Thăm bất cứ một cánh đồng lúa nơi đâu tại châu Á ngày nay, bạn sẽ thấy một cuộc sống như đứng yên nhiều thập kỷ qua. Cấy mạ vào đất bùn, dùng liềm cắt lúa và bốc những bao lúa nặng trĩu lên xe tải chỉ là một số trong lịch trình làm việc vất vả của người nông dân.

Nhiều thế hệ nông dân châu Á đã nỗ lực để khai thác đất đai cho sản xuất thực phẩm, phụ thuộc vào hỗ trợ từ đại gia đình và gia súc để chia sẻ gánh nặng. Sự xuất hiện của máy móc nông nghiệp khiến mọi việc có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn chưa mang lại sự thịnh vượng.

Đến Thung Kula Ronghai tại đông bắc Thái Lan, một trong những khu vực tốt nhất thế giới để sản xuất gạo jasmine, khó mà tìm thấy con trâu nào còn làm việc trên đồng – nhưng cũng hiếm tìm thấy nông dân nào thực sự sở hữu cánh đồng họ đang canh tác. Nếu có thì họ sở hữu những cánh đồng nhỏ hơn nhiều so với cánh đồng thuộc về thế hệ cha ông họ. Giá ngũ cốc giảm, chi phí sống và sản xuất tăng, dẫn đến nợ nần chồng chất và nhiều nông dân phải bán đất trả nợ.

Giá gạo trắng thường bắt đầu giảm từ 550 USD/tấn vào tháng 12/2012 xuống khoảng 400 USD/tấn vào giữa năm 2014, rồi dao động trong ngưỡng 400 – 450 USD/tấn từ đó trở đi. Mức trung vị của số nợ trên đầu người tại Thái Lan đã tăng gấp đôi từ 70.000 Baht năm 2010 lên 150.000 Baht năm 2016. Nợ nần đã đẩy nhiều nông dân trồng lúa tại đông bắc Thái Lan phải lựa chọn bán đất cho một vài chủ đất lớn, nhưng dườn như tích tục đất đai không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề thu nhập thấp trong nông nghiệp.

Theo Chương trình toàn cầu về Niên giám Nông nghiệp, diện tích canh tác trung bình trên hộ tại châu Á Thái Bình Dương nhỏ nhất thế giới, chỉ 1ha so với mức trung bình 5,5ha của tổng số 114 nước mà FAO thu thập dữ liệu.

Ngay cả những nông dân già hơn, sở hữu diện tích đất đai đáng kể và không thuê hoặc canh tác trên đất của người khác cũng đang chật vật trong sản xuất kinh doanh. Nhiều nông dân cần máy móc thiết bị để thay thế cho lao đông chân tay ngày càng khan hiếm nhưng máy móc cũng quá đắt đỏ với họ.

Theo ADB, nông dân châu Á được trang bị quá ít máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất vốn đã ở quy mô nhỏ bé. Phần lớn các hộ gia đình cận nghèo thường xuyên thiếu tiền và bí quyết để cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng. Ví dụ, tại Myanmar, chỉ 16% hộ gia đình sản xuất nông nghiệp sử dụng máy xới và máy cày để làm đất. “Cha tôi bước sang tuổi 70 vào năm nay. Ông có 50 rai (8ha) nhưng không ai làm việc trên cánh đồng bởi cả ba đứa con của ông, kể cả tôi, đều sống tại Bangkok nên ông cho những người khác trong làng thuê đất”, theo bà  Sirirumphai Sornthongkhum, 49 tuổi, làm nghề giữ trẻ đến từ Ubon Ratchathani. “Nhưng ông cũng chỉ cho thuê theo giờ bởi không có đủ nước để trồng lúa quanh năm tại Isan. Đồng thời cũng chẳng còn ai ở lại để làm nông trong suốt mùa khô bởi họ đi tìm công việc tại các ngành khác như các khu vực trồng mía tại Ratchaburi và các thành phố lớn bởi chỉ trồng lúa thì không giúp bất cứ ai đủ sống”.

Có rất nhiều nông dân già cả như cha của bà Sirirumphai, những người có tri thức hạn chế về các phương pháp làm nông hiện đại và có ít động lực để học hay mua sắm máy móc thiết bị thay thế cho trâu bò họ vẫn dùng để làm đất như bao thế hệ đi trước. Bà cho biết cha bà nhận lại từ 8 – 10 tấn lúa hàng năm từ cho thuê đất nhưng chủ yếu để tiêu dùng trong gia đình bởi giá bán 14.000 – 15.000 Baht/tấn không đủ hấp dẫn.

