Theo Bộ NNPTNT, ngành chế biến nông sản tăng trưởng hàng năm 5 – 7% trong giai đoạn 2013 – 2018, và giá trị xuất khẩu chiếm tổng cộng 65% tổng giá trị sản xuất chế biến. Việt Nam hiện có 7.500 cơ sở chế biến và bảo quản nông sản, phục vụ các hoạt động xuất khẩu. Năm 2018 – 2019 có tới 30 dự án xây dựng chế biến nông sản trị giá khoảng 1 tỷ USD đã được khởi động và rất nhiều trong số này đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Vào cuối năm 2019, tập đoàn Intimex đã khởi công nhà máy cà phê hòa tan trị giá 30 triệu USD, được trang bị công nghệ hiện đại và công suất hàng năm 4.000 tấn. “Thông qua dự án này, chúng tôi đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, cải thiện khả năng cạnh tranh và giá trị của cà phê Việt Nam, và đi theo hướng xuất khẩu bền vững”, theo chủ tịch Intimex Đỗ Hà Nam. Ông Nam cho hay tập đoàn có kế hoạch tăng công suất hàng năm của nhà máy lên 20.000 tấn trong năm 2020, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Các doanh nghiệp khác cũng đang mở rộng công suất hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm CTCP Phúc Sinh, tập đoàn TH, CTCP Masan Meatlife, tập đoàn Vina T&T, tập đoàn Việt Úc và công ty TNHH San Hà.
Giá các sản phẩm nông sản chế biến dự báo tăng 7 – 8% hàng năm đến năm 2030, theo ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Chế biến Nông sản thuộc Bộ NNPTNT. Các sản phẩm chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao sẽ chiếm từ 30% trở lên và hơn một nửa cơ sở chế biến nông sản sẽ được trang bị các công nghệ hiện đại nhất, ông cho biết. Ngoài đầu tư vào các công nghệ chế biến hiện đại, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm. Ông Toản cho hay nông nghiệp sẽ ngày một phát triển nếu nhận thêm các khoản đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu dùng nông sản. Bên cạnh đó, cần phải cải thiện chất lượng đào tạo nhân sự,t ập trung vào khoa học công nghệ, nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Theo VNA
Bình luận