Giá thực phẩm thế giới giảm nhẹ trong tháng 6/2019, chấm dứt chuỗi 5 tháng tăng điểm liên tiếp, chủ yếu do giá các sản phẩm sữa lao dốc, theo cập nhật mới nhất của FAO cho hay.

Chỉ số giá thực phẩm FAO đạt trung bình đạt 173 điểm trong tháng 6.2019, giảm nhẹ 0,3% so với tháng 5 và rất gần với mức trong tháng 6/2018. Giá các sản phẩm sữa và dầu thực vật giảm mạnh hơn mức tăng giá các loại ngũ cốc, đường, và thịt; dẫn đến chuỗi tăng điểm liên tục 5 tháng qua kết thúc.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 173,2 điểm trong tháng 6/2019, tăng 6,7% (gần 11 điểm) so với tháng 5/2019 và cao hơn 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng của chỉ số chung này phản ánh giá ngô xuất khẩu tăng vọt trong tháng thứ 3 liên tiếp, chủ yếu do những dự báo về nguồn cung khả dụng xuất khẩu suy giảm tại Mỹ - nước sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Giá lúa mỳ quốc tế bật tăng sau 2 tháng suy giảm liên tiếp, một phần do bất ổn sản xuất cùng với hiệu ứng lan tỏa từ giá ngô tăng. Ngược lại, giá gạo quốc tế tiếp tục duy trì ổn định trong tháng 6, do nhu cầu mua gạo Indica và Japonica trên thị trường yếu nhưng được nâng đỡ bởi sự mạnh lên của đồng Baht Thái và nhu cầu cao đối với gạo basmati.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 125,5 điểm trong tháng 6/2019, giảm 2 điểm (tương đương 1,6%) so với tháng trước và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Đợt suy giảm này chủ yếu do giá dầu cọ và giá dầu đậu tương yếu đi; trong khi giá dầu hạt hướng dương và dầu hạt cải tăng nhẹ. Giá dầu cọ quốc tế tiếp tục giảm do nhu cầu nhập khẩu thế giới thấp và triển vọng nguồn cung tăng theo chu kỳ từ các nước xuất khẩu chính. Giá dầu đậu tương giảm nhẹ do triển vọng xuất khẩu yếu đi và dự báo nguồn cung thế giới dồi dào. Ngược lại, giá dầu hạt hướng dương và giá dầu hạt cải tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu cao và những lo ngại mới nổi trở lại về điều kiện sản xuất bất lợi tại các nước sản xuất lớn.

Chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 199,2 điểm trong tháng 6/2019, giảm 26,9 điểm (11,9%) so với tháng 5/2019, đánh dấu tháng đầu tiên suy giảm trong 5 tháng nhưng vẫn cao hơn 9,4% so với hồi đầu năm. Trong tháng 6, giá chào bán 4 loại sản phẩm từ sữa trên toàn cầu, cấu thành nên chỉ số này, đều giảm, với mức giảm mạnh hơn cả là giá phô mai và giá bơ. Nguyên nhân chính khiến giá các sản phẩm sữa giảm là do nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng và nhu cầu nhập khẩu yếu đi.

Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 176 điểm trong tháng 6/2019, tăng 2,6 điểm (1,5%) so với chỉ số giá điều chỉnh hồi tháng 5, tiếp tục đà tăng giá nhẹ đã ghi nhận trong suốt 5 tháng qua. Trong tháng 6/2019, giá thịt cừu, thịt lợn và thịt gà đều tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh, đặc biệt là từ Đông Á do sự lây lan nhanh của dịch tả lợn tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nội địa. Với nhu cầu nhập khẩu thịt bò trên thế giới vẫn mạnh, giá thịt bò duy trì ổn định khi nguồn cung xuất khẩu từ châu Đại dương cũng liên tục tăng.

Chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 183,3 điểm trong tháng 6/2019, tăng 7,4 điểm (4,2%) so với tháng 5/2019. Giá đường quốc tế chủ yếu chịu tác động của các diễn biến tỷ giá đồng Real của Brazil theo chiều hướng tăng giá so với đồng USD. Giá đồng Real mạnh lên đã hỗ trợ giá đường, vốn đang chịu tác động của nguồn cung đường từ Brazil ra thị trường thế giới khi các nhà chế biến nghiêng về phía sử dụng mía đường để sản xuất ethanol phục vụ nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu đường và có doanh thu thấp hơn. Các báo cáo về giảm xuất khẩu đường từ EU cũng hỗ trợ giá đường thế giới.

Theo FAO
Admin

Chỉ số giá thực phẩm FAO tăng điểm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7/2020

Bài trước

Các công ty cao su Việt Nam báo cáo giảm lợi nhuận trong bối cảnh giá cao su tiếp tục giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Sữa