Khi Thái Lan đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngành cao su, một số ý kiến cho rằng sẽ cần nhiều hơn so với chỉ bàn tay can thiệp của chính phủ để đảo chiều giá cao su.

Khi một người nghĩ về cuộc sống của người nông dân, có thể họ vẽ ra một cuộc sống thanh bình, chậm rãi tại một trang viên đẹp đẽ ở nông thôn. Nhưng đối với nhiều nông dân, khung cảnh này thật trớ trêu so với thực tế cuộc chiến hàng ngày họ phải đối mặt.

Hộ gia đình trồng cao su của Preeda Panmueang, một nông dân 45 tuổi, đã gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Sinh ra tại Nakhon Si Thammarat, bà là một trong 9 người con của một gia đình nông dân. Bố mẹ bà sở hữu diện tích trồng cao su 50 rai, sau đó được chia cho con cái. Nhưng hoạt động kinh doanh không còn sinh lợi đủ để làm sinh kế cho gia đình. Thế nên bà Preeda quyết định chuyển từ trang trại của gia đình 1 thập kỷ trước sang nơi sinh sống hiện tại. Ở đây, bà tự tay dựng nên một vườn cao su rộng 5 rai. Khi giá cao su tăng, bà có cuộc sống khá thoải mái.

Thái Lan là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, với 4,47 triệu tấn chỉ riêng trong năm 2015. Nước này chiếm 1/3 tổng sản lượng cao su toàn thế giới. Phần lớn tăng trưởng của ngành này diễn ra trong hơn 1 thập kỷ qua. Môi trường đã có tác động tiêu cực cho phát triển nhưng cao su cũng mang lại cho nông dân cơ hội tái đầu tư vào đất trồng trọt. Nhiều khoản đầu tư đã được tiến hành theo hướng mua xe tải phục vụ sản xuất và trang trải chi phí học hành của thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, bất chấp những con số đầy tích cực này, ngành cao su Thái Lan vẫn gặp nhiều bất ổn.

Tháng 1 – 2/2015, giá cao su lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm – 36,95 Baht/kg cao su mủ tờ. Ngược lại, giá mủ tờ cao su từng ghi nhận mức cao kỷ lục 174,44 Baht/kg vào tháng 2/2011.

Giá đã không thể phục hồi hoàn toàn từ đó đến nay. Cho đến tháng 8/2017 giá cao su vẫn dao động trong khoảng 50 – 54 Baht/kg cho mủ tờ cao su tự nhiên. Mức giá này có vẻ vẫn còn khả quan hơn trước đây nhưng không là gì so với chi phí sống đang ngày một tăng trên khắp Thái Lan, khiến nhiều nông dân trồng cao su mắc kẹt trong nợ nần.

Gánh nặng tài chính buộc bà Preeda phải gửi một trong những đứa con tới nhà người thân. Hiện bà chỉ chăm sóc 1 đứa con và cố gắng trồng trọt các loại nông sản làm thực phẩm, nhưng vẫn phải nỗ lực trang trải chi phí sinh hoạt, khiến cuộc sống của bà là một vòng luẩn quẩn đáng thất vọng.

Đất canh tác của bà hiện đang nằm trong dự án cải cách ruộng đất của chính phủ khi chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu quản lý và tái phân bổ các mảng ruộng canh tác noogn nghiệp cho nông dân để cải thiện sinh kế của họ.

Một nhà chức trách đã thông báo cho bà Preecha biết đất của bà sẽ bị cắt một nửa cho một nông dân không ruộng đất nào đó. Không xa cánh đồng của bà là một trang trại trồng cọ sở hữu tư nhân rộng bát ngát. Khu vực đó thì chẳng bị động chạm đến.

Theo một nghiên cứu do Rubber Asia công bố, thị trường cao su tự nhiên năm 2017 được dự báo sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng trên thị trường dầu thô và giá hàng hóa. Tuy nhiên, cơ hội để giá cao su tăng mạnh từ những diễn biến này vẫn rất nhỏ.

Khi giá tiếp tục giảm, nông dân trồng cao su, đặc biệt là nông dân miền Nam – khu vực tập trung sản xuất cao su và một số người ủng hộ chính phủ tiền nhiệm – phản đối các nỗ lực của chính phủ để ổn định giá. Nông dân trồng cao su thường xuyên chặn con đường Phet Kasem tại Nakhon Si Thammarat, một tuyến đường chính cho vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Malaysia. Căng thẳng gia tăng tại tỉnh này từ tháng 7 vừa qua khi giá mủ latex cô đặc giảm từ khoảng 80 Baht/kg hồi tháng 1 xuống chỉ còn 40 Baht/kg trong thời gian gần đây.

Một số nông dân đã kêu gọi thi hành điều 44 theo luật, cho phép chính phủ quân sự triển khai các biện pháp mạnh dưới danh nghĩa lợi ích quốc gia, với hy vọng buộc một số cơ quan chính phủ phải mua cao su từ nông dân.

Tuy nhiên, dù chính sách này có thể khuấy động nền kinh tế cao su, đây không phải là một giải pháp dễ dàng – giá cao su không chỉ được quyết định bởi thị trường nội địa, mà còn bởi các điều kiện khác, như kinh tế toàn cầu, giá dầu, tỷ giá, diễn biến giao dịch của cao su nhân tạo và sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường cao su.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng tốc sản xuất cao su. Từ năm 2006, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư để mở rộng trồng cao su tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, theo Krungsri Research. Các thị trường này chỉ mới nổi lên trở thành các đối thủ cạnh tranh với Thái Lan trong khi vực chỉ từ 1 – 2 năm qua.

Khoảng 86% sản lượng cao su tự nhiên tại Thái Lan dành cho xuất khẩu, theo số liệu năm 2015. Hơn một nửa lượng cao su xuất khẩu này được mua bởi nước tiêu dùng cao su lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Năm công ty Thái Lan chiếm thị phần xuất khẩu lớn, còn có tên là “5 mãnh hổ” – bao gồm Thai Hua Rubber, Sri Trang Agro-Industry, Southland Rubber, Von Bundit và Thai Rubber Latex Corporation.

Với nguồn cung toàn cầu tăng và tăng trưởng kinh tế nội địa chậm lại, thâm nhập vào các thị trường quốc tế là không dễ đối với nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại Thái Lan. Do đó, chính phủ Thái Lan đang nỗ lực tìm cách tăng tiêu dùng cao su nội địa.

Dù vậy, chỉ có một cơ hội mong manh cho những nông dân như bà Preeda có thể bắt đầu cảm thấy an tâm trở lại.

Cái giá phải trả

“Người ta từ lâu đã tin rằng nông dân không đủ năng lực để duy trì sinh kế mà không có sự can thiệp giá của chính phủ”, theo phát biểu của ông Viroj Na Ranong, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI). “Các chính sách đã được đưa ra dựa trên các cơ sở rất mù mờ. Chính phủ cảm thấy cần phải đỡ đần cho nông dân”.

Can thiệp giá là biện pháp mà các đảng phái chính trị và chính phủ thường xuyên áp dụng, thường được triển khai với các nông sản như gạo, sắn cho tới cao su. Chính phủ trước đây lấy nguồn ngân sách công để mua cao su từ nông dân với giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn lượng cao su này hiện vẫn còn nằm trong kho.

Ông Viroj cho rằng biện pháp này như “ném tiền ra biển, đặc biệt là trong trường hợp dự trữ cao su không thể được tung ra thị trường do nhiều nguyên nhân, bao gồm các cuộc biểu tình của nông dân lo ngại rằng việc xả kho chính phủ sẽ làm giảm giá.

Chính phủ quân sự đương nhiệm đã yêu cầu các bộ cân nhắc làm cách nào để đưa cao su vào sử dụng trong các dự án công đang diễn ra, như xây dựng đường giao thông được cao su hóa. Tuy nhiên, những thay đổi này là không đủ để tạo nên một sự thay đổi lớn cho nông dân trồng cao su.

“Thật hoang đường khi cho rằng tăng tiêu dùng nội địa sẽ giúp đẩy giá cao su tăng”, ông Viroj nhận định. “Tuy nhiên, sản xuất cao su Thái Lan quá lớn, nên ngay cả khi tăng gấp đôi tỷ lệ tiêu dùng nội địa từ 13% lên 27% sẽ tạo nên một cái bẫy. Cho tới khi nào chúng ta vẫn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, giá cao su nội địa không thể được đẩy lên cao quá giá cao su xuất khẩu. Nhưng không chính phủ nào dám không hỗ trợ nông dân trồng cao su”.

Trong một động thái chính sách can thiệp giá, chính phủ Thái Lan đã đầu tư 32 tỷ Baht để mua 1,35 triệu tấn cao su từ nông dân từ năm 1992 – 2005. Chính sách này đã gây ra thua lỗ 15,8 tỷ Baht, mà được bao biện là “mất mát cho lợi ích của nông dân trồng cao su”.

Vào thời điểm đó, Thái Lan được dẫn dắt bởi cựu thủ tướng Chuan Leekpai của Đảng Dân chủ, vốn có vị thế vững vàng đã lâu tại các tỉnh miền Nam. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008, giá cao su lao dốc từ mức trung bình 77,8 Baht/kg mủ tờ cao su tự nhiên xuống còn 30,71 Baht/kg vào cuối năm 2008.

Cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, cũng thuộc Đảng dân chủ, đã tiêu khoảng 8 tỷ Baht để thu mua 200.000 tấn cao su tự nhiên, đưa vào kho dự trữ công. Con số này tương đương khoảng 6% sản lượng cao su Thái Lan.

Chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra một lần nữa đối mặt với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ, cùng với đợt lũ nghiêm trọng vào năm 2011, đã châm ngòi bất ổn cho giá cao su. Năm 2012 – 13, từ mức trung bình đạt hơn 100 Baht/kg, giá mủ tờ cao su đã giảm xuống còn khoảng 60 – 80 Baht/