Xuất khẩu của Thái Lan nói chung sẽ không chịu tác động mạnh của việc Mỹ quyết định đưa 11 hàng hóa Thái Lan ra khỏi hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP), theo người đứng đầu Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định. Ông Adul Chotinisakorn, lãnh đạo Cơ quan Ngoại thương Thái Lan, cho rằng động thái của Mỹ sẽ có tác động nhỏ tới xuất khẩu do các hàng hóa Thái Lan có khả năng cạnh tranh cao, xét đến mức tăng thuế tương đối nhỏ.
11 hàng hóa bị đưa ra khỏi GSP là hoa lan mới cắt, sầu riêng tươi, đu đủ sấy, me sấy, ngô ngọt đã qua chế biến và bảo quản, đu đủ đã qua chế biến, các tấm lót sàn lắp ghép bằng gỗ cho sàn mosaic, máy in offset, máy giặt và ghế ba chân. Trong đó, 10 hàng hóa kiểm soát thị phần hơn 50% nhập khẩu của Mỹ, trong khi máy giặt đóng góp 180 triệu USD trong nhâp khẩu của Mỹ.
11 hàng hóa này của Thái Lan là đối tượng áp thuế nhập khẩu 1 – 8% của Mỹ. “Cơ quan Ngoại thương đã đánh giá lại việc sử dụng GSP của Mỹ đối với 11 mặt hàng này và việc sử dụng các đặc quyền thuộc GSP của các nhà xuất khẩu Thái Lan có giá trị 46 triệu USD trong năm 2017, chiếm 1,11% tổng mức lợi ích GSP của Mỹ”, ông Adul cho hay.
Năm 2017, tổng giá trị GSP mà các nhà xuất khẩu Thái Lan được hưởng đối với 3.400 mặt hàng được hưởng các ưu đãi thương mại lên tới 4,15 tỷ USD. “Mức tràng phạt này không được coi là cao”, ông Adul nhấn mạnh. “Quan trọng hơn, điều này cho thấy các sản phẩm Thái Lan có khả năng cạnh tranh cao, do 10 sản phẩm trong danh sách này kiểm soát thị phần nhập khẩu 50% của Mỹ”. Ông cho rằng xuất khẩu máy giặt Thái có thể không bị tác động mạnh do chỉ bị áp mức thuế cao hơn 1%. Ông Adul cho biết Thái Lan không phải là nước duy nhất có hàng hóa bị đưa ra khỏi hệ thống GSP, khi các nước cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ như Ấn Độ, Brazil, Ecuador, Argentina, Philippines, Indonesia cũng đối mặt với mức thuế cao hơn.
Ghanyapad Tantipipatpong, chủ tịch Hội đồng các nhà vận tải quốc gia Thái Lan, cho biết việc đưa 11 mặt hàng ra khỏi GSP sẽ tác động tới các hàng hóa nông sản và các sản phẩm của doanh nghiệp SME Thái Lan. Các nhà nhập khẩu có thể hoãn các đơn đặt hàng để ứng phó với giá cả cao hơn, hoặc họ có thể xem xét việc tăng giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Thái Lan tăng 8,13% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 189,72 tỷ USD, nhập khẩu tăng 15,2% lên 186,89 tỷ USD, mang lại thặng dư thương mại 2,83 tỷ USD. Bộ Thương mại dự báo tăng trưởng xuất khẩu Thái Lan cả năm 2018 đạt 8% và đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8% cho năm 2019. Khu vực tư nhân tin rằng mức tăng trưởng tối đa chỉ đạt 5% do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài.
Theo Bangkok Post
Bình luận