Hiệp hội Sữa Việt Nam dự báo ngành sữa sẽ tăng trưởng 9 – 10% và tiêu dùng sữa trên đầu người sẽ đạt 28 lít trong năm 2020.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung cho biết tăng trưởng này là nhờ thu nhập tăng và sự phát triển của các chuỗi bán lẻ hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa giá trị cao cũng được dự báo tăng mạnh do dân số trẻ và quy mô dân cư trung lưu thành thị ngày một đông. Các khách hàng này thường muốn trải nghiệm sản phẩm mới, đặc biệt là sữa hữu cơ và sữa hạt. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa được tiêu dùng phổ biến nhất là sữa nước, sữa bột, sữa chua và sữa đặc, trong khi tiêu dùng các sản phẩm từ sữa khác như phô mai và bơ vẫn ở mức thấp.

Hiện nhu cầu tiêu dùng sữa trên đầu người tại Việt Nam hiện ở mức 26 lít, thấp hơn mức 35 lít tại Thái Lan, 45 lít tại Singapore và từ 80 – 100 lít tại châu Âu. Hơn nữa, ngành sữa nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu nội địa. Theo kế hoạch phát triển ngành sữa nội địa, sản xuất sữa tươi nội địa dự báo đạt 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu nội địa trong năm 2020 và tăng lên 1,4 tỷ lít, đáp ứng 40% nhu cầu nội địa vào năm 2025.

Ngành sữa nội địa đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, ông Trung cho hay. Các doanh nghiệp trong ngành đang đổi mới trang thiết bị sản xuất và áp dụng công nghệ để cải thiện chất lượng nguồn cung sữa và các sản phẩm từ sữa. Hai phân khúc sữa lớn nhất trên thị trường sữa nội địa là sữa nước và sữa bột, chiếm gần 75% tổng giá trị thị trường với sản lượng hàng năm 1,5 triệu lít sữa tươi và 138.000 lít sữa bột.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sữa đã đa dạng các sản phẩm sữa như sữa hữu cơ và các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đặc biệt. Nhiều doanh nghiệp lớn tăng thị phần thông qua phát triển các sản phẩm mới, như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Chuỗi Thực phẩm TH (TH True Milk), CTCP Bò sữa Mộc Châu và Nestlé Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NNPTNT, quy mô đàn bò sữa của Việt Nam đang tăng mạnh do các doanh nghiệp lớn tăng đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi. Các doanh nghiệp này đang xây dựng nguồn cung nguyên liệu thô nội địa. Họ ngày càng mạnh tay phát triển các trang trại nuôi bò sữa, nhập khẩu thêm bò từ Úc và Mỹ. Họ có nhiều trang trại đạt các tiêu chuẩn GlobalGAP và trang trại hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, họ cũng xây dựng các các mối liên kết từ trang trại tới các nhà máy chế biến.

Vinamilk hiện có 12 trang trại trên khắp cả nước, bao gồm 2 trang trại theo các tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và 10 trang trại đang theo các tiêu chuẩn GlobalGAP. Công ty cũng đang xây dựng một tổ hợp sữa hữu cơ tại Lào. Dự báo tổ hợp này sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2020 và sữa tươi hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Trong khi đó, tập đoàn TH, công ty mẹ của TH True Milk, cũng đã chi khoảng 2,7 tỷ USD để phát triển một dự án sản xuất sữa tươi, chế biến sữa và một số dự án thực phẩm tại Nga.

Vào cuối năm 2019, Nestlé Việt Nam sẽ triển khai giai đoạn 2 của mở rộng nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên. Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam và nhà máy thứ hai của Nestlé tại Hưng Yên.

Theo VNS
Admin

Bộ Nông nghiệp đưa 5,9 triệu tấn carbon ra đấu giá

Bài trước

Úc mở cửa cho lao động nông nghiệp Việt Nam

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư