Năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam ước đạt giá trị 2,2 tỷ USD và nhu cầu từ Trung Quốc là động lực chính cho tăng giá xuất khẩu lẫn doanh thu xuất khẩu. Việc hoàn thiện thỏa thuận thương mại tự do với EU28 và cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu dịu bớt giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp phục hồi tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính trong những năm tới.

Sản xuất cá tra

Tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu năm 2018 ước đạt khoảng 2,8 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm 2017. Sản xuất cá tra tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra thế giới và sản lượng cá tra Việt Nam năm 2018 ước đạt chưa đến 1,3 triệu tấn. Các thách thức nguồn cung cá tra bột tại Việt Nam trong năm 2018 gây ra tình trạng căng thẳng nguồn cung, góp phần đẩy xu hướng giá cá tra tăng. Mở rộng sản xuất cá tra tại Việt Nam tiếp tục diễn ra với các trại nuôi ngày càng có quy mô lớn hơn và hiện đại hơn. Dự án lớn mới đây nhất, được cho là lớn nhất từ trước đến nay, có công suất hàng năm 200.000 tấn cá tra nguyên liệu trên diện tích 600ha tại tỉnh An Giang, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 4/2019.

Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng sản lượng cá tra thế giới tiếp tục giảm, chủ yếu do tăng trưởng sản xuất tương đối nhanh tại Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh. Mỗi nước này hiện chiếm khoảng 10-15% tổng sản lượng cá tra thế giới. Đồng thời, tại Trung Quốc, ngành sản xuất cá tra còn nhỏ bé nhưng đang mở rộng rất nhanh bởi ngành nuôi trồng thủy sản khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu phản ứng trước nhu cầu nội địa ngày càng mạnh đối với cá tra, vốn phần lớn hiện nay được cung cấp từ Việt Nam. Các báo cáo ngành cho thấy hiện khu vực Nam Trung Quốc có khoảng 20 nhà máy chế biến cá tra nuôi. Công suất sản xuất ước tính của ngành cá tra Trung Quốc hiện chỉ khoảng 30.000 tấn, nghĩa là nước này sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa trước khi có thể trở thành một đối thủ thực sự của Việt Nam xét về quy mô nguồn cung.

Các thị trường cá tra

Tầm quan trọng của Trung Quốc với vai trò là thị trường cho cá tra tiếp tục mạnh lên và đang trở thành thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp uy tín cao của cá tra Việt Nam tại Trung Quốc, những người trong ngành luôn có nhận thức rằng ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc có tiềm năng cung cấp một nguồn cung lớn cho thị trường. Để phản ứng trước kịch bản trên, Hiệp hội các nhà sản xuất xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang nghiên cứu khả năng thành lập một quỹ phát triển thị trường để tiến hành xây dựng thương hiệu và mạng lưới kinh doanh ở nước ngoài, một cách tiếp cận tương tự ngành thủy sản Na Uy. Ngành cá tra tại Indonesia cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự đối với các thị trường mục tiêu tại Trung Đông, thúc đẩy một thương hiệu quốc gia tại triển lãm thương mại Seafex tổ chức tại Dubai vào cuối năm 2018. Indonesia đang nhấn mạnh rằng các phương pháp nuôi cá tra tại nước này bớt thâm canh hơn Việt Nam để có thể giành một phân khúc thị trường trên thị trường thế giới, vốn đang do Việt Nam thống trị. Một phần lớn sản xuất cá tra tại Indonesia vẫn được hấp thụ bởi thị trường nội địa và tình hình tương tự đối với ngành sản xuất cá tra Bangladesh và Ấn Độ.

Thương mại

Theo số liệu của VASEP, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,59 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, về cơ bản nhờ vào giá xuất khẩu cá tra tăng trong cùng kỳ so sánh. Trung Quốc và Hong Kong vững chắc vị trí thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của Việt Nam trong năm 2018, với con số từ VASEP cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang hai thị trường này tổng cộng đạt 377 triệu USD, chiếm xấp xỉ 24% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong giai đoạn này.

Nhu cầu đối với cá tra Việt Nam trong khu vực ASEAN tiếp tục tăng và xuất khẩu cá tra sang các thị trường ASEAN đạt 146 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017. Thái Lan, Philippines và Singapore đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong cùng giai đoạn so sánh. VASEP cho hay xuất khẩu cá tra Việt Nam đặc biệt cao trong quý 3/2018, chủ yếuo do nhu cầu tăng vọt trên thị trường Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung cá thịt trắng cho thị trường này trước khi Trung Quốc có khả năng tăng mạnh thuế nhập khẩu vào đầu năm 2019. Trong giai đoạn này, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ tăng 43% lên 369 triệu USD.

Sau nhiều năm tăng trưởng âm, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU28 ghi nhận tăng 14% trng 9 tháng đầu năm 2018, lên 176 triệu USD. Anh là thị trường duy nhất trong các thị trường lớn thuộc EU28 ghi nhận giảm, một cú lội ngược dòng trước xu hướng dài hạn tích cực từng được quan sát thấy nhờ vào các chiến dịch bán lẻ thành công tại Anh trái ngược với tình trạng suy giảm của khối EU28 nói chung.

Giá xuất khẩu cá tra

Tăng trưởng mạnh trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác tại châu Á, nhu cầu cải thiện trên thị trường Mỹ và EU28, và thiếu hụt nguồn cá tra giống tại Việt Nam đã đẩy giá cá tra phile lên 3,3 USD/kg, FOB Sài Gòn. Diễn biến này đánh dấu sự cải thiện mạnh vè giá so với mức 2 – 3,5 USD/kg ghi nhận trong phần lớn năm 2016 – 2017.

Triển vọng

Vị thế của Việt Nam tại cả Mỹ và EU28 có thể sẽ mạnh lên. Đầu tiên là do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Mỹ thông báo về thuế nhập khẩu lên hàng loạt sản phẩm từ Trung Quốc, bao gồm cá rô phi, có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt cá thtị trắng mà cá tra có thể bù đắp. Sự thiếu hụt này có thể còn nghiêm trọng hơn nếu dự báo sản lượng khai thác cá tầng đáy thế giới giảm thực sự diễn ra trong năm 2019. Đồng thời, Việt Nam đã hoàn tất những chi tiết của thỏa thuận thương mại tự do với EU28 trong năm 2018, và khả năng phê chuẩn FTA này trong năm 2019 sẽ giúp mức thuế nhập khẩu hiện tại ở mức 5,5% đối với phần lớn các sản phẩm cá tra được dỡ bỏ trong giai đoạn 3 năm. Cộng với dự báo tăng trưởng sản xuất tại Việt Nam chậm lại,triển vọng nhu cầu cải thiện trên các thị trường quốc tế sẽ giúp giá cá tra duy trì ở mức cao trong năm 2019. Trong khi mở rộng sản xuất tại các nước khác được dự báo sẽ nhanh hơn, bao gồm tại Trung Quốc, phần lớn hoạt động sản xuất này phục vụ cho tiêu dùng nội địa và Việt Nam cho tới nay vẫn là nhà cung cấp cá tra quan trọng nhất cho thị trường quốc tế.

Theo Globefish
Admin

Ấn Độ dự báo lượng mưa trên mức trung bình sẽ thúc đẩy nông nghiệp, nền kinh tế

Bài trước

La Nina có khả năng diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc