Tin vắn ngành chăn nuôi, thủy sản ngày 6/4
Trung Quốc áp thuế bổ sung đối với thịt lợn Mỹ sẽ có tác động tức thì. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Thái Lan đối mặt với tăng trưởng thấp. Indonesia, Brazil cải thiện quan hệ đối tác song phương. An ninh TACN rất quan trọng đối với Ấn Độ. Ngành cá tra Việt Nam đối diện với thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên liệu
Trung Quốc áp thuế bổ sung đối với thịt lợn Mỹ sẽ có tác động tức thì
“Việc áp thuế bổ sung 25% đối với thịt lợn Mỹ của Trung Quốc sẽ tác động tức thì lên các nhà sản xuất – xuất khẩu Mỹ cũng như các khách hàng của chúng tôi tại Trung Quốc”, theo thông cáo của Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ. Thông cáo nhấn mạnh, với lượng xuất khẩu chiếm gần 27% tổng sản lượng thịt lợn Mỹ trong năm 2017, thương mại quốc tế rất quan trọng cho thành công và khả năng sinh lời của ngành thịt lợn Mỹ. Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ hai của thịt lợn Mỹ về lượng và đứng thứ 3 về giá trị.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Thái Lan đối mặt với tăng trưởng thấp
USDA nhận định nhu cầu TACN của Thái Lan sẽ tăng trưởng thấp trong năm tài khóa 2017/18 và 2018/19. Nguyên nhân chính là do giá sản phẩm chăn nuôi trên thị trường nội địa thấp và chi phí sản xuất tương đối cao. Năm 2018/19, nguyên nhân khiến tăng trưởng nhu cầu TACN thấp là do năng suất các loại cây nguyên liệu TACN và khả năng sinh lời thấp so với các cây trồng khác như ngô và lúa mùa. Chính phủ Thái Lan vẫn cấm trồng các loại cây biến đổi gene, bao gồm đậu tương. Phần lớn tiêu dùng đậu tương và bột đậu tương tại Thái Lan sử dụng nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do sản xuất nội địa tăng lên, nhập khẩu bột đậu tương của Thái Lan năm 2017/18 chỉ tăng 1% và năm 2018/19 chỉ tăng 4%.
Indonesia, Brazil cải thiện quan hệ đối tác song phương
Indonesia và Brazil đã đồng thuận cải thiện quan hệ đối tác song phương trong ngành chăn nuôi và thú y sau khi các đại diện từ hai nước nhóm họp gần đây tại Jakarta. Theo ông I Ketut Diarmita, lãnh đạo ngành chăn nuôi và thú y Indonesia, Brazil quan tâm tới cung ứng thịt bò chất lượng cao cho Indonesia. “Brazil có quy mô đàn gia súc khoảng 14 triệu con và một hệ thống chăn nuôi hiệu quả. Do đó, giá thịt bò Brazil rất cạnh tranh”, ông Diarmita cho biết. Mặt khác, ông Diarmita cũng cho biết Indonesia quan tâm tới xuất khẩu các sản phẩm thuốc thú y sang Brazil. “Chúng tôi cũng muốn hợp tác phát triển giống gia súc và đồng cỏ Brazil, cũng như mời các nhà đầu tư Brazil tới đầu tư vào ngành chăn nuôi gia súc tại Indonesia”.
An ninh TACN rất quan trọng đối với Ấn Độ
Đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô sản xuất TACN với mức giá hợp lý, chất lượng ổn định quanh năm rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu TACN ngày càng tăng tại Ấn Độ. Ông B Soundararajan, chủ tịch CLFMA cho hay: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu tăng vọt đối với tiêu dùng thịt tại Ấn Độ và tương ứng là nhu cầu đối với nguyên liệu TACN như ngô và đậu tương cũng đang tăng. Trong 10 năm qua, nhu cầu ngô tăng lên 20 triệu tấn và dự báo sẽ vượt 36 triệu tấn đến năm 2025. Do đó, chúng tôi cần tìm cách bù đắp thiếu hụt 5 – 6 triệu tấn do tăng trưởng sản xuất nội địa chậm lại”, ông giải thích. “Đây là thời điểm để chúng tôi tìm kiếm các công nghệ mới hơn, bao gồm công nghệ can thiệp gene để cải thiện năng suất từ mức thấp 2,5 tấn ngô/ha hiện nay lên mức trung bình thế giới 5,5 tấn/ha”.
Ngành cá tra Việt Nam đối diện với thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên liệu
Nguồn cung cá tra tại Việt Nam sẽ không đủ để đáp ứng cho thị trường châu Âu và Mỹ, chỉ có thể đủ cho thị trường Trung Quốc, là phát biểu của ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà chế biến – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). “Ngành cá tra đang ổn định về thương hiệu, giá và lợi nhuận. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sẽ kéo dài tới tháng 6”, ông Nam cho biết. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường khiến tỷ lệ thả nuôi bị chết cao, thời gian nuôi kéo dài, dẫn đến sản xuất cá tra nguyên liệu không đáp ứng đủ cầu. Theo Bộ NNPTNT, thị trường cá tra tại ĐBSCL trong tháng 2/2018 tiếp tục ổn định giá ở mức cao kỷ lục, một số nơi lên đến 1,4 USD/kg. Đây là mức giá cá tra nguyên liệu cao nhất trong nhiều năm”.
Theo Asian Agribiz
Bình luận