Hơn 2 tuần sau một đợt lũ nghiêm trọng quét qua làng Kouzi tại tỉnh miền đông Sơn Đông của Trung Quốc, mỗi ngày, ông Li Zhitong đều quay về trang trại căn nuôi còn ngập bùn để cho 7 con lợn còn sống sót ăn. Đợt lũ, diễn ra vào đêm 19/8, nhưng đàn vật nuôi đã may mắn trồi lên mái và được cứu sống bởi một tấm năng lượng mặt trời, trong khi 400 con lợn khác trong đàn lợn của ông Li bị chết trong nước lũ.

Tại Kouzi, hơn 80 người chăn nuôi lợn như ông Li đã bị mất khoảng 250.000 con lợn và các vật nuôi khác. Khu vực này vẫn còn ngập trung bùn đất và hầu như mọi thứ đã bị chôn lấp trong khi chính quyền địa phương điều khiển các trực thăng không người lái phun khử trung 6 lần mỗi ngày. Ông Li ước tính hoạt động sản xuất của ông bị thiệt hại ít nhất 500.000 NDT (73.000 USD). Bảo hiểm có thể chi trả một phần trong khoản thiệt hại này nhưng những hỗ trợ khác từ phía chính phủ vẫn chưa được chắc chắn, một phần do “hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân lũ có phải là do người hay không”, ông Li cho hay.

Giống như Li, nhiều dân làng khác tại Thọ Quang, thành phố cấp địa khu quản lý Kouzi, đang vật lộn giải quyết thiệt hại gây ra cho sản xuất nông nghiệp do lũ bất thường và tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Nhưng những hàm ý của cuộc khủng hoảng này rộng hơn nhiều, về khía cạnh tác động lên giá thực phẩm quốc gia cũng như những câu hỏi về vai trò của các nhà chức trách chính quyền địa phương trong khủng hoảng và cách giải quyết hậu khủng hoảng của họ.

Thị trường rau củ

Thọ Quang, nổi tiếng là vựa rau cho miền bắc Trung Quốc, là nhà tiên phong áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp trong nhà kính và nhiều năm qua là một trong những nơi cung cấp rau củ chính cho khu vực này, bao gồm thủ đô Bắc Kinh. Lũ vốn là hiện tượng bất thường tại Trung Quốc vào mùa hè và thiệt hại nặng nề mà những người nông dân như ông Li đã gây shock cho nước này và châm ngòi cho một cuộc tranh cãi ngày càng nóng về hoạt động quản lý nông nghiệp của chính phủ.

Các đoạn phim ghi lại cảnh nông dân Thọ Quang khóc trước nhà cửa ruộng vườn bị phá hủy lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc. Một câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội Meirirenwu – và nhanh chóng được kiểm duyệt – đã ghi lại hình ảnh Zhang Jinlai, một nông dân 39 tuổi tại làng Dingjia, tự tử vì vườn rau nhà kính mà ông mắc nợ lớn để xây dựng, đã bị phá hủy hoàn toàn. Nông dân Thọ Quang bắt đầu gặp khó khăn khi mưa lớn bất thường gây ra bởi hoàn lưu bão đã khiến mực nước tại 3 đập thượng nguồn dâng lên mức báo động, đe dọa đời sống của các cư dân xung quanh.

Các nhà chức trách địa phương cho biết họ không còn cách nào khác là xả nước về 15 địa phương hạ nguồn tại Thọ Quang, nơi nước lũ đã ảnh hưởng đến hơn nửa triệu người dân.

Theo chính quyền địa phương, các con đập này có thể bị vỡ nếu không xả bớt nước, gây ra nguy hiểm còn lớn hơn. Nhưng những người dân làng tại Kouzi, một trong những khu vực thiệt hại nặng nhất, lập luận rằng các nhà chức trách đã tính toán sai lầm hậu quả xả nước ồ ạt cùng một lúc. Đến ngày 20/8, khi các nhà chức trách nhận ra vấn đề thì đã quá muộn. Hàng trăm căn nhà đã bị ngập lũ và những người dân còn sống sót đã phải sống trên thuyền cao su.

Tình hình còn gây tranh cãi hơn khi vào ngày 23/8, khi chính quyền địa phương thông báo lũ đã làm chết 13 người và gây thiệt hại cho 9.999 ngôi nhà trong khu vực. Tình cờ là số lượng nhà bị thiệt hại chỉ thấp hơn 1 nhà so với tiêu chuẩn để kích hoạt cơ chế cứu trợ khẩn cấp cấp độ 4 từ chính quyền trung ương. Trớ trêu là trong cùng ngày, tờ báo nhà nước Trung Quốc là People’s Daily đưa tin 10.035 nhà bị tổn thất.

Thảm họa này và cách phản ứng của giới chức trách đã làm lộ ra điểm yếu của nền kinh tế trị giá 12.000 tỷ USD này. Nông dân Trung Quốc vẫn rất dễ tổn thương trước các thảm họ tự nhiên nhưng lại không tiếp cận đầy đủ với hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt là bảo hiểm. Họ cũng nhận được rất ít hỗ trợ khắc phục thảm họa từ phía chính phủ.

Theo tờ báo tài chính National Business Daily, chưa đến 0,1% trang trại nhà kính tại Thọ Quang tham gia bất cứ hình thức bảo hiểm nào. Nhưng hệ quả tai hại hơn là tác động lên giá. Là một trong những vựa sản xuất rau lớn nhất Trung Quốc, Thọ Quang thường đảm bảo giá rau ổn định trên khắp cả nước. Mỗi ngày từ nửa đêm, các xe tải chất đầy rau xanh đến từ tận Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc dừng trước China Shouguang Agricultural Product Logistic Park, rộng tới 2 triệu m2 ở phía tây bắc thành phố Thọ Quang để nhập rau. Giá rau phân phối từ đây có ảnh hưởng đến thị trường cả nước, đặc biệt là cà tím và các loại ớt. Kể từ đợt lũ vừa qua, Thọ Quang trở thành nguồn cơn của tình trạng lạm phát. Giá dưa chuột tăng 60% chỉ trong 4 ngày sau thảm họa, giá rau cần tây tăng hơn 50% trong cùng kỳ, theo những thống kê giá hàng hóa tại thành phố này cho thấy.

Trong tháng 8, chỉ số giá rau của chợ bán buôn trên tăng vọt 34% so với tháng 7, khi giá các loại rau lá xanh tăng mạnh nhất, đặc biệt là do tác động của lũ lên nguồn cung rau tươi. Ít nhất 200.000 nhà kính và máng trồng rau để sản xuất rau đã bị thiệt hại hoặc phá hủy hoàn toàn, tương đương 90% công suất trước lũ.

Sau thảm họa, Shandong Quanfuyuan Commercial Group, một chuỗi bán lẻ địa phương lớn, đã được chính phủ yêu cầu giúp kìm chế đà tăng giá rau bằng cách bán rau dưới giá thành thu mua của công ty. Trong một số trường hợp, chuỗi bán lẻ này đã bỏ tag giá khỏi các kệ rau trong cửa hàng để tránh làm người tiêu dùng hoảng loạn.

Các nhà phân tích cho rằng các hệ quả lạm phát sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới bởi các trang trại cần được sửa chữa, đất đai cần được cải thiện thì các luống rau mới được trồng. Thọ Quang sẽ khó lòng khắc phục hết các khó khăn để kịp sản xuất vụ đông năm nay. CÁc nhà kính kín của Thọ Quang vốn cung cấp một phần lớn nguồn cung rau tươi của Trung Quốc từ tháng 10 đến tháng 6, khi thời tiết ngoài trời quá lạnh để trồng rau ngoài trời ở miền bắc Trung Quốc.

Áp lực lạm phát do hệ quả sau lũ đang là mối lo ngại hàng đầu tại Trung Quốc khi chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại sau 6 năm tương đối ổn định, do tác động của dịch tả lợn gần đây lên giá thịt lợn và chi phí nhà cửa giảm tại các thành phố cấp 1 như Bắc Kinh.

Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,1%, cao hơn dự báo và cao hơn so với mức 1,9% trong tháng 6. Các nhà phân tích ước tính chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng 2,3% trong tháng 8. “Chúng ta có thể sẽ phải trải qua giai đoạn người dân sẽ cảm thấy rõ rệ tác động của giá tiêu dùng đang tăng, tức là sức mua của đồng tiền yếu đi và sản xuất – nhu cầu chậm lại, nhưng số liệu công bố chính thức lại cho thấy tăng trưởng GDP và lạm phát ổn định”, theo Li Qilin, một nhà phân tích tại Lianxun Securities nhận định.

Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc đã hạ thấp tác động của lũ lụt tại Thọ Quang lên giá rau toàn quốc, tuyên bố tác động chỉ “hạn chế”, chủ yếu do sản xuất rau của khu vực này chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng sản lượng rau cả nước. Tuy nhiên, ông Li tin rằng những tác động chính sẽ bị trễ cho tới sau tháng 10.

Tại Thọ Quang, nông dân đều dự cảm những ngày khó khăn trước mặt. Sau khi nước lũ rút từ Kouzi, Li Guoxiang và vợ ông là Li Guihua quay trở về khu vực sản xuất hàng ngày để xem xét các cơ sở vật chất còn lại. Họ có thể làm những việc như nhặt rác và cầu mong cho đất sớm khô ráo trở lại. Khu sản xuất rau này là nguồn thu nhập duy nhất của họ, mang lại khoảng 100.000NDT hàng năm.

10 ngày trước khi đợt lụt, họ đã bắt đầu gieo hạt đậu trên diện tích 4 mu. “Đất vẫn còn quá ẩm ướt và nhiều bùn. Chúng tôi không thể trồng thậm chí lúa mỳ hay ngô. Đất sẽ cần ít nhất 1 tháng nữa mới khô nên chúng tôi chẳng trồng cấy được gì trong tháng tới”, ông Li cho biết, bao quanh là những cánh đồng ngô xơ xác sau lũ. “Tim tôi tan nát, tôi không biết phải nói gì. Nói gì được nữa? Tôi chẳng đủ tiền chi tiêu cho ăn uống”.

Cách Kouzi 18km về phía tây, các cánh đồng ngô của Chen Haitao vẫn ngập nước tới 3m và sẽ cần nhiều ngày để bơm hết nước ra các dòng sông lân cận. Trong một nỗ lực vô vọng để cứu vãn tình hình, cha của Chen đã dùng lốp cao su bơi ra các cánh đồng để mót ngô với hy vọng có thể bán gỡ gạc. Thông thường, 1mu trồng ngô mang lại thu nhập khoảng 1.000NDT. “Chúng tôi cố gắng mót càng nhiều càng tốt, nếu không thì công sức cả năm sẽ đi tong”, ông Chen cho biết.

Nhiều năm qua, Li Zhitong ngủ trong một cái buồng cạnh chuồng lợn để tiện chăm sóc đàn lợn. Giờ đây, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, ông đang nghĩ đến việc cố gắng tìm một công việc tạm thời ngoài làm nông nhưng đã quá già để đi làm việc tại các nhà máy. Ông không có ý định bán đi 7 con lợn sống sót sau đợt lũ. Thay vào đó, ông nghĩ đến việc giết mổ chúng và làm quà cho những người bạn thời phổ thông của ông – những người đã quyên góp 40.000NDT để giúp ông vượt qua khó khăn. “Tôi có ý tưởng đó bởi không biết họ có còn cho phép nuôi lợn ở đây nữa hay không”, ông Li cho hay. “Bán đi 7 con lợn thì được mấy tiền – 300NDT? Thế nên tôi có thể giết mổ lấy thịt rồi làm quà trả ơn cho bạn bè. Sau đó thì tôi chẳng còn gì nữa”.

Theo South China Morning Post
Admin

Những vết nứt sâu trong tiêu dùng của Ấn Độ 

Bài trước

Liệu bước nhảy vọt của Trung Quốc vào nông nghiệp thông minh có đảm bảo được an ninh lương thực không?

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc