Con đường thực phẩm từ nông trại tới bàn ăn trước khi luôn là một thách thức kể từ khi con người học cách sản xuất thực phẩm và thuần dưỡng vật nuôi khoảng 10.000 năm trước.

Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng tại châu Á, nơi sự thịnh vượng đang làm phình lên nhu cầu – về cơ bản – với mọi loại sản phẩm thực phẩm. Điều này càng làm nghiêm trọng thêm áp lực lên các hệ thống logistics kém phát triển. Cải thiện hiệu quả trong thu hoạch, đóng gói và vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng là điều rất quan trọng.

Các thực hành sau thu hoạch yếu kém hiện dẫn tới tỷ lệ thất thoát từ 15-50% đối với rau quả và lên tới 30% đối với ngũ cốc sản xuất trên toàn châu Á Thái Bình Dương trên chặng đường từ nông trại tới thị trường.

Những tín đồ công nghệ vẽ ra một bức tranh màu hồng về các công nghệ tinh vi như nông nghiệp được hiệu chỉnh riêng, trong đó mỗi hộ gia đình có thể có được chính xác loại thực phẩm họ muốn vào thời điểm họ cần và thậm chí được vận chuyển tới tận bếp bằng máy bay không người lái đúng vào thời điểm bữa tối. Thực phẩm thừa cũng sẽ giảm mạnh. Viễn cảnh này có thể sẽ tới nhưng chưa phải vào lúc này.

Tuy nhiên, thế giới nơi những người tiêu dùng ở tận cùng chuỗi cung ứng cũng sẽ sớm thay đổi. Những người cung ứng thực phẩm châu Á phải thích ứng và tiếp cận công nghệ số để làm chủ những sự thay đổi đang làm rung chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm nếu họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh.

Các ứng dụng di động, thương mại điện tử, phân tích dữ liệu, các thiết bị kết nối mạng và công nghệ sổ cái phân tán (sự đồng thuận về dữ liệu kỹ thuật số được sao chép, chia sẻ và đồng bộ hóa trên nhiều trang, quốc gia hoặc tổ chức. Không có quản trị viên trung tâm hoặc lưu trữ dữ liệu tập trung) đang bắt đầu thay đổi cách thực phẩm được thu hái, chế biến và vận chuyển. Các nhà cung ứng cần học cách tương tác với khách hàng theo các cách mới để phục vụ họ có tính cá nhân hóa cao hơn.

Dịch vụ thực phẩm cá nhân hóa tới tận nhà

“Các nhà cung cấp phải hiểu rằng người tiêu dùng đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết”, ông Tom den Hertog, CEO của Feliz Advies, một hãng tư vấn chuyên về quản lý sự thay đổi, marketing bán lẻ và chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hà Lan. “Tất cả đang thay đổi và không có giải pháp chung nào cho tất cả các vấn đề”. Ông Hertog, nguyên chủ tịch tập đoàn siêu thị Ahold Asia Pacific và một chiến lược gia trong ngành quản lý chuỗi cung ứng và bán lẻ, có hàng thập kỷ kinh nghiệm về ngành hàng hóa dễ hư thối và thực phẩm. Bởi các ngành từ ngân hàng tới thời trang đều đang tiến vào kỷ nguyên cá nhân hóa nên các nhà sản xuất hàng hóa dễ hư thối cũng nên đi theo xu hướng này. “Có được đúng sản phẩm tại đúng nơi, đúng thời điểm là yêu cầu cơ bản nếu bạn không muốn làm thất vọng khách hàng của mình, nhưng điều này vẫn chưa đủ. Bạn phải trở nên linh động hơn”. Ông chỉ ra ví dụ về HelloFresh, một công ty trụ sở tại Berlin hiện đang là công ty sản xuất gói nguyên liệu thực phẩm giao tại nhà lớn nhất thế giới, với doanh thu toàn cầu năm 2017 vào khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2016. Công ty này niêm yết đại chúng vào năm 2017 và có vốn hóa thị trường đạt 1,44 tỷ Euro, tương đương 1,63 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 vừa qua.

HelloFresh “mang đến cho mọi người trong ngành này rất nhiều điều đáng suy ngẫm”, ông phát biểu trước những người tham gia tại Symposium 2018: The Future of the Agriculture and Perishable Goods Value Chain tổ chức bởi Tilog-Logistix vào cuối tháng 8 vừa qua.

HelloFresh, thành lập năm 2011, hiện hoạt động tại Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Luxembourg, Anh, Mỹ, Canada và Úc. Dịch vụ của công ty là vận chuyển các gói nguyên liệu đầy đủ cho các bữa ăn nấu tại nhà cho những người đăng ký hàng tuần, sử dụng các công thức được cung cấp sẵn. Tất cả cần thiết cho các bữa ăn nấu tại nhà hàng ngày được lên danh sách, mua và vận chuyển tới mỗi người đăng ký vào thời điểm tiện lợi nhất cho họ. “Các luồng hàng hóa bị thay đổi với các ứng dụng như HelloFresh do thực phẩm không còn được vận chuyển trên các kệ hoặc trong containers mà là trong các công thức nấu nướng”, Tom Den Hertog, CEO của Feliz Advies nhận định.

Cá nhân hóa tới mức độ này phụ thuộc vào nền tảng công nghệ dựa trên dữ liệu theo dõi các nhu cầu và khẩu vị của người đăng ký ở mức rất chi tiết. Điều này cho phép công ty liên tục quản lý các chuỗi cung ứng, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm và chi phí của khách hàng.

Một người đăng ký đã tải về ứng dụng HelloFresh bắt đầu sử dụng bằng cách lựa chọn một kế hoạch bữa ăn dựa trên bao nhiều người sẽ ăn và bao nhiêu công thức nấu nướng bạn muốn mỗi tuần. Điều này cho phép công ty tính toán ra bao nhiêu nguyên liệu bạn sẽ cần. Sau khi bạn chọn ra một kế hoạch, có chi phí từ 6,99 – 9,99 USD/suất, phụ thuộc vào loại kế hoạch (truyền thống, ăn chay hoặc gia đình), số người ăn và tổng số bữa ăn mỗi tuần, tất cả những gì bạn cần làm sau đó là chờ đợi.

Khi dịch vụ vận chuyển tới nơi vào mỗi tuần với chi phí vận chuyển từ 5,99 – 7,99 USD, bạn sẽ nhận được một chiếc hộp chứa những công thức nấu nướng đơn giản theo từng bước và tất cả các nguyên liệu đã được định lượng sẵn – không có thực phẩm thừa – mà bạn cần. Những sự thay đổi, các quyết định hủy đơn hàng và các yêu cầu vận chuyển đặc biệt đều có thể thao tác dễ dàng trên ứng dụng này.

Để đảm bảo độ tươi, công ty đóng gói thủ công tất cả các nguyên liệu, sử dụng các túi đựng đá đặc biệt và cách nhiệt. Dịch vụ này cũng cung cấp thông tin dinh dưỡng chi tiết và các cảnh báo về dị ứng thực phẩm. “Tất cả những thông tin này đều dựa trên dữ liệu”, ông Hertog giải thích. Ông cho biết ngày càng nhiều các nhà cung cáp phải bắt đầu suy nghĩ về các đơn hàng nhỏ, định lượng hàng hóa nhỏ và về khía cạnh này, họ có thể học từ Amazon và Alibaba. Những công ty khổng lồ về thương mại điện tử này sử dụng dữ liệu và robots để theo dõi hàng triệu SKUs (đơn vị phân loại hàng hóa tồn kho), so sánh với hàng ngàn cửa hàng thực, truyền thống khác.

Food-block-chain

Các nhà cung ứng thực phẩm muốn cải thiện tính cá nhân hóa, hiệu quả vận chuyển và tiết kiệm chi phí cần nghĩ về cách họ có thể sử dụng dữ liệu cùng với các thiết bị từ xa và robot tại các trung tâm phân phối để đóng gói, sắp xếp và vận chuyển thực phẩm. Ông Hertog nhận thấy blockchain có thể là một công cụ tiềm năng để cập nhật và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. “Thiếu dữ liệu và người biết sử dụng chúng, sẽ không thể có những dự báo thông minh”, ông nhận định. Dữ liệu về các thói quen mua sắm thực phẩm của các gia đình có thể giúp các trung tâm hoàn tất đơn hàng tại các khu vực tối đa hóa hiệu quả và tối thiểu hóa lãng phí và hư hỏng thực phẩm, theo Tony Yin, nhà quản lý phát triển kinh doanh toàn cầu của tập đoàn Alibaba.

Tony Yin cũng tập trung sử dụng phân tích dữ liệu để tìm ra khi nào khách hàng sắp cần các sản phẩm và dịch vụ của họ và định lượng khách hàng muốn bao nhiêu. “Với dữ liệu chúng tôi có thể tích lũy thông tin về các hành vi mua sắm. Chúng tôi có thể phân tích có bao nhiêu gia đình đang mua sắm, loại thực phẩm nào họ ăn nhiều nhất, loại thực phẩm nào sẽ cần dịch vụ chuỗi lạnh”, ông cho biết. “Sau đó chúng tôi chuyển giao thông tin tới các đối tác logistics và họ có thể lên kế hoạch cho các trung tâm hoàn thành đơn hàng tại các khu vực lân cận, đồng thời chuẩn bị bất cứ kế hoạch hỗ trợ bảo quản lạnh nào có thể cần thiết”.

Các thông tin này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ logistics và các cửa hàng có kế hoạch từ trước và phân bổ các nguồn lực của họ vào đúng thời điểm nhất. Các trung tâm hoàn thành đơn hàng có thể thiết lập gần như ở mọi nơi mà dữ liệu dự báo sẽ có nhu cầu phát sinh. Đó có thể nằm trong tầng hầm nhà bàn, hoặc liên quan đến sử dụng các ngăn gửi đồ có khóa ở gần tòa nhà bạn ở. Alibaba đang triển khai các trung tâm này tại Trung Quốc, giúp hệ thống này thích ứng với nhu cầu, ngay cả khi nhu cầu tăng vọt vào Ngày Độc thân hàng năm. Năm 2018, doanh thu bán hàng trực tuyến của Alibaba trong ngày 11/11 đã xô đổ mọi kỷ lục (một lần nữa) và đạt 30,8 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc.

Internet vạn vật (IoT), đặc biệt là các thiết bị giám sát gắn cảm ứng từ xa, là chìa khóa để cải thiện hiệu quả vận chuyển thực phẩm và giảm lãng phí, ông Yin cho biết. “IoT là một phần quan trọng để truy xuất cùng lúc trong thời gian thực địa điểm và nhiệt độ của các dịch vụ hỗ trợ bảo quản lạnh nhưng dữ liệu và lên kế hoạch từ trước cũng rất quan trọng”, ông cho hay. “Dữ liệu sẽ tối ưu hóa toàn bộ quy trình, từ nhu cầu của khách hàng tới các nguồn cung ứng của bạn và phần lên kế hoạch”. Trí thông minh nhân tạo cũng có thể được sử dụng để dự báo những gì khách hàng có thể muốn trong lần mua tiếp theo, dựa trên dữ liệu từ những lần mua sắm trước đó của họ, ông cho biết thêm.

Sử dụng dữ liệu để dự báo chính xác những gì khách hàng muốn, địa điểm và thời gian họ cần, có thể cần đến blockchain để tập hợp tất cả và tạo ra giá trị gia tăng. IBM hiện đang phát triển công nghệ blockchain cho chuỗi cung ứng thực phẩm, có thể dẫn tới ứng dụng ngày càng tăng đối với nông nghiệp chính xác.

Theo IBM, blockchain kết hợp với các công nghệ khác như máy bay không người lái, điện thoại thông minh và IoT có thể giúp cải thiện hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm và tiết kiệm chi phí. Ví dụ, các cửa hàng có thể sử dụng dữ liệu để xem khi nào thực phẩm được thu hoạch để tối đa hóa độ tươi và thời hạn sử dụng trong khi blockchain có thể cung cấp các phản ứng nhanh để thu hồi thực phẩm, qua đó giúp giảm lãng phí.

Về khía cạnh an toàn thực phẩm, blockchain có thể được sử dụng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng giây, không phải hàng tuần, để giảm nhiễm bẩn chéo hoặc lây lan các dịch bệnh gây ra từ thực phẩm. Điều này có thể hữu ích, ví dụ trong thời gian khan hiếm dâu tây gần đây tại Úc và New Zealand.

Đồng thời, các công nghệ mới có thể dân chủ hóa chuỗi cung ứng thực phẩm thông qua xác nhận tính chính xác thông tin và cũng rà soát các thực hành lao động vô đạo đức. Các công nghệ này cũng cho phép các loại thực phẩm đặc sản có nguồn cung nhỏ hoặc thực phẩm hữu cơ được sản xuất tại các địa điểm trải rộng từ các nông trại siêu nhỏ tới các cánh đồng lớn tại các nơi xa xôi, thậm chí không thể tiếp cận được.

Blockchain cũng có thể là một công cụ hữu ích cho nông dân quy mô nhỏ tại nhiều nước, nơi đất nông nghiệp nhỏ lẻ và hệ thống cấp giấy chứng nhận sở hữu đất thừng rất tham nhũng. Một nông dân có thể đăng dữ liệu và hình ảnh GPS từ một máy điện thoại thông minh để đưa ra một bản ghi blockchain gần như không thể tranh cãi sau nhiều giai đoạn biến động chính trị. Đây là do dữ liệu đã được viết vào blockchain thì không thể dỡ bỏ hoặc chỉnh sửa.

Công nghệ này cũng được sử dụng để ghi chép toàn bộ vòng đời của vật nuôi và thủy sản trong khi tách rời khỏi các hoạt động sinh lời hoặc đời sống của các sinh vật biển khác. Hoạt động này có thể hoàn thành sử dụng đa dạng các công nghệ IoT và tần số phát thanh, vốn yêu cầu dữ liệu và đầu vào trước khi tải nội dụng vào blockchain.

Trong khi đó, máy bay không người lái drone có thể được sử dụng để giúp mở rộng năng lực sản xuất đối với các mảnh ruộng khó tiếp cận như các ruộng bậc thang ở vùng núi, hoặc thậm chí các tầng thượng tại các tòa nhà cao tầng thành thị, giám sát sức khỏe cây trồng, gieo sạ, tưới tiêu và thu hoạch. Blockchain cũng cho phép các nhà hàng, trường học và các gia đình có thể “tài trợ” cho các mảnh ruộng mà họ có thể theo dõi lịch sử canh tác từ xa và nhận được chính xác sản phẩm họ mong muốn.

Theo Bangkok Post
Admin

Ấn Độ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024/25 là 6,4%, chậm nhất trong bốn năm

Bài trước

Triển vọng cho ngành nông nghiệp Thái Lan khả quan hơn vào năm 2025

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc