Mỹ đối mặt với thiếu hụt thịt lợn khi xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tăng vọt
Các nhà sản xuất chăn nuôi và đóng gói thịt tại Mỹ đã dành ít nhất 1 năm điều chỉnh tăng mạnh hoạt động kinh doanh sang Trung Quốc – thị trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn. Nhưng hiện nay, chính Mỹ cũng đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng nguồn cung thịt của riêng mình do virus corona, nguồn cung thịt lợn Mỹ đang được xuất khẩu hàng loạt sang Trung Quốc, tạo ra một kịch bản hoàn hảo cho gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Đối với một số người tiêu dùng Mỹ, các khía cạnh của tình hình có vẻ rất tồi tệ, xét tới thực tế là virus này bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Nhưng xuất khẩu thịt Mỹ sang Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước, vừa nhằm thỏa mãn nhu cầu của Trung Quốc và vừa thúc đẩy kinh doanh tại Mỹ. Trung Quốc bắt đầu thiệt hại ngành chăn nuôi lợn từ tháng 8/2018 do dịch tả lợn bắt đầu lây lan trên phạm vi toàn quốc, làm giảm sản lượng thịt lợn của Trung Quốc ít nhất là 30%, buộc Trung Quốc phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiều hơn bình thường.
Thời điểm Thỏa thuận Thương mại giai đoạn 1 thuận lợi cho cả đôi bên để giải quyết vấn đề dịch tả lợn do cho phép Trung Quốc tăng nhập khẩu thịt lợn và các loại thịt khác từ Mỹ trong khuôn khổ các điều khoản của thỏa thuận. Tháng 2/2020, Bắc Kinh tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn và sau khi dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm vào cuối năm 2019, nhập khẩu thịt gia cầm Mỹ của Trung Quốc cũng bắt đầu tăng. Xuất khẩu thịt bò và thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc đặc biệt tăng vọt trong tháng 4 nhưng một số nhà máy giết mổ Mỹ bắt đầu đóng cửa trong tháng vừa qua do sự bùng phát virus corona trong cộng đồng công nhân. Sản lượng giết mổ giảm mạnh và nguồn cung thịt tươi bắt đầu được xếp vào danh mục “mặt hàng khan hiếm” tại các cửa hàng của Mỹ, cùng với giấy vệ sinh.
Thiếu thịt tại Mỹ và các mục tiêu giai đoạn 1 về tăng xuất khẩu sang Trung Quốc có vẻ là các động lực đối lập, làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ sẽ hoặc có nên hạn chế xuất khẩu thịt sang Trung Quốc. Một số hạn chế sẽ không đáng ngạc nhiên xét đến giọng điệu gây hấn hơn trong một số bình luận gần đây của Tổng thống Donald Trump về vấn đề thương mại với Trung Quóc. Ông Trump từng ca ngợi giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại nhưng tuần trước ông nói thỏa thuận thương mại này là vấn đề không quan trọng so với việc cho Trung Quốc nhận thức được trách nihệm của mình liên quan đến sự bùng phát virus corona. Tuần trước, ông Trump cũng yêu cầu các nhà máy chế biến thịt duy trì hoạt động để bảo vệ nguồn cung thịt tại Mỹ, nhưng yêu cầu này làm dấy lên sự phản đối từ phía liên đoàn và những nhà lập pháp liên quan đến an toàn lao động và hiện chưa rõ nếu lệnh này sẽ có hiệu ứng như kỳ vọng lên sản xuất thịt hay không.
Các gián đoạn sản xuất cũng xảy ra tại các nhà máy bên ngoài nước My, bao gồmt ại Brazil và Canada – nước hiện phải đóng cửa tạm thời ít nhất 8 nhà máy thịt. Thiếu hụt nguồn thịt từ Mỹ vừa là cơ hội cho các nhà cung cấp khác, vừa là vấn đề khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải giảm nhập khẩu nếu nguồn cung thịt toàn cầu giảm.
