần 400 tỷ đồng, cao gấp 50 lần so với cùng kỳ năm 2019, đưa lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm 2020 lên hơn 740 tỷ đồng. So với mục tiêu lợi nhuận 457 tỷ đồng của Dabaco trong cả năm 2020, mức lợi nhuận nửa đầu năm 2020 đã đạt hơn 160%.
Giá thịt lợn tăng cũng giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty thép Hòa Phát, vốn vận hành chủ yếu trong mảng kinh doanh thép, trong nửa đầu năm 2020. Trong quý 1/2020, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nông sản của công ty đạt hơn 480 tỷ đồng và lợi nhuận quý 2 ước đạt tương đương, chiếm 10 – 12% tổng lợi nhuận tập đoàn.
Công ty chăn nuôi Mitraco (MLS) đạt lợi nhuận tỏng 93 tỷ đồng trong quý 1/2020, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019, và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 22 tỷ đồng. Công ty có thể đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm 40 tỷ đồng ngay khi hết quý 2, trong khi đã từng phải chịu thua lỗ 11 tỷ đồng trong năm 2019. Công ty có hai trung tâm chăn nuôi lợn chất lượng cao tại tỉnh Hà Tĩnh.
Vissan hiện sở hữu hệ thống giết mổ vật nuôi lớn và hiện đại nhất tại Việt Nam, với 5 dây chuyền giết mổ tại 3 nhà máy có tổng công suất giết mổ 109.500 con bò và 876.000 con lợn, chế biến 28.000 tấn thực phẩm hàng năm. Công ty đã tham gia chương trình bình ổn giá với mức giá thấp hơn từ 5 – 10% so với giá thị trường mà chính phủ kêu gọi. Do đó, tăng trưởng kinh doanh của công ty thấp hơn tăng trưởng trung bình của ngành cũng như nhiều doanh nghiệp niêm yết khác.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang tận dụng thời cơ giá cao nhờ thiếu nguồn cung thịt lợn để thu về lợi nhuận lớn. Câu hỏi là tình trạng giá thịt lợn cao sẽ kéo dài bao lâu trước các nỗ lực bình ổn giá của chính phủ? Hơn nữa, nếu giá thịt lợn cao kéo dài thì có khuyến khích nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô chăn nuôi lợn và nhiều nông dân tái đàn hơn không. Tăng nguồn cung thịt lợn có thể kéo giá giảm. Do đó, các nhà đầu tư có vẻ nên coi việc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi khởi sắc mạnh mẽ gần đây chỉ là câu chuyện ngắn hạn và chốt lời khi cổ phiếu của các công ty này ở mức giá cao. Ví dụ, VinaCapital va fSSI tiếp tục bán ra cổ phiếu DBC mà họ nắm giữ trong thời gian gần đây khi giá cổ phiếu này đã tăng tới gần 300%.
Theo Saigon Times
Bình luận