Chi phí sản xuất tăng, điều kiện thời tiết bất lợi, thị trường nội địa bão hòa và cạnh tranh khốc liệt đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón.

CTCP Phân bón và Hóa chất Lâm Thao (LAS) báo cáo doanh thu ròng 1.530 tỷ đồng (65,4 triệu USD), giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 82,1%, mức thấp kỷ lục của công ty. Nguyên nhân khiến kết quả hoạt động kinh doanh của LAS tồi tệ là do thị trường phân bón nội địa bão hòa và cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ nước ngoài. Giảm doanh số dẫn tới tồn kho tăng nên LAS phải hoãn trả nợ. Đến cuối quý 2/2019, nợ ngắn hạn và dài hạn của LAS chạm mức 1.190 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm và tương đương 38,3% tổng vốn của công ty. Hệ quả là lãi vay trong nửa đầu năm 2019 tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tại hội nghị cổ đông năm 2019, LAS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 162 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018.

CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), chuyên sản xuất phân bón NPK thương hiệu “Đầu Trâu”, cũng đang có kết quả hoạt động kinh doanh không thuận lợi trong nửa đầu năm 2019. BFC có doanh thu giảm 9,7% và lợi nhuận trước thuế giảm tới 86% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, hiện BFC chỉ đạt 8,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong số các nhà sản xuất phân bón urea, doanh thu của CTCP Phân bón PetroVietnam Cà Mau (DCM) tích cực hơn các công ty khác, khi tăng 5,9% so với năm 2018, chi phí tài chính giảm 54%. Nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 25,6% xuống còn 325 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) phải giảm sản xuất để bảo dưỡng định kỳ trong hơn 2 tháng và quay trở lại vận hành trong tháng 5. Tạm ngừng sản xuất khiến sản lượng urea của côn gty giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, côn gty vẫn phải trả chi phí cố định và lãi vay, dẫn tới doanh thu giảm 26% và lợi nhuận ròng giảm 78%.

Các hoạt động kinh doanh khó khăn tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu nhiều công ty phân bón. Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu LAS đã giảm hơn 30% và cũng là năm thứ 3 giá cổ phiếu này suy giảm liên tiếp, dẫn tới vốn hóa thị trường của LAS giảm tới gần 50%. Tương tự, vốn hóa của BFC cũng giảm tới 40%, của DPM giảm 30% và của DCM giảm 20%. CTCP Phân Lân Nung chảy Văn Điển (VAF) và CTCP Phân lân Ninh Bình (NFC) là các cổ phiếu hiếm hoi nằm trong nhóm không giảm giá nhưng chủ yếu là do tính thanh khoản thấp của các cổ phiếu này.

Giá cổ phiếu giảm không chỉ tác động tới tâm lý nhà đầu tư và các doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho chính phủ trong việc thoái vốn. Ví dụ, phiên đấu giá 13,9 triệu cổ phiếu, tương đương 29% vốn điều lệ, của Tổng công ty hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại CTCP Phân bón Miền Nam (SFG) vào tháng 7/2019, không có nhà đầu tư nào đăng ký.

Theo các chuyên gia, các cổ phiếu phân bón đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong những năm gần đây nhưng nhóm các cổ phiếu này vẫn có một số đặc điểm hấp dẫn. Phân bón là nguyên liệu cơ bản, thiết yếu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Người tiêu dùng quan tâm về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, các điều kiện thổ nhưỡng và giá. Các doanh nghiệp đang làm tốt việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sẽ có lợi thế tăng nhu cầu. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính vững mạnh có thể trang trải các nhu cầu đầu tư và duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao. Ví dụ, tại Tập đoàn Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), chỉ số nợ ngắn hạn và dài hạn chỉ chiếm 11,5% tổng tài sản (tính đến ngày 30/8/2019).

Dự trữ tiền mặt dồi dào giúp giảm sự phụ thuộc của các hoạt động kinh doanh của DPM vào nguồn vay. Trong quý 2/2019, doanh thu tài chính của tập đoàn cao hơn chi phí tài chính. Trong những năm gần đây, DPM duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt 10 – 20%/năm.

Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực giảm chi phí và cải thiện sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón giá trị cao. Một yếu tố khác giúp hỗ trợ các cổ phiếu phân bón là hoạt động thoái vốn nhà nước. Vinachem đang có kế hoạch bán các phần vốn tại LAS, BFC và SFH từ nay đến năm 2020, đồng thời Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu trong DCM và DPM xuống dưới 51%.

CTCP Phân bón miền Nam (SFG) có giá cổ phiếu tăng mạnh gần 50% trong nửa đầu năm 2019 khi Vinachem quyết định thoái vốn tại công ty này, bất chấp tình hình kết quả kinh doanh suy yếu.

Theo VNA/VNS/VNN
Admin

Trung Quốc đạt được thu hoạch kỷ lục mặc dù giảm sử dụng phân bón như thế nào?

Bài trước

Việt Nam có nên áp dụng thuế VAT đối với phân bón không?

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Phân bón