Giá gạo Ấn Độ tăng do nhu cầu cải thiện, nguồn cung gạo mới kìm hãm đà tăng
Giá gạo tại Ấn Độ tăng mạnh trong tuần này, chủ yếu do nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện nhưng nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch mới đang kìm hãm đà tăng giá của nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng 2 USD/tấn lên 399 – 402 USD/tấn. “Nhu cầu từ Bangladesh và Sri Lanka đang tăng. Các nhà nhập khẩu tại châu Phi cũng đang gửi một số đặt hàng”, thoe một nhà xuất khẩu tại Kakinada, thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh cho biết.
Tại Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm chào bán ở mức 380 – 387 USD/tấn, FOB Bangkok, so với mức giá 375 – 387 USD/tấn trong tuần trước. Gạo Hom Mali của Thái Lan đã thắng giải “Gạo tốt nhất thế giới” trong Hội nghị Gạo thế giới tổ chức tại Macau hồi tuần trước và các thương nhân cho biết diễn biến này có tác động tích cực lên nhu cầu gạo Thái Lan trên thị trường toàn cầu. “Do lũ lụt tại miền Đông Bắc năm 2017, vốn là vùng sản xuất lúa gạo Hom Mali chính, sản lượng gạo Hom Mali giảm, dẫn đến giá tăng. Với diễn biến mới này, tôi nhận định giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng”, theo một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay.
Các thương nhân cũng lạc quan về đợt đấu thầu mua 132.790 tấn gạo giao vào đợt tháng 12 – 3 có thể giúp nhu cầu đối với gạo Thái tăng lên. Tuy nhiên, nhìn chung, nhu cầu trên thị trường vẫn ở mức thấp, với nguồn cung gạo vụ mới bắt đầu xuất hiện thị trường vào cuối tháng 11, gây ra áp lực giảm giá.
Trong khi đó, Bangladesh vừa hủy thỏa thuận mua bán gạo đầu tiên với Campuchia về nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng do phía Campuchia không giao hàng đúng hẹn. Thỏa thuận được ký hồi tháng 8 với giá 453 USD/tấn. Bangladesh đang nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn trên thị trường thế giới năm 2017 sau khi hàng loạt đợt lũ lớn gây thiệt hại cho mùa màng, bất chấp các thỏa thuận mua gạo từ nhiều nước xuất khẩu gạo, bao gồm Myanmar, Bangladesh vẫn đang gặp khó khăn trong tăng cường kho dự trữ.
Tại Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm chào bán ở mức 400 – 405 USD/tấn, FOB Sài Gòn, ít biến động so với mức giá chào bán hồi tuần trước do nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. “Vụ thu hoạch gần đây chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và không tác động lên giá xuất khẩu. Nguồn cung gạo vụ mới đã xuất hiện trên thị trường nhưng giá vẫn duy trì ở mức cao”, một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay. “Chúng tôi sẽ không có nguồn cung tăng cho tới khi kết thúc vụ đông xuân vào tháng 3/2018”.
Sản xuất lúa gạo vụ đông xuân là một trong hai vụ sản xuất lúa gạo chính tại Việt Nam, thường bắt đầu vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 khi nước lũ tại khu vực ĐBSCL đã rút hết.
Theo Reuters
Bình luận