Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7/2019 sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp, chủ yếu do áp lực giảm giá của một số loại ngũ cốc, các sản phẩm sữa và đường, theo FAO thông báo trong báo cáo mới nhất.

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 170,9 điểm trong tháng 7/2019, giảm 1,1% (1,8 điểm) so với tháng 6/2019 nhưng cao hơn 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chính là do giá một số loại ngũ cốc, các sản phẩm sữa và đường suy giảm mạnh hơn mức tăng giá thịt và giá các loại dầu.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 168,6 điểm trong tháng 7, giảm 2,7% (4,6 điểm) so với tháng 6 nhưng cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Suy giảm chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 7 vừa qua chủ yếu do giá lúa mỳ và giá ngô giảm. Trên các thị trường lúa mỳ, bất chấp các điều chỉnh giảm dự báo sản xuất tại một số nước, nguồn cung xuất khẩu dồi dào và dự báo tổng sản lượng lúa mỳ toàn cầu trong năm 2019 vẫn đạt mức cao kỷ lục đã gây áp lực lên giá lúa mỳ. Tương tự, sau khi tăng mạnh trong tháng 6, giá ngô quay đầu giảm trong tháng 7 do nguồn cung khả dụng xuất khẩu lớn, đặc biệt là tại Argentina và Brazile. Tuy nhiên, chỉ số giá gạo của FAO lại đánh dấu tháng thứ 5 tăng giá ổn định nhưng hoạt động giao dịch trên thị trường gạo khá trầm lắng.

Chỉ số giá dầu FAO đạt trung bình 126,5 điểm trong tháng 7 vừa qua, tăng 0,8% (1 điểm) so với tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn chung, giá dầu đậu tương và giá dầu hạt hướng dương tăng mạnh hơn mức giảm giá dầu cọ. Sự trung hợp của tăng nguồn cung theo mùa tại Đông Nam Á và nhu cầu nhập khẩu thế giới giảm gây áp lực giảm giá lên giá dầu cọ. Ngược lại, giá dầu đậu tương tăng chủ yếu do giá đậu tương tăng khi Mỹ giảm sản lượng nghiền. Tương tự, giá dầu hạt hướng dương tăng do hoạt động sản xuất suy yếu tại khu vực biển Đen diễn ra đồng thời khi nhu cầu thế giới tăng lên.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 176,2 điểm trong tháng 7, tăng 0,6% (1 điểm) so với mức chỉ số điều chỉnh trong tháng 6 và ghi nhận tháng thứ 6 tăng nhẹ liên tục. Ở mức này, giá trị chỉ số này cao hơn gần 10% so với hồi tháng 1/2019 nhưng thấp hơn 17% so với thời điểm cao kỷ lục vào tháng 8/2014. Trong tháng 7, giá thịt cừu tiếp tục tăng, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng tại châu Á trong khi nguồn cung từ châu Đại dương giảm sau khi đạt đỉnh. Nhu cầu nhập khẩu thịt bò cao ở châu Á cũng là nguyên nhân dẫn đến giá thịt bò tăng trong tháng 7. Tuy nhiên, giá thịt lợn giảm nhẹ sau 4 tháng tăng giá liên tục, chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu tăng từ Brazil và Mỹ. Giá thịt gia cầm duy trì ở mức cao trong tháng 6 do các thị trường giao dịch ổn định, nhu cầu mạnh.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 193,5 điểm trong tháng 7/2019, giảm 2,9% (5,7 điểm) so với tháng 6, là tháng giảm giá thứ 2 liên tiếp. Ở mức này, chỉ số này đang ở mức cao hơn khoảng 6% so với hồi tháng 1/2019 nhưng vẫn thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 7/2019, giá bơ giảm mạnh nhất, theo sau là giá phô mai và sữa bột nguyên kem (WMP). Giao dịch trên thị trường yếu đi khi mùa nghỉ hè ở Bắc bán cầu bước vào thời gian đỉnh điểm, góp phần làm giá các sản phẩm suy giảm. Ngược lại, giá sữa bột gầy phục hồi, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng từ Trung Đông và châu Á.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 182,2 điểm trong tháng 7/2019, giảm 0,6% (1 điểm) so với tháng 6 trước đó, chủ yếu do dự báo năng suất mía đường tăng tại Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, sau khi diễn biến mưa trở lại bình thường tại các khu vực sản xuất chính. Tuy nhiên, giá đường giảm cũng một phần do đồng real Brazil tăng giá so với đồng USD, một diễn biến làm giảm xuất khẩu đường từ Brazil – nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các ước tính mới cho thấy sản lượng mía đường từ khu vực trung nam Brazil trong tháng 6 cũng giúp hỗ trợ giá đường trên thị trường quốc tế.

Theo FAO
Admin

Chỉ số giá thực phẩm FAO tăng điểm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7/2020

Bài trước

Các công ty cao su Việt Nam báo cáo giảm lợi nhuận trong bối cảnh giá cao su tiếp tục giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc