Thời điểm thu hoạch tại Philippines thường là thời diểm hưng phấn của hơn 2 triệu nông dân trồng lúa tại nước này nhưng tâm trạng của họ năm nay rất khác. “Đây thực sự là một bi kịch nghiêm trọng đối với chúng tôi”, theo ông Roy Valdez, một nông dân tại Guimba, nơi những con đường được phủ kín lúa chưa xát phơi dưới ánh mặt trời và những cánh đồng rải rác máy thu hoạch liên hợp và những chú trâu nước.

Ông Valdez, 50 tuổi, đang coi sóc mảnh ruộng rộng nửa ha thừa hưởng từ cha mẹ khi ông 15 tuổi. Các thương lái mua lúa từ ruộng nhà ông gần đây với giá 12 pesos/kg (0,24 USD/kg), thấp hơn giá thành sản xuất.

Một làn sóng gạo nhập khẩu giá rẻ đang đẩy giá lúa cổng trại tại Philippines xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm. Giá cổng trại là giá trả cho lúa tại nơi sản xuất, trước khi bước vào vận chuyển. Tác động của nhập khẩu gạo – phần lớn từ Thái Lan và Việt Nam – đã châm ngòi cho hàng loạt yêu cầu xóa bỏ luật mới có hiệu lực nhằm đảm bảo nguồn cung lúa gạo nội địa và ở mức giá hhợp túi tiền trong khi thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nông dân trong một cuộc đại tu dài hạn. Một số chuyên gia cho rằng nông dân cần phải kiên nhẫn nhưng thật khó để kiên nhẫn khi bạn không thể thanh toán hóa đơn sinh hoạt. Cuộc tranh cãi đang đẩy các kế hoạch của chính phủ nhằm tự do hóa mạnh hơn ngành gạo vào tình thế bị nghi ngờ, đặc biệt khi tổng thống nước này chủ yếu tập trung vào chiến dịch đầy bạo lực chống lại các loại ma túy và tội ác. Trở lại thời điểm tháng 2, tổng thống Rodrigo Duterte đã ký Luật Thuế gạo, theo đó dỡ bỏ các hạn chế về nhập khẩu. Động thái này diễn ra sau khi tình trạng thiếu gạo đẩy lạm phát tại Philippines lên mức cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ vào năm 2018, tác động mạnh tới nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa trị giá 330 tỷ USD này.

Hiện nay, sau làn sóng nhập khẩu gạo ồ ạt và ngân hàng trung ương Philippines tăng mạnh lãi suất, lạm phát bắt đầu đạt trung bình 2,8% trong năm 2019 – nằm an toàn trong mục tiêu 2 – 4% của nước này. Con số lạm phát tháng 9 ở mức 0,9% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016. “Luật thuế nhập khẩu gạo đã làm được nhiều điều phi thường”, theo lãnh đạo kế hoạch kinh tế xã hội Ernesto Pernia. “Người nghèo đang hưởng lợi – 100.000 người Philippines so với 1,5 triệu nông dân”. Theo luật mới, nhập khẩu gạo từ Đông Nam Á sẽ chịu mức thuế 35% và các nước cung cấp khác chịu mức thuế 40%. Tổng cộng 200 triệu USD thu được từ chính sách thuế này sẽ được giải ngân hàng năm trong vòng 6 năm để triển khai các khoản vay phi lãi suất, vay mua máy móc và hạt giống cho nông dân.

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động như Peasant Movement of the Philippines khẳng định rằng luật thuế này nên được bãi bỏ. Gạo là mặt hàng vừa mang tính chính trị, vừa nặng tính cảm xúc trong xã hội Philippines. Đây là thực phẩm thiết yếu cho người nghèo, những người tiêu 20% thu nhập vào thực phẩm. Các chính quyền trước đều cam kết đạt mục tiêu tự cung tự cấp gạo nhưng thực tế đều thất bại do thiếu đầu tư vào thủy lợi và cơ giới hóa.

Trong khi các con sông Chao Phraya và Mekong đã đưa Thái Lan và Việt Nam trở thành các nước xuất khẩu gạo lớn, Philippines thiếu các nguồn lực thủy lợi tự nhiên dồi dào như vậy. Mặc dù có lịch sử đáng tự hào về trồng lúa và hiện đang có trụ sở của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), quần đảo này vẫn là một nước nhập khẩu gạo ròng. Nhiều người Philippines coi đây là “nỗi nhục quốc gia”, theo các nhà nghiên cứu tại Philippine Institute for Development Studies. “Tôi nghĩ chúng ta có thể tự cung tự cấp gạo nếu có sự hỗ trợ củachính phủ”, theo nông dân 55 tuổi Daisy Hermano vừa phải bán lỗ vụ thu hoạch lúa.

Sau khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995, Philippines duy trì bảo hộ ngành lúa gạo cho tới năm 2017, khi hạn ngạch nhập khẩu gạo bị dỡ bỏ. Năm 2018, giá gạo tăng vọt và khi cuộc bầu cử giữa kỳ tiến gần, ông Duterte hối thúc các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua Luật thuế gạo. Hai văn phòng quốc hội do các đồng minh của tổng thống kiểm soát nhưng các ý kiến phản đối vẫn lan khắp chính phủ.

Bộ trưởng Nông nghiệp lúc bấy giờ là Emmanuel Pinol phản đối chính sách này khi cho rằng nông dân Philippines vân chưa chuẩn bị cho cạnh tranh nước ngoài mạnh hơn. Ông đụng độ với đầu não kinh tế của ông Duterte và sau đó bị điều chuyển sang vị trí khác. Luật Thuế nhập khẩu gạo cũng giáng mạnh vào National Food Authority (NFA) vốn độc quyền nhập khẩu gạo khi cấp phép cho một số ít nhà nhập khẩu gạo. NFA bị cáo buộc làm sai chức năng quản lý và gây ra tình trạng thiếu gạo. Nguyên lãnh đạo NFA Jason Aquino, một trong nhiều cựu binh quân sự trong chính quyền của ông Duterte, bị buộc phải từ chức.

Năm 2019, chính phủ cấp giấy phép nhập khẩu cho 200 công ty và cấp hơn 2.000 giấy phép thông quan, rải thảm đỏ cho nguồn cung gạo nhập khẩu giá rẻ hơn, ngay cả khi tính thêm thuế. Nông dân phản đối quyêt liệt nhưng các nhóm nhà kinh tế - kinh doanh lại cho rằng đây chỉ là những “cơn đau quá độ”. Có thể là như vậy nhưng các nhà quản lý đang bắt đầu cảm thấy đủ sức nóng để phải ra tay xoa dịu.

Lo ngại sự phản đối từ phía nông dân có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng, ông Duterte quyết định triển khai chính sách thu mua lúa với mức giá cao hơn thị trường, trong khi Bộ Nông nghiệp nước này cam kết hỗ trợ tiền mặt cho nông dân. “Luật thuế này là kiểu mẫu nhằm mang lại lợi ích lớn cho phần lớn dân cư”, tổng thống Duterte phát biểu hồi tháng 9. “Giải phá hiện nay là thu mua lúa nội địa. Chúng ta mất tiền nhưng đó là lý do vì sao chúng ta thu thuế nhập khẩu”. Sau đó, NFA – vốn đang có lượng gạo tồn kho rất lớn – thông báo sẽ thu mua lúa từ nông dân với mức giá 19 pesos/kg và sau đó bán lại với giá thấp hơn giá gạo bán lẻ trên thị trường. Các nhà chứ trách cũng đã cân nhắc về thuế phòng vệ nhằm kìm chế nhập khẩu gạo – bao gồm giải pháp tăng gấp đôi thuế - nhưng đã từ bỏ ý tưởng này.

Những người chỉ trích đặt câu hỏi vì sao giá bán lẻ gạo không tương ứng với mức giá lúa cổng trại giảm mạnh. Tính tới đầu tháng 10, giá lúa cổng trại trung bình theo tuần – thu mua từ nông dân – giảm 29% xuống 15,56 pesos/kg trong khi giá gạo thường giảm 18% xuống còn 37,53 pesos.

Cơ quan chống độc quyền của Philippines đang tìm kiếm bằng chứng về sự cấu kết giữa các nhà nhập khẩu để lũng đoạn giá. Nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho rằng các chỉ trích về chính sách này đơn giản là quá non nớt. “Chúng tôi chỉ mới đang bắt đầu mọi chuyện”, ông Dar phát biểu khi công bố chính thức Rice Competitiveness Enhancement Fund (RCEF) trị giá 10 tỷ pesos. “Hãy cho chính sách này cơ hội 1 năm”, ông nói. Quỹ trợ cấp này sẽ trao cho nông dân hạt giống và máy móc miễn phí, để giảm chi phí sản xuất xuống còn 6 pesos/kg. “Mục tiêu là giảm chi phí sản xuất xuống mức tương đương với Việt Nam trong vòng 6 năm”. Dự án này, ông Dar cho hay, sẽ giúp nông dân Philippines cạnh tranh hơn và bớt phụ thuộc vào tình trạng nhập khẩu gạo “đúng lúc”.

Trong báo cáo tháng 10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo năm 2019 của Phillipines đạt 3,1 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với nhu cầu của nước này, đưa nước này trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Với mức thặng dư này, USDA dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm 2020 sẽ giảm 23% xuống còn 2,4 triệu tấn.

Để duy trì kiểm soát nhập khẩu gạo, ông Dar keu gọi những người đồng cấp Thái Lan và Việt Nam triển khai nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật trong quy trình hải quan. “Có rất nhiều lô nhập khẩu gạo tới đây không được thông quan”.

Đồng thời, những tranh cãi gay gắt trong ngành gạo cũng đang trang bị vũ khí cho bộ phận phản đối các cải cách nông nghiệp khác. Nông dân trồng mía đang sử dụng để phản đối các kế hoạch mở cửa ngành đường Thái Lan. Hiện lượng nhập khẩu đường được quyết định bởi Sugar Regulatory Administration, dựa trên dự báo sản lượng thu hoạch nội địa, nhập khẩu đường trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 5%. “Giá đường cao làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp sử dụng đường”, theo giám đốc điều hành Trung tâm Kinh doanh Nông nghiệp và Thực phẩm thuộc Đại học châu Á Thái Bình Dương Rolando Dy. “Ví dụ, các sản phẩm bánh ngọt, bánh kẹo và cà phê hòa tan hỗn hợp sẽ gấp bất lợi so với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia”.

Nhưng thượng nghị sỹ Juan Miguel Zubiri, đến từ tỉnh miền nam với thế mạnh sản xuất đường: “Tôi sẽ chiến đấu chống lại tự do hóa ngành đường bởi những lý do xác đáng rằng điều đó sẽ trực tiếp lẫn gián tiếp sát hại 5 triệu người và ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh trên cả nước”.

Khi được hỏi về chiến dịch tự do hóa ở phạm vi rộng hơn, ông Dar trả lời: “Tôi không muốn nói về điều đó bây giờ”. Vị Bộ trưởng Nông nghiệp này cho hay ông đang tập trung vào gạo và dịch tả lợn – hiện đang đe dọa ngành chăn nuôi trị giá 4 tỷ USD của nước này. Các nhà chức trách khẳng định dịch bệnh này đã làm chết ơn 50.000 con lợn tại các hộ chăn nuôi gia đình, vẫn trong tầm kiểm soát.

Mặc dù Luật Thuế nhập khẩu gạo vẫn hứng chịu vô số chỉ trích, các nhà kinh tế vẫn cho rằng đây là một yếu tố làm xoay vần mang tính tích cực. Những người kêu gọi xóa bỏ luật này “ là những người chỉ biết đến quá khứ và quá khứ đó cũng chẳng giúp nông dân sống đời tốt hơn”, theo nguyên hiệu trưởng the University of the Philippine School of Economics, ông Ramon Clarete.

Roy Kempis, một nhà kinh tế học nông nghiệp tại Pampanga State Agricultural University, lập luận rằng trong bất cứ tình cản nào, chính phủ nên kìm chế việc trợ cấp quá nhiều tiền mặt cho nông dân bởi tiền mặt chẳng ở lại với họ lâu. Thay vào đó, ông Kempis kêu gọi thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. “RCEF có thể mang đến vài liều an ủi nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất trong cải thiện thành công ngành gạo. Chính phủ chỉ là một tác nhân nhỏ trong ngành gạo. Khu vực tư nhân mới là tác nhân lớn hơn”.

Các nỗ lực quan liêu khi giúp đỡ nông dân trước đây không hiệu quả. Ngay cả cái tên của RCEF cũng gợi nhớ tới Agricultural Competitiveness Enhancement Fund, một chương trình hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp và thủy sản mà chính phủ hồi năm 2012 mô tả là “một trong những thất bại lớn nhất trong những năm gần đây”, do quản lý sai lầm.

Dennis Coronacion, chủ tịch bộ môn khoa học chính trị thuộc đại học Santo Tomas, cho rằng chính phủ phải đảm bảo trợ cấp đến đúng người cần và cảnh báo mất đi sự ủng hộ từ nông dân có thể làm suy sụp chỉ số tín nhiệm mà công chúng dành cho ông Duterte.

Để RCEF có thể hoạt động, ông Clarete đề xuất tổ chức các HTX nông dân nhỏ để đảm bảo sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị miễn phí và tránh việc những nông dân liên kết mang tính chính trị chi phối quá trình triển khai chính sách. Dy, tại  University of Asia and the Pacific, lại ủng hộ việc trợ cấp tiền mặt cho 3 vụ sản xuất tới bởi nguồn cung gạo nhập khẩu giá rẻ làm suy yếu đời sống của nông dân.

Valdez, người nông dân ở Guimba, cho hay ông vẫn chưa nhận được tiền nhưng có kế hoạch trả nợ 15.000 pesos ông đã vay cho vụ sản xuất gần đây. “Tôi cũng nghĩ tới việc bán ruộng nhà mình”, ông cho biết.

Theo Nikkei Asia Review
Admin

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc gặp rào cản kỹ thuật – VASEP

Bài trước

Indonesia mời thầu 300.000 tấn gạo và cơ hội thị trường lớn trong năm 2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc