Tin vắn ngành chăn nuôi, thủy sản ngày 22/10
Trung Quốc phát hiện ca dịch tả lợn đầu tiên tại khu vực miền Nam. Việt Nam mong muốn đầu tư vào chế biến thủy sản tại Indonesia.
Trung Quốc phát hiện ca dịch tả lợn đầu tiên tại khu vực miền Nam
Sau 3 tháng hoành hành tại Trung Quốc, dịch tả lợn đã lan xuống miền nam nước này – vùng tiêu dùng thịt lợn chính của Trung Quốc, sau khi các nhà chức trách Trung Quốc thông báo phát hiện hai ca bùng phát dịch tại tỉnh Vân Nam. Đợt dịch này xảy ra khi Trung Quốc đang tiến gần đến mùa lễ hội năm mới quan trọng nhất trong năm, sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2019. Trung Quốc đã báo cáo hơn 40 trường hợp dịch tả lợn từ đầu tháng 8 đến nay tại 11 tỉnh và khu tự trị, tiêu hủy gần 200.000 con lợn. Tất cả các đợt dịch trước đây đều tập trung ở miền bắc và đông bắc cho tới trường hợp gần đây nhất tại Vân Nam. Các đợt dịch ở Vân Nam xảy ra ở trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ ở Zhaotong, thành phố đông bắc Vân Nam, cách Thẩm Dương, nơi đầu tiên phát hiện dịch gần 3.000km, nhưng nhiều nhà sản xuất thịt lợn miền bắc thường vận chuyển đường dài để đáp ứng nhu cầu ở miền nam. Tổng cộng 545 con lợn đã chết ở 2 trại nuôi khi dịch bệnh được xác nhận. Gần 7.000 con lợn trong bán kính 3km quanh các trại nuôi này sẽ bị tiêu hủy vào ngày 22/10. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự báo giá thịt lợn sẽ tăng trước dịp Tết Nguyên đán do dịch tả lợn tác động nghiêm trọng tới nguồn cung. Các trường hợp bùng phát dịch tả lợn ở miền Nam có thể tác động rất mạnh bở dây là vùng tiêu dùng thịt lợn lớn nhất cả nước. “Tại khu vực tây nam, người ta ăn thịt lợn bất kể mức thu nhập. Có thể giá thịt lợn tại Trung Quốc sẽ tăng do tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao nhưng lệnh cấm vận chuyển từ các khu vực lân cận làm giảm nguồn cung”.
Việt Nam mong muốn đầu tư vào chế biến thủy sản tại Indonesia
Bên lề cuộc họp thường niên của World Bank Group tại Bali gần đây, Indonesia và Việt Nam đã thảo luận về quan hệ đối tác trong chế biến thủy sản tại Indonesia. Vộ trưởng Thủy sản và các vấn đề biển Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết nhiều tàu cá Việt Nam đã bị phía Indonesia bắt giữ do khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Indonesia. Với tình hình này, bà Susi Pudjiastuti đề nghị Việt Nam đầu tư và thành lập các nhà máy chế biến thủy sản tại Indonesia. “Hiện Indonesia cho phép sở hữu 100% vốn nước ngoài trong ngành chế biến thúy ản. Thậm chí tại một số khu vực, các nhà đầu tư còn nhận được thêm nhiều ưu đãi. Đối với Việt Nam, khi đầu tư các nhà máy chế biến tại đây, các nhà máy có thể thu mua nguyên liệu từ ngư dân Indonesia, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm sang Việt Nam”, bà Susi Pudjiastuti đề xuất.
Theo Reuters, Asian Agribiz
Bình luận