Theo ông Nguyễn Bích Lâm, cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), xuất khẩu ước giảm 21% xuống còn 45,6 tỷ USD trong quý 1/2020. Các nhóm hàng hóa bao gồm nông sản, thủy sản, các sản phẩm gỗ, và hàng dệt may có thể bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019 với nông sản và các sản phẩm gỗ bị tác động nghiêm trọng nhất. Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp sẽ thiệt hại lớn nhất do đại dịch này, bao gồm thanh long, dưa hấu, thủy sản, gỗ và gạo. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để thay đổi phương pháp sản xuất và kinh doanh để thích ứng với các thách thức và khó khăn mới, bao gồm những khó khăn xuất phát từ chủng cúm mới virus corona (nCoV-2019).
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết cần phải phát triển cả các kịch bản ngắn và dài hạn. “Để tận dụng cơ hội này, cần phải phát triển sản xuất quy mô lớn và các chuỗi hợp tác nhằm tìm ra các hướng đi khác cho nông sản”, ông Cường phát biểu và cho biết thêm. “Nếu không có virus corona, thì cũng có các vấn đề khác. Do đó, chúng ta cần phải liên tục cảnh giác, không e ngại dịch bệnh. Tình hình này đặt ra thách thức cho chúng ta, yêu cầu có các giải pháp mạnh mẽ để thích ứng”.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên phó chủ tịch và tổng thư ký Hiệp hội gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam, cho biết xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc suy giảm do virus. “Tuy nhiên, tôi thấy đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa phát triển sản xuất ván nhân tạo và tấm xơ ép độ dày trung bình từ dăm gỗ”. “Trong 2 tuần qua, 4 nhà sản xuất dăm gỗ Việt Nam đã mua máy móc để bắt đầu sản xuất ván nhân tạo”, ông Quyền cho hay. Ông cũng đề xuất chính phủ cân nhắc hỗ trợ các doanh nghiệp đang tăng đầu tư vào sản xuất bằng các khoản vay lãi suất thấp và giúp họ hoàn thành các dây chuyền sản xuất để tận dụng cơ hội này.
Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Cao Khuê cho biết khi đại dịch bùng phát, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc ngừng hoàn toàn. “Một số doanh nghiệp còn mất khoản đặt cọc 100 – 200 triệu đồng do không thể bán hàng hóa, trong khi một số khác đã thu mua từ nông dân và giữ trong kho do muốn giữ uy tín”, ông Khuê cho biết thêm Hiệp hội đang xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, một số chính phủ các nước khác đang cảnh báo công dân tránh xa các khu vực đông người, nghĩa là số lượng người đến các chợ và mua sắm sẽ ít đi. Ông Khuê cho hay dừa có thể bảo quản tới 75 ngày trong khi thanh long đỏ và thanh long trắng chỉ có thể bảo quản tối đa tới 15 ngày và 45 ngày. “Với thời gian bảo quản như vậy, tôi kỳ vọng Bộ NNPTNT cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thông quan cho hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Khuê phát biểu. “Chúng tôi cũng cần dự báo về sức mua của người dân Trung Quốc khi thương mại được nối lại”.
Đối với thủy sản, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành thủy sản vẫn chưa có bất cứ đơn hàng nào bị hủy do virus corona, nhưng một số đơn hàng bị trễ hoặc thay đổi nội dung đặt hàng. “Khó khăn của chúng tôi hiện nay là một số tàu ngừng nhận các containers hàng hóa vận chuyển tới Trung Quốc”, ông Nam cho hay. “Các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Trung Quốc hiện phải giữ hàng hóa trong kho và chịu mức chi phí kho bãi cao. Tại Trung Quốc,nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp bán thủy sản Việt Nam cho các nhà hàng nhưng các hệ thống nhà hàng tại nước này đang ngừng mua hoặc giảm lượng mua thủy sản, nên các doanh nghiệp này buộc phải ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam do khong muốn chi trả chi phí lưu kho hàng”, ông Nam cho hay. “Tôi nhận thấy hàng loạt cơ hội ở đây. Đầu tiên là nhu cầu đối với các sản phẩm đông lạnh và đóng hộp sẽ tăng do nhiều người không muốn ăn các sản phẩm thực phẩm tươi sống giữa bối cảnh dịch bệnh. Thứ hai, Trung Quốc là một trong 5 nước bán cá ngừ lớn nhất thế giới. Nhiều nước sẽ ngừng hoặc giảm nhập khẩu cá ngừ Trung Quốc nên đây là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu cá ngừ, tăng thị phần”, ông nhận định thêm.
Về ngành gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc, cho biết 5 – 6 năm trước, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng nay tình hình đã khác. Việt Nam mở rộng xuất khẩu gạo ra nhiều thị trường khác nhau nên Trung Quốc không còn là thị trường chi phối ngành gạo Việt Nam. “Đại dịch virus corona không tác động mạnh tới ngành gạo Việt Nam”, bà Tâm cho biết.
Phó tổng giám đốc Central Group Nguyễn Thị Phương cho biết tập đoàn đang tập trung thu mua nông sản từ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An và Tiền Giang. “Chương trình hỗ trợ này sẽ được tiến hành ở tát cả 37 siêu thị Big C và GO! trên toàn quốc, kéo dài cho tới khi tình hình được kiểm soát. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiêu thụ khoảng 80 tấn thanh long và dưa hấu mỗi ngày, giúp nông dân ổn định sản xuất, trong khi người tiêu dùng có thể thưởng thức trái cây tươi ngon”, bà Phương cho hay.
Tại các siêu thị Big C và GO! ở khu vực miền Bắc, dưa hấu bán với giá 6.200 đồng/kg trong khi thanh long có giá 15.500 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, các loại trái cây này có giá lần lượt là 5.400 đồng/kg và 10.900 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn từ 2 – 3 lần so với thông thường. “Nhu cầu đối với các nông sản này rất cao trong chuỗi siêu thị của chúng tôi. Vào thời điểm này, chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa có thể. Chúng tôi đề xuất Bộ NNPTNT thông tin cho chúng tôi về nông sản đang tồn kho để có thể lên các kế hoạch marketing phù hợp”.
Theo VNS
Bình luận