Xuất khẩu tăng mạnh
Trong tháng 3/2020, xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 95.892 tấn, theo dữ liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê Mỹ, là kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 chỉ sau tháng 12/2019 ở mức 102.117 tấn. Xuất khẩu thịt lợnv à các sản phẩm từ lợn của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 280.507 tấn, cao gấp 3 lần so với mức kỷ lục ghi nhận năm 2014 và tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tổn kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 bằng gần một nửa kim ngạch nhập khẩu cả năm 2019 ở mức 574.988 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu thịt lợn Mỹ trong tháng 3 đạt 291.456 tấn – mức cao kỷ lục theo tháng – và kim ngạch xuất khẩu trừ đi Trung Quốc cũng ở mức cao thứ 2 cho tháng 3, chỉ sau tháng 3/2018. Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thịt lợn Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2020.
Xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm Mỹ sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ chiếm 1% và 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt nhưng cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng xuất khẩu thịt bò 12%. Xuất khẩu chân gà vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thịt gia cầm từ Mỹ sang Trung Quốc, nhưng xuất khẩu các phần thịt cũng tăng lên sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gia cầm hồi cuối năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm gia cầm Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3 đạt mức cao kỷ lục theo tháng kể từ tháng 8/2013.
Số liệu xuất khẩu sơ bộ Mỹ cho tháng 4 cho thấy xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tương đương tháng 3 nhưng xuất khẩu thịt bò có thể tăng. Đáng chú ý là phần lớn số liệu kinh doanh và xuất khẩu thịt Mỹ sang Trung Quốc đều ghi nhận trước khi tình trạng thiếu hụt thịt lợn tại Mỹ leo thang. Giá trị xuất khẩu tất cả các loại thịt: lợn, bò và gia cầm Mỹ sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 781 triệu USD.
Nguồn cung sụt giảm mạnh
Sản lượng thịt lợn Mỹ đang giảm nhanh do số lượng vật nuôi được giết mổ lao dốc, khiến ngành này phải lên tiếng cảnh báo khả năng các kệ hàng thực phẩm có thể hết sạch thịt. Trong tuần kết thúc vào 1/5, sản lượng lợn giết mổ trung bình hàng ngày của Mỹ giảm 21% so với tuần trước đó và giảm 41% so với 4 tuần trước đó. Sản lượng bò giết mổ trung bình giảm lần lượt 9% và 33% trong cùng kỳ so sánh.
Việc đóng cửa nhà hàng vốn đã giáng một cú mạnh vào nhu cầu tại Mỹ nhưng ngành bán lẻ cũng không chuẩn bị cho kịch bản sụt giảm mạnh sản lượng thịt. Nhà đóng gói thịt lớn của Mỹ là Tyson Foods Inc, cho hay nhu cầu thịt bán lẻ tăng 30 – 40% nhưngtổng doanh số vẫn giảm do thiệt hại mất đi nhu cầu từ khu vực nhà hàng và dịch vụ ẩm thực.
Không giống như ngô và đậu tương, các sản phẩm thịt không thể dự trữ trong nhiều tháng hay nhiều năm, nghĩa là phương án dự phòng rất yếu trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung thịt. Vào cuối tháng 3, tồn kho thịt bò đông lạnh của Mỹ đạt tổng cộng 225.900 tấn, mức cao thứ 3 trong cùng thời điểm, chỉ đứng sau năm 2013 và 2012. Tồn kho thịt lợn đông lạnh là 279.900 tấn, lớn thứ 4 trong cùng thời điểm từng ghi nhận.
Các con số này có vẻ rất lớn khi so với nhu cầu thông thường. Sử dụng các số liệu tiêu dùng trung bình năm 2019, tồn kho thịt bò đông lạnh vào cuối tháng 3 có thể đủ cho tiêu dùng chưa đến 1 tuần và nguồn cung thịt lợn dự trữ chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 1,5 tuần.
Theo Reuters
Bình luận