Thiếu cơ sở hạ tầng thủy lợi tại khu vực này là nguyên nhân khiến nông dân chỉ trồng 1 vụ/năm.

Lợi nhuận biên ngày càng nhỏ bé

Năng suất đang ngày càng bị giới hạn bởi các đợt khô nóng và nguồn cung lao động.  Lợi nhuận biên từ sản xuất lúa chri còn khoảng 30.000 Baht/năm do nông dân phải trang trải chi phí thuê máy móc (500 – 600 Baht/ngày), thuê nhân công (300 Baht/ngày) và 62,5-125kg phân bón/ha cso giá từ 500 – 1.000 Baht/20-25 kg. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thế hệ trẻ không nhìn thấy tương lai của nông nghiệp.

Theo báo cáo FAO 2010 “Rural Youth Employment in Developing Countries", tỷ lệ lao động trẻ nông thôn tại châu Á giảm từ khoảng 15% năm 1990 xuống còn trung bình 7% tổng dân số năm 2015. CÁc số liệu thống kê cũng cho thấy trong giai đoạn 1990 – 2015, những người từ 65 tuổi trở lên sinh sống tại các khu vực nông thôn châu Á tăng 2,2%, trong khi tỷ lệ trẻ em dưới 10 tuổi giảm 9,6%.

Khuynh này diễn ra rất rõ ràng trong nhiều thập kỷ qua, đáng chú ý nhất là tại Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản – nơi tuổi trung bình của nông dân là từ 50 – 65. Báo cáo năm 2014 của HelpAge International, "The Ageing of Rural Populations", đã phân tích số liệu của UN và FAO và nhấn mạnh “mức tăng mạnh” – trung bình gần 5% - về số nông dân từ 55 tuổi trở lên tại ASEAN, cùng với sự suy giảm của số lượng nông dân trẻ. Tỷ lệ nông dân từ 55 tuổi trở lên là 7,1% tại khu vực cận Sahara châu Phi; 12,1% tại châu Á; 25,3% tại Caribbean và 12,3% tại Mỹ Latin.

Tại Thái Lan, nơi cộng đồng nông dân khoảng 22 triệu người, tỷ lệ nông dân từ 55 tuổi trở lên đã tăng từ 11,7% năm 1988 lên 16,1% năm 2002, năm gần đây nhất ghi nhận dữ liệu này. Tại Việt Nam, với quy mô cộng đồng nông dân tương đương, tỷ lệ nông dân từ 55 tuổi trở lên tăng từ 8,7% năm 2006 lên 12,3% năm 2011.

Dữ liệu về các chủ đất nông nghiệp (được định nghĩ là người triển khai quản lý và đưa ra những quyết định quan trọng về sử dụng đất) trên toàn cầu cho thấy 27,5% chủ đất nông nghiệp có độ tuổi từ 55 trở lên. Con số này tại châu Phi là 26,8%, tại châu Á là 28,5%, tại Caribbean là 44,7% và tại Mỹ Latin là 29,8%. Tính trung bình, các chủ đất nông nghiệp già hơn cộng đồng nông nghiệp nói chung tại châu Á. Nếu dựa vào những chủ đất nông nghiệp này đưa ra các quyết định về sử dụng nguồn lực thiếu kiến thức, công nghệ hoặc máy móc, trong khi thế hệ trẻ hơn lại từ bỏ đất đai, thì ai sẽ là người phát triển ngành nông nghiệp?

Mặc dù vậy, sẽ là sai lầm nếu kết luận những nông dân cao tuổi không hoạt động hiệu quả và không có khả năng sử dụng công nghệ mới. thực tế là rất nhiều người chưa từng được trao cho cơ hội học hoặc thử những cách tiếp cận mới. Đây là địa hạt mà các chính phủ và các ngành có thể hỗ trợ nông dân.

HelpAge International vẫn cho rằng nông nghiệp sẽ tiếp tục là một nguồn sinh kế quan trọng cho một phần lớn lớp người già hơn, năng động về kinh tế, đặc biệt là cho phụ nữ có tuổi tại châu Á. Dữ liệu Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 75% người từ 60 tuổi trở lên có nông nghiệp là hoạt động có thu chính của họ. Thế hệ già hơn không thể bị bỏ lại phía sau khi các xã hội tiến lên.

Những con đường phía trước

Sự già hóa của dân cư nông nghiệp nghĩ là các phương pháp truyền thống và đã được thử thách bởi thời gian không còn được truyền lại cho những người trẻ, trong khi những người trẻ cũng không quan tâm tới nông nghiệp bởi thiếu tầm nhìn và kiến thức về cách làm nông sinh lời. Nông nghiệp được cho là công việc vất vả và không hào hoáng và bởi phần lớn nông dân đều nghèo, giới trẻ nông thôn không coi nông nghiệp là cách thoát nghèo. Nhận thức này cần phải được thay đổi.

Xét đến cách mà cư dân nông thôn đang già đi, HelpAge International cho rằng các chính phủ phải xem xét cách tốt nhất để hỗ trợ cho nông dân trong suốt những giai đoạn khác nhau của cuộc đời họ nhằm bảo vệ và thúc đẩy sinh kế. Các chính sách xã hội (bao gồm bảo vệ tài chính đầy đủ) cũng sẽ giúp giải quyết nhu cầu của những người già dễ tổn thương tại khu vực nông thôn, xét đến thực tế rằng lưới an sinh hỗ trợ trong chính gia đình theo lối truyền thống đã bị yếu đi bởi cuộc di cư nông thôn – thành thị và các yếu tố khác.

Giúp nông dân cao tuổi hơn thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu và tăng năng suất cây trồng – thu nhập sẽ là đóng góp lớn để cho thấy tiềm năng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ cũng là một hoạt động kinh doanh sinh lời, qua đó có thể tạo ra động lực cho những người trẻ hơn tham gia vào nông nghiệp.

Bangaorn Kaewboworn, 47 tuổi, một chuyên gia quan hệ công chúng đã chuyển sang làm nông dân toàn thời gian tại quê nhà Ang Thong của bà, tin rằng nếu các cộng đồng dân cư, trường học và chính phủ hợp tác để cho thấy lao động trong nông nghiệp có thể là một lối sống bền vững và sinh lời, không có lý do gì để thế hệ trẻ hơn không quay trở lại ngành này. “Tôi đến với cuộc sống nông nghiệp bởi tôi muốn thoát khỏi và tôi tin rằng sự tự do, ổn định mà nông nghiệp mang lại có thể luôn luôn thu hút thế hệ trẻ hơn, khi cơ sở hạ tầng và những động lực ngày càng tăng để thu hút họ quay trở lại”.

Bà Bangaorn đang kiếm sống thông qua lối canh tác nông nghiệp hỗn hợp và bền vững, dựa trên tầm nhìn dài hạn theo triết lý kinh tế vừa đủ của nhà vua Bhumibol Adulyadej. Trong hơn 1ha bà đang nắm giữ, bà trồng lúa trên 0,16ha để tiêu dùng và phần còn lại để trồng các cây làm thực phẩm và cây thảo mộc, như chuối, và bán lấy tiền, cùng với các loại cây lâu năm, như cây garjan, để thu hồi vốn trong dài hạn, do cây này cần 10 – 15 năm để đốn lấy gỗ.

Tuy nhiên, tầm nhìn dài hạn như vậy có vẻ bất khả thi đối với hầu hết nông dân trồng lúa tại khu vực đông bắc. Bà Sirirumphai đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nông dân trồng lúa để họ có đủ tiền sở hữu máy móc thiết bị, thoát khỏi tình trạng bị lũng đoạn bởi các nhà xay xát và trợ cấp phân bón, các đầu vào khác để giảm chi phí sản xuất.

Bà cũng kêu gọi hoàn thành nhanh hơn dự án băng thông rộng quốc gia trị giá 15 tỷ Baht để cung cấp cho 39.000 làng mạc khả năng tiếp cận internet tốc độ cao, qua đó nông dân có thể học hỏi trực tuyến tốt hơn, qua đó có thể giảm chi phí, tăng năng suất, gia tăng giá trị và bán sản phẩm thông qua thương mại điện tử. Phần lớn nông dân đã có điện thoại thông minh nhưng họ cần họ cách tìm kiếm và sử dụng các ứng dụng thực sự hữu ích cho họ. “Cha tôi đang sắp cạn tiền hỗ trợ từ chính phủ, vốn chỉ hữu dụng trng ngắn hạn. Để kiếm tiền từ trồng lúa ngày nay cần máy móc thiết bị mà chúng tôi không đủ tiền mua do khó tiếp cận vốn vay và chúng tôi vẫn đang nợ rất nhiều. Tôi không thấy con đường rõ ràng nào để mình có thể quay trở lại làm nông”.

Theo Bangkok Post
Admin

Báo cáo cáo buộc hành vi ép giá của các siêu thị phương Tây trực tiếp gây ra tình trạng bóc lột lao động ngày càng tăng trong ngành tôm của Việt Nam 

Bài trước

Chuột, hạn hán và thiếu lao động kìm hãm sự phục hồi thị trường dầu ăn toàn cầu

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc