Đại dịch virus corona kéo dài đang gây tác động lớn tới thị trường thủy sản khi các nhà hàng vẫn đóng cửa, người lao động bị giảm thu nhập do các lệnh cấm ra ngoài và biên giới thắt chặt để ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Theo hàng loạt các chuyên gia ngành, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ có tác động kéo dài do các nhà máy chế biến gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu và các nhà nhập khẩu đặt hàng dè dặt do nhu cầu khó tiên liệu. Đặc biệt, sản xuất tôm tại Đông Nam Á có thể sẽ biến động liên tục trong vài tháng tới, theo nhận định của Robins McIntosh, phó giám đốc điều hành tại Charoen Pokphand Foods. “Toàn bộ Đông Nam Á không còn nơi nào cho phép tự do di chuyển”, ông McIntosh cho hay.
Việt Nam là nước mới nhất gia nhập câu lạc bộ các nước phong tỏa từ ngày 1/4, kéo dài 15 ngày cách ly toàn xã hội. Các nước sản xuất tôm lớn khác – Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ - đều đã thời gian phong tỏa thậm chí còn có thể kéo dài hơn. Các lệnh phong tỏa này, theo ông McIntosh, đang khiến các chuỗi cung ứng trở nên rối ren giữa và ngay bên trong các nước, ngay cả tại các khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. “Tình hình hiện nay không còn phụ thuộc vào nơi diễn ra lây nhiễm mà toàn bộ quốc gia đều đang cố gắng cách ly”, ông McIntosh cho hay. “Các chốt kiểm tra và tất cả các chính sách hạn chế đi lại hiện hữu tại khắp các nước”.
Tại nhiều nước nơi các cơ sở nuôi và các nhà máy chế biến đặt tại các khu vực cách xa nhau, vận chuyển nguyên liệu từ một điểm tới một điểm khác trở nên rất khó khăn và tình hình phức tạp hiện nay cũng khiến nhu cầu suy yếu, nông dân e dè thả nuôi vụ mới. “Không ai muốn thả nuôi vào thời điểm này”, ông McIntosh cho hay. “Nông dân lo lắng về tương lai nên họ không sẵn sàng lãnh nhận rủi ro sản xuất”.
Trong khi đó, các nông dân vẫn còn tôm trong ao có thể sẽ không thu hoạch do nhu cầu thấp khiến họ khó bán. Tôm càng được giữ lâu trong ao thì cỡ tôm càng to – một vấn đề phát sinh là cỡ tôm to chỉ bán trong các nhà hàng hiện đang phải đóng cửa vô thời hạn. “Giữ tôm trong ao nuôi càng lâu thì cỡ tôm càng to”, ông McIntosh phân tích. “Thu mua tôm cỡ nhỏ vào thời điểm này, ở bất cứ quy mô nào, từ Ấn Độ đều gặp khó khăn”.
Ngoài ra, ông McIntosh ước tính 50% các trại nuôi tôm giống sẽ giảm vận chuyển tôm hậu ấu trùng PLs và phần lớn các cơ sở này sẽ phải đóng cửa. “Nếu các hoạt động sản xuất tôm giống quay trở lại vào tháng 5 thì sản lượng tôm tại Đông Nam Á sẽ giảm 25%”, ông McIntosh dự báo.
Những gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay đang tác động ngày càng sâu rộng khi phần lớn các nhà cung cấp thường phải lên kế hoạch hàng tháng trước khi quyết định đặt hàng do thời gian trung chuyển hàng hóa kéo dài. “Nếu một quy trình kéo dài 13 tuần thì chúng tôi sẽ phải nghĩ từ 13 tuần trước đó, đôi khi là 26 tuần để quản lý tồn kho, dựa trên tình hình vận chuyển”, theo James Berger, phó chủ tịch marketing và kinh doanh dịch vụ ăn uống cho Slade Gorton. “Chúng tôi không ở hoạt động dựa trên phía nguồn cung, mà theo tình hình tồn kho ở mức an toàn theo tuần đối với từng loại nguyên liệu. Điều này nghĩa là tình hình gián đoạn hiện nay không tác động lên nguồn cung tại Mỹ vài tháng kể từ thời điểm này”.
Theo ông Jeff Stern từ CENSEA, tình hình có thể dẫn đến hiệu ứng roi da*. “Hiệu ứng này rất phức tạp. Nếu hiện nay xảy ra tình hình dư cung do thiếu kênh tiêu thụ qua dịch vụ ăn uống, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ không đặt các đơn hàng mới”, ông cho hay. “Khi tình hình bắt đầu chậm chạp quay trở lại bình thường vào khoảng tháng 5, 6, thì tồn kho có thể vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó”.
Tuy nhiên, ngay khi các mắt xích hoạt động trở lại, các lô hàng từng được dự kiến rời Đông Nam Á vào tháng 4 nhưng bị hoãn hoặc chưa thể rời cảng, có thể tạo nên một khoảng trống trong thời điểm hiện nay. “Khi các containers có thể cập cảng đến vào tháng 6,7,8 do tình trạng phong tỏa hiện tại, chúng ta có thể nhận ra tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm”, ông Stern cảnh báo. “tôi cho rằng thời gian kết thúc 1 chu trình từ ao nuôi ấp con giống cho tới khi container chở tôm cập cảng bờ đông nước Mỹ sẽ kéo dài khoảng 5 – 6 tháng”.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ càng tồi tệ nếu tình trạng kìm hãm sản xuất và chế biến kéo dài. Ông McIntosh cho rằng nếu mọi thứ không quay trở lại tình trạng tương đối bình thường vào cuối tháng 5, sản xuất tôm tại Đông Nam Á có thể giảm tới 50% so với năm 2019. Với diễn biến như hiện nay, câu hỏi không còn là liệu có xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung hay không, mà là tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng cỡ nào khi xảy ra, ông McIntosh nhận định.
Theo Seafood Source
*Hiệu ứng roi da xuất hiện khi có sự chênh lệch quá lớn trong dự báo nhu cầu, dẫn dến tồn kho quá mức, dự báo kém, năng lực dư thừa hoặc thiếu hụt, dịch vụ khách hàng tệ do sản phẩm không có sẵn hoặc do tồn kho dự trữ quá lâu, kế hoạch sản xuất không ổn định và chi phí tốn kém từ những hành động sửa chữa.
Bình luận