Chỉ số giá thực phẩm FAO giảm trong tháng 8/2019 nhưng vẫn cao hơn tháng 8/2018
Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 169,8 điểm trong tháng 8/2019, giảm 1,1% (gần 2 điểm) so với tháng 7 nhưng vẫn cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2018. Suy giảm chỉ số giá thực phẩm trong tháng 8 vừa qua đánh dấu tháng thứ 3 giảm liên tiếp khi giá đường và giá các loại ngũ cốc giảm mạnh nhất, vượt qua mức tăng của tất cả các chỉ số thành phần khác, đặc biệt là giá dầu thực vật.
Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 157,6 điểm trong tháng 8, giảm tới 6,4% (10,8 điểm) so với tháng 7 và thấp hơn 6,6% (11,1 điểm) so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự như nguyên nhân giảm trong tháng 7, chỉ số giá ngũ cốc giảm trong tháng 8 phản ánh giá lúa mỳ và giá các loại ngũ cốc giảm mạnh, đặc biệt là giá ngô. Giá lúa mỳ tiếp tục gặp áp lực giảm giá mạnh, chủ yếu do nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào và tăng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu lớn. giá ngô cũng giảm mạnh trong tháng 8, chủ yếu do sản lượng ngô dự báo cao hơn dự kiến tại Mỹ, nước sản xuất – xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Ngược lại, giá gạo quốc tế tăng trong tháng 8, chủ yếu do nguồn cung giảm tại Bắc bán cầu và Thái Lan do lo ngại tác động tiêu cực của thời tiết.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 133,9 điểm trong tháng 8/2019, tăng 7,5 điểm (5,9%) so với tháng 7 và chạm mức cao nhất trong 11 tháng. Tăng chỉ số giá dầu thực vật phản ánh giá dầu cọ và một số loại dầu khác tăng. Giá dầu cọ quốc tế tăng vọt, chủ yếu do nhu cầu quốc tế tăng cao và tồn kho dầu cọ dự báo giảm tại Malaysia. Hơn nữa, Indonesia thông báo điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng cọ lớn, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung trong tương lai. Với giá dầu đậu tương, nhu cầu mạnh từ cả ngành thực phẩm và nhiên liệu sinh học hỗ trợ tăng giá dàu đậu tương; đồng thời dự báo nguồn cung suy giảm trong tương lai tại Mỹ cũng là một nguyên nhân. Tương tự, nhu cầu tăng từ các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học tại EU cũng đẩy giá dầu hạt cải trên thị trường quốc tế tăng.
Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 179,8 điểm trong tháng 8, tăng 0,5% (gần 1 điểm) so với mức chỉ số giá thịt điều chỉnh trong tháng 7, tiếp tục xu hướng tăng giá nhẹ suốt từ tháng 2 tới nay. Với mức tăng này, chỉ số giá thịt FAO đăng ở mức cao hơn 12,3% so với hồi tháng 1 và 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 8/2019, giá thịt lợn tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nước đang phải chịu thiệt hại nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi lợn do dịch tả lợn (ASF) hoànhhành. Bất chấp nhu cầu nhập khẩu cao, giá thịt gia cầm và thịt cừu duy trì ổn định, phản ánh nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào từ các nước sản xuất chính. Trong khi thương mại thịt bò toàn cầu sôi động, giá thịt bò bằng đồng USD lại giảm nhẹ, phản ánh đồng tiền của các nước xuất khẩu lớn giảm giá, bao gồm Úc.
Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 194,5 điểm trong tháng 8/2019, tăng 0,5% (1 điểm) so với tháng 7, đánh dấu cú đảo ngược dòng sau khi giảm mạnh 2 tháng liên tiếp và đưa giá trị này tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 8/2019, giá phô mai, sữa bột gầy và sữa bột béo đều tăng, phản ánh nhu cầu nhập khẩu tăng trong các hợp đồng giao hàng sắp tới, khi hoạt động thị trường bắt đầu bình thường hóa trở lại khi mùa hè bắt đầu giảm nhiệt ở Bắc Bán cầu. Ngược lại, giá bơ giảm tháng thứ 5 liên tiếp do nhu cầu giảm và dự báo nguồn cung tăng từ châu Đại dương trong mùa sản xuất tới.
Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 174,8 điểm trong tháng 8, giảm 4% (7,3 điểm) so với tháng 7. Sự suy giảm giá đường quốc tế chủ yếu bắt nguồn từ đồng real Brazil giảm giá, có xu hướng kích thích xuất khẩu đường. Triển vọng xuất khẩu đường tăng tại Ấn Độ và Mexico trong năm 2019/20 cũng gây áp lực giảm giá đường.
Theo FAO
Bình luận