Đầu tháng 9/2018, chính quyền quân sự của Thái Lan thông báo đã bán toàn bộ lượng gạo tồn kho kế thừa từ chính sách thế chấp gạo đầy tính dân túy của thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra, một chính sách vô ích, gây mất mát hàng tỉ USD cho chính phủ Thái Lan.

Chính sách hoang phí này, theo đó chính phủ cam kết mua “mọi hạt gạo” từ nông dân Thái Lan với giá cố định cao hơn giá thị trường 40%, được cho là một trong những lý do chính cho cuộc đảo chính. Và đó cũng chính là cáo buộc chống lại bà Yingluck, người phải tị nạn khỏi Thái Lan vào năm 2017, trước khi bị khởi kiện cùng với cựu thủ tướng, đồng thời là anh trai bà, ông Thaksin cũng đang lưu vong ở nước ngoài.

Với cái bóng của cuộc bầu cử phổ thông, khôi phục dân chủ vào năm 2019 đang tới gần, nhiều người đang tự hỏi những gì chế độ chính quyền quân sự do thủ tướng Prayut Chan-ocha đưngs đầu, đã hoàn thành trong suốt 4 năm cầm quyền để dọn dẹp ngành gạo và cải cách ngành nông nghiệp nói chung.

Sự chú ý tập trung vào kế hoạch “Pracharat” của ông Prayut, một chính sách “định hướng nhân dân” không rõ ràng, nhìn chung khuyến khích doanh nghiệp lớn hợp tác với chính phủ để thúc đẩy thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Chính sách này triển khai đồng thời với nỗ lực giải phóng toàn bộ kho gạo dự trữ thừa hưởng từ chính sách của chính phủ tiền nhiệm, nên khó để đánh giá chính sách này đang vượt lên trước hay tụt lại phía sau. “Tôi nghĩ thành công chính của họ là giải quyết thành công kho dự trữ 18,2 triệu tấn gạo kế thừa”, theo  Nipon Poapongsakorn, một chuyên gia ngành gạo tại Thailand Development Research Institute (TDRI), một tổ chức tư vấn vĩ mô cho Thái Lan, và là một tiếng nói có trọng lượng trong cơ chế thế chấp gạo. “Thành công này đã cất đi một gánh nặng cho giá gạo”.

Giờ đây, lô gạo tồn kho cuối cùng đã được bán, ước tính cuối cùng về thiệt hại mà chính phủ phải gánh chịu liên quan trực tiếp đến chương trình trợ cấp lẫn chi phí thuê kho có thể được tính toán và sẽ sớm được thông báo. “Tôi nghĩ tổng thiệt hại sẽ vào khoảng 600 tỷ Baht (18,4 tỷ USD)”, theo ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) nhận định.

Hiệp hội có tuổi đời trăm năm này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xử lý tồn kho gạo của chính phủ bà Yingluck, với khoảng 14 triệu tấn gạo trong đó được xác định đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm. Trong 4 năm qua, các thành viên của TREA đã xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo tồn kho sang các thị trường mới tại châu Phi, bao gồm Cameroon, Mozambique và Zambia. “Chúng tôi đã xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn gạo hàng năm sang các nước châu Phi này. Đó là cách chúng tôi xử lý lượng gạo tồn kho khổng lồ này và một phần tiêu thụ trên thị trường nội địa”, ông Charoen cho hay.

Khi phần gạo đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm được bán toàn bộ từ năm 2017, giá gạo bắt đầu quay trở lại bình thường trên thị trường thế giới. Năm 2018, giá gạo Thái Hom Mali bán với giá lên tới 1.100 USD/tấn, cao nhất trong nhiều thập kỷ, chủ yếu do sản xuất năm 2017 yếu đi. TREA dự báo xuất khẩu gạo đạt 11 triệu tấn năm 2018, mang về hơn 5 tỷ USD. Mức xuất khẩu gạo này thấp hơn Ấn Độ - nước vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2012, năm đầu tiên cơ chế thế chấp gạo của bà Yingluck có hiệu lực.

Chính sách sai lầm này dẫn đến Thái Lan mất thị phần trên thị trường quốc tế do giá gạo tăng giả tạo trên thị trường nội địa. Ví dụ trên thị trường béo bở là Hong Kong, thị phần gạo thơm Thái Lan giảm từ 85% trước cơ chế thế chấp gạo xuống chỉ còn 48%. Năm 2018, thị phần gạo thơm Thái Lan tại Hong Kong sẽ tăng trở lại mức 68%, trong khi Việt Nam chiếm 30% thị phần.

Giá gạo thơm Thái Lan tăng trong năm 2012 – 2014 mở ra cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương hiệu sản phẩm gạo thơm của mình tại Hong Kong, cùng với Campuchia, một đối thủ khác trên thị trường ngách gạo thơm cao cấp. “Tất nhiên, đó là vì chính sách thế chấp gạo nhưng thứ hai, đó là do sự thất bại của chúng tôi trong tính toán các chính sách dài hạn cho ngành gạo”, ông Charoen nhận định. “Cụ thể là chúng tôi nên thúc dẩy nông dân sản xuất các giống lúa gạo mới.

Về cơ bản, đây là nhiệm vụ của chính phủ do là cơ quan kiểm soát hoạt động phân phối hạt giống cho nông dân. Phần lớn trong 20 triệu tấn gạo sản xuất hàng năm tại Thái Lan là loại gạo trắng, cứng cơm, Trong 10 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm, 2,5 triệu tấn là gạo thơm, 2,5 triệu tấn là gạo đồ và phần còn lại 5 triệu tấn là gạo trắng, cứng cơm.

Ngược lại, trong 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, 2 triệu tấn gạo là gạo jasmine, 1,5 triệu tấn gạo nếp và phần còn lại 3,5 triệu tấn phân chia giữa gạo trắng mềm cơm và gạo trắng cứng cơm. Gạo trắng mềm cơm, có hàm lượng amylose thấp hơn giúp cơm mềm hơn và dẻo hơn, là loại gạo ngày càng được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc.

Để đa dạng hóa các giống lúa gạo Thái Lan, TREA đã phân phối các hạt giống lúa gạo mềm cơm cho nông dân tại 3 tỉnh trong năm 2018, với lời hứa thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường 500 Baht/tấn, tương đương 15,3 USD/tấn. “Nhưng chúng tôi là khu vực tư nhân và chúng tôi không có nhiều tiền”, ông Charoen phát biểu.

Các đời chính phủ Thái Lan có rất nhiều tiền để chi cho nông dân, đặc biệt là nông dân trồng lúa, chiếm tới khoảng một nửa trong khoảng 14,6 triệu người làm nông và là một bộ phận phiếu bầu quan trọng. Các đời chính phủ liên tiếp đã cung cấp các chính sách thế chấp gạo theo các hình thức khác nhau hoặc trợ cấp giá gạo, chỉ khác nhau ở mức độ “chịu chi” lẫn mức độ tham nhũng của chính phủ. Về khía cạnh này, chính phủ của ông Prayut không có sự khác biệt. Năm 2018, chính phủ Thái Lan đang trợ cấp cho tất cả các hộ sản xuất lúa gạo có đăng ký (khoảng 3,5 triệu hộ) 1.500 Baht (45,9 USD) cho mỗi rai (0,16ha) đất trồng lúa họ sở hữu, với mức tối đa là 12 rai. Năm 2017, hạn mức này là 10 rai. “ÍT nhất chính sách này cũng không bóp méo thị trường”, ông Nipon nhấn mạnh.

Dưới chính quyền bà Yingluck, chính phủ mua lúa với giá cố định 15.000 Baht/tấn lúa gạo trắng, tương đương 459,3 USD/tấn, và 20.000 Baht/tấn lúa gạo jasmine, cao hơn giá thị trường năm 2013 khoảng 40 – 50%. Chính sách này mang lại lợi ích lớn cho các trang trại lớn, bởi Thái Lan vốn không giới hạn quy mô trang trại, và không tạo ra bất cứ động lực sản xuất lúa gạo chất lượng cao nào cho nông dân. Hệ quả là 18,2 triệu tấn gạo vào kho và ngày một giảm chất lượng trong những nhà kho trên toàn quốc và kết cục chính trị không êm đẹp cho bà Yingluck. Mặc dù hiện lượng gạo này được bán sạch, các vấn đề cấu trúc của ngành gạo Thái Lan vẫn còn, theo các chuyên gia nhận định.

Đầu tiên, họ cho rằng diện tích trồng lúa tại Thái Lan quá nhiều, khiến xuất khẩu gạo Thái Lan không cạnh tranh. Thứ hai, nông dân Thái Lan cần gia tăng thêm giá trị cho hoạt động sản xuất lúa gạo của họ, bằng cách chuyển sang các giống lúa mới hoặc cải thiện năng suất. Các chuyên gia cũng cho rằng chính phủ của ông Prayut đang xúc tiến mô hình “sản xuất lớn”, theo đó khuyến khích nông dân hợp tác thuê máy móc để giảm chi phí sản xuất và cải thiện năng suất. Theo hướng đó, chính phủ hợp tác với một số tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn để triển khai các dự án thử nghiệm “sản xuất lúa gạo hiện đại” theo cơ chế Pracharat.

Tuy nhiên, cơ chế này bị chỉ trích rộng rãi bởi khả năng cấu kết giữa chính phủ và giới tư bản đầu sỏ để các doanh nghiệp lớn dễ dàng thu lợi. Dù vậy, cơ chế này ghi nhận một số thành công. Ví dụ, Mitr Phol Group, công ty chế biến – xuất khẩu đường lớn nhất Thái Lan, đã triển khai một mô hình trang trại hợp tác hiện đại tại tỉnh đông bắc nghèo, hẻo lánh Amnat Charoen vào năm 2016. Mitr Phol cung cấp máy gặt và các công nghệ hiện đại khác cho nông dân và dự án thử nghiệm này đã mở rộng nhanh chóng từ quy mô 1.241,6ha trồng mía đường với 600 nông dân năm 2016 lên 22.240ha với 7.200 nông dân vào cuối năm 2017. “Hiện mía đường tại Amnat Charoen đang tạo ra năng suất 87,5 tấn/ha so với mức trung bình toàn quốc 62,5 – 68,75 tấn.ha và nông dân trồng mía có thể thu lợi nhuận khoảng 5.000 Baht/rai, tương đương 153,1 USD/rai”, theo Paitoon Praphatharo, phó chủ tịch điều hành về quản lý và phát triển mía đường của  Mitr Phol cho hay.

Nhưng các chuyên gia ngành nông nghiệp vẫn nghi hoặc về tính hữu dụng của cơ chế Pracharat liên quan đến khía cạnh “1 hợp tất cả” cho bộ phận nông dân nghèo triền miên của Thái Lan. “Tôi không nghĩ mô hình này có thể nhân rộng trên toàn quốc”, ông Nipon nhận định. “Trong nông nghiệp, bạn cần đa dạng hóa. Tính đa dạng là tốt”.

Theo Asia Times
Admin

Tính chính trị của ngành cao su Thái Lan: Những mảnh đất cao su khốn khổ có thể làm thay đổi bản đồ bầu cử

Bài trước

6 xu hướng lớn tại thị trường thực phẩm châu Á

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc