Trong những quý gần đây, thị trường gia cầm thế giới đã trải qua một trong những giai đoạn biến động mạnh nhất trong vòng nhiều năm do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm các cản trở thương mại và dịch bệnh, cùng với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Sản xuất ở mức cao đột biến tại rất nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, EU và Thái Lan, nhưng nhu cầu giảm do các thị trường chung đều tăng trưởng chậm lại và các rào cản tiếp cận thị trường quốc tế do các chính sách cản trở thương mại. Diễn biến này dẫn đến giá thịt gia cầm giảm từ quý 2 – 4/2018.

Mặc dù vậy, đây là một ngành có thể phục hồi nhanh. “Chăn nuôi gia cầm có chu kỳ tương đối ngắn và các diễn biến thị trường thay đổi khá nhanh so với thị trường thịt bò và thịt lợn, vốn có chu kỳ sản xuất kinh doanh dài hơn và tính khép kín thấp hơn, nghĩa là ít có khả năng tái cân bằng cung – cầu hơn. Tôi không nói rằng ngành này đang ở tình trạng rất tốt nhưng chúng tôi nhận thấy thị trường đang ở bước ngoặt và triển vọng đang tốt lên”, theo nhà phân tích cấp cao thị trường protein động vật toàn cầu Nan-Dirk Mulder tại Rabobank nhận định.

Các điều kiện thị trường tại Trung Quốc là một trong những động lực chính cho chuyển biến trên, ông giải thích. “Sự bùng phát dịch tả lợn sẽ có tác động lớn tới sự sẵn có nguồn cung protein trên thị trường Trung Quốc do động thái tiêu hủy hàng loạt lợn”.

Loại protein được ưa thích tại Trung Quốc là thịt lợn, với thịt gà và thịt bò đứng khá xa ở các vị trí tiếp theo. “Mọi người ưa thích ăn thịt lợn nhưng nguồn cung hiện tại đang hạn chế. Chúng tôi dự báo, trong kịch bản tốt nhất, sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc giảm 10 – 20%, vốn là một lượng rất lớn, xét đến việc Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thịt lợn thế giới”.

Trung Quốc không phải là thị trường châu Á duy nhất đang lo ngại về các đợt bùng phát dịch tả lợn ASF: “Không may là Việt Nam cũng đang phát hiện thấy dịch tả lợn, dẫn đến một thách thức lớn trong thời gian tới, xét đến thực tế đây là hai thị trường thịt lợn lớn nhất tại châu Á”.

Gia cầm là lựa chọn thay thế cơ bản để lấp đầy chỗ trống. “Tiêu hủy, thanh lý đàn trong ngành chăn nuôi lợn sẽ tác động lên toàn thị trường và thịt gà rõ ràng là lựa chọn thay thế tốt nhất. Tất nhiên, nếu nhìn vào giá thịt gà tại cả hai thị trường thì dễ nhận ra giá thịt gà đang tăng lên, đặc biệt rõ rệt tại Trung Quốc, vốn là thị trường phải đối phó với dịch tả lợn từ tháng 8/2018. Bạn cũng có thể dự báo diễn biến tương tự trên thị trường Việt Nam, vốn cũng đang thay thế thịt lợn bằng thịt gà”, ông Mulder quan sát thấy. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu để giúp đáp ứng nhu cầu. Các nhà sản xuất thịt lợn châu Âu có tể hưởng lợi từ diễn biến này. “Về phái các nhà xuất khẩu khác, có thể ngành thịt lợn Brazil cũng sẽ hưởng lợi”.

Sản xuất thịt gà tại Trung Quốc cũng sẽ tăng để giúp giải quyết vấn đề, ông dự báo. “Tuy nhiên, hiện nguồn gà giống ông bà tại Trung Quốc đang rất thấp. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu nguồn gà giống ông bà từ châu Âu và Mỹ do mối đe dọa cúm gia cầm tại các khu vực này, và hiện chỉ phụ thuộc vào nguồn cung từ New Zealand. Từ tháng 8/2018, Trung Quốc đã cho phép Ba Lan cung cấp gà giống ông bà nhưng nước này cần tới khoảng 14 tháng để sẵn sàng nguồn cung. Tình hình này dẫn đến nguồn cung thịt gia cầm tại Trung Quốc khá căng thẳng và cũng cần nhập khẩu các sản phẩm thịt gà”. Các diễn biến tại châu Á có thể là điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm tại châu Âu.

Tuy nhiên, không có nhiều nhà máy chăn nuôi tại châu Âu được phê chuẩn xuất khẩu trực tiếp thịt gia cầm sang Trung Quốc. “Ngành chăn nuôi gà tại châu Âu tụt hậu khá xa so với ngành chăn nuôi lợn xét về tiếp cận thị trường Trung Quốc. Họ chỉ có thẻ hưởng lợi từ tình hình này thông qua xuất hàng sang Trung Quốc qua Hong Kong – tuyến thương mại truyền thống. Sau đó, Hong Kong sẽ tái xuất các sản phẩm sang thị trường Trung Quốc”.

Ba Lan nhảy vào hưởng lợi

Ba Lan, nước sản xuất thịt gà chi phí rẻ nhất, có thể ở vị thế tốt nhất hiện nay để cân đối tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại Trung Quốc bởi nước này có số lượng nhà máy được phê chuẩn xuất khẩu sang châu Á lớn nhất và hiện cũng đang cung ứng nguồn gà giống cho Trung Quốc. “Nguồn cung thịt gà từ Ba Lan đang tăng mạnh và họ cần đầu ra, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường như vậy. Tốc độ mở rộng sản xuất tại Ba Lan rất đáng kinh ngạc với 5 nhà máy chăn nuôi gà mới sắp sửa đi vào hoạt động”. Ba Lan chiếm phần lớn tăng trưởng trong ngnàh chăn nuôi gia cầm châu Âu. “Tại Tây Âu, gần như không thể được phép xây dựng các nhà máy chăn nuôi mới, có thể Bỉ là một trường hợp ngoại lệ”. Xu hướng mật độ nuôi thấp đang thống trị tại châu Âu và các NGOs đang tăng áp lực lên các thị trường như Hà Lan và Đức.

Sản xuất TACN và chăn nuôi gia cầm châu Âu dịch chuyển sang phía Đông

Các nhà sản xuất chăn nuôi gà lớn tại châu Âu đang tìm cách mở rộng về phía Đông Âu. Chi phí thức ăn và lao động thấp hơn đáng kể tại Đông Âu, ông Mulder cho hay. Hàng loạt các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Ba Lan -  2 Sisters, Plukon, và LDC đều đang đầu tư vào thị trường này và thương mại gà sống giữa Ba Lan với các nước khác trong châu Âu cũng đang tăng lên, ông nhấn mạnh.

Sản xuất chăn nuôi gà tại Hungary và Romania cũng đang tăng trưởng và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. “Và các công ty sản xuất TACN lớn của châu Âu cũng đang Đông tiến, chúng tôi thấy cùng một xu hướng. De Heus và Cargill cũng đã hiện diện tại Đông Âu nhiều năm qua nhưng giờ đây chúng tôi còn thấy những tên tuổi như ForFarmers và Agrifirm tận dụng sự tăng trưởng này. Họ buộc phải theo các luồng sản xuất đang dịch chuyển”. Tháng 2/2019, AB Agri của Anh đã thâu tóm nhà sản xuất TACN mới trên thị trường tại Ba Lan.

Mỹ tập trung vào các thảo luận thương mại

Dư cung là xu hướng rõ rệt trong ngành chăn nuôi gà tại Mỹ hiện nay khi các nhà sản xuất nhận thấy họ đang tiến sát về mốc hòa vốn, thay vì có lãi như trước đây, một xu hướng tương tự như trong ngành thịt bò và thịt lợn. “Tất nhiên, vấn đề lớn của Mỹ là các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Đây có thể là một tình thế thuận lợi cho ngành chăn nuôi gà tại Mỹ, một cơ hội xuất khẩu lớn, phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thảo luận thương mại”.

Những tham vọng của người Nga

Các thị trường nội địa đang diễn biến tích cực hơn các thị trường định hướng xuất khẩu. Nam Phi, Nga, Ấn Độ và Indonesia đang có thị trường nội địa rất tích cực. “Những nhà sản xuất kinh doanh tập trung vào thương mại quốc tế đang chịu thiệt hại do tình hình giá thấp. Nhưng những nước tập trung hơn vào các thị trường nội địa như Indonesia lại không bị tác động mạnh bởi những thách thức trong thương mại quốc tế”.

Tuy nhiên, Ukraine và Nga đang mở rộng sản xuất để trở thành đối thủ của các nhà xuất khẩu thịt gà truyền thống với việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho xuất khẩu thịt gà là một trong những yếu tố mang tính chất quyét định. “Xu hướng này rất đáng để theo dõi trong năm 2019”.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi gà Brazil vẫn đang phục hồi từ các cú shock mạnh trong năm 2018 do các vụ bê bối an toàn thực phẩm của các nhà sản xuất lớn. Mặc dù vậy, Brazil vẫn gặp rào cản lớn khi tiếp cận các thị trường Saudi Arabia và EU. Trong khi quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đã được đảm bảo, hiện vẫn còn nhiều bất ổn liên quan đến thương mại của Brazil, theo báo cáo thị trường thịt gà mới nhất của Rabobank nhận định.

Theo Food Navigator Asia
Admin

Tin vắn ngành chăn nuôi ngày 30/9

Bài trước

Masan MEATLife đầu tư 77,6 triệu USD vào xây dựng tổ hợp chế biến thịt

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt