Đầu tư

Vì sao Samsung của Hàn Quốc là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam

Nhà máy Samsung Electronics tại tỉnh miền bắc Việt Nam Thái Nguyên, có hơn 60.000 công nhân đang làm việc. Ba căng tin của nhà máy này phục vụ khoảng 13 tấn cơm hàng ngày. Và nhà máy này sản xuất nhiều điện thoại di động hơn bất cứ nhà máy nào trên thế giới. Nhà máy tại Thái Nguyên và các nhà máy khác của Samsung Electronics tại Việt Nam sản xuất gần 1/3 tổng sản lượng toàn cầu của tập đoàn này. Tập đoàn Samsung đã đầu tư tổng cộng 17 tỷ USD vào Việt Nam.

Nhưng Samsung cũng quan trọng với Việt Nam như Việt Nam quan trọng với Samsung. Năm 2017, công ty con tại Việt Nam của Samsung có doanh thu 58 tỷ USD, trở thành công ty lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua PetroVietnam – công ty dầu mỏ quốc gia. Samsung tuyển dụng hơn 100.000 lao động tại Việt Nam và giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Chỉ riêng Samsung đã chiếm gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tương đương 214 tỷ USD trong năm 2017.

Tất cả những điều này trở thành nguồn lợi lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Bất chấp những báo cáo tiêu cực về điều kiện lao động tại Việt Nam, Thái Nguyên và tỉnh lân cận Bắc Ninh, cũng có một nhà máy của Samsung, đang trở thành hai trong số những tỉnh giàu nhất cả nước. Các nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn mọc lên như nấm xung quanh các khu công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp địa phương nằm trong danh sách những nhà cung cấp quan trọng cho Samsung tăng gấp 7 lần trong 3 năm qua.

Và Samsung chỉ là nhà đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc vào Việt Nam. Trong tổng số 108 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam đã nhận kể từ khi gia nhập WTO năm 2007, 1/3 đến từ Hàn Quốc. LG Electronics, một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc, đầu tư vào nhà máy sản xuất màn hình tivi trị gia 1,5 tỷ USD tại cảng Hải Phòng. Lotte, tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc, sở hữu một loạt các siêu thị.

Năm 2017, Việt Nam nhận lượng FDI tương đương 8% GDP – gấp hơn 2 lần tỷ lệ GDP tại các nền kinh tế tương đồng trong khu vực. Các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm gần 20% tổng sản lượng cả nước. Doanh nghiệp FDI tăng trưởng cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nhà nước trong thập kỷ qua. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,4% trong quý 1/2018, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á.

Đối với Samsung, Việt Nam hiện có điều kiện sản xuất hấp dẫn hơn Trung Quốc. Lực lượng lao động tại Việt Nam trẻ, rẻ và dồi dào – chính là điều Trung Quốc từng có nhưng lực lượng lao động của Trung Quốc hiện đã già đi và về trung bình, có lương cao hơn gấp đôi so với Việt Nam. Chi phí lao động rẻ tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam giúp nhà sản xuất này có các sản phẩm có giá cạnh tranh hơn so với đối thủ Apple. Các nước khác trong khu vực có xu hướng xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc linh kiện tới Trung Quốc – nơi chúng sẽ được lắp ráp vào các sản phẩm khác. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thành phẩm.

Khác với sự thất thường gần đây của Trung Quốc, tình hình tại Việt Nam khá ổn định. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc tổ chức một cuộc tẩy chay doanh nghiệp và hàng hóa Hàn Quốc để trừng phạt chính phủ Trung Quốc vì triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Mặc dù hệ thống này nhằm bảo vệ Hàn Quốc chống lại các cuộc tấn công từ Triều Tiên, Trung Quốc cáo buộc rằng hệ thống này có thể được dùng để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Cuộc tẩy chay này, mặc dù hiện nay đã qua, vẫn là một hồi chuông báo động với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Ngược lại, Việt Nam đang tự do hóa nền kinh tế để chào đón các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2015, chính phủ Việt Nam mở cửa 50 ngành cho đầu tư nước ngoài và nới lỏng quy định với hàng trăm ngành khác. Việt Nam đã bán cổ phần đa số tại doanh nghiệp sản xuất đồ uống thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Việt Nam, Sabeco, cho một doanh nghiệp nước ngoài trong năm 2017. Sự nhiệt thành tham gia các thỏa thuận thương mại tự do của Việt Nam đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Việt Nam là thành viên của CPTPP, một thỏa thuận thương mại đa phương bao gồm Úc. Canada và Nhật Bản cùng các nước khác. Việt Nam cũng sẽ sớm ký một thỏa thuận thương mại với EU. Thỏa thuận ký với Hàn Quốc năm 2015 đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Moon Jae-in, tổng thống Hàn Quốc, đã tới thăm Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, với các phái đoàn doanh nghiệp từ Samsung và các công ty khác. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông tới Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm tại nhiệm. Các nhà tư vấn của tổng thống bày tỏ ý tưởng rằng Hàn Quốc không nên tự biến mình trở thành “tôm tép giữa bầy cá voi” như Trung Quốc và Nhật Bản, thay vào đó nên tìm cách trở thành một sức mạnh trong khu vực bằng cách theo đuổi các đồng minh nhỏ bé hơn. Họ cho rằng có thể biến Hàn Quốc trở thành một con “cá heo”, theo đuổi vận mệnh của mình. Ít nhất, tại Việt Nam, kế hoạch này đang vận hành.

Theo Economist
Admin

Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ tăng gấp đôi cam kết nông nghiệp lên 9 tỷ USD một năm vào năm 2030

Bài trước

Quỹ Hà Lan trao khoản tài trợ lớn cho nhà sản xuất cà phê Việt Nam

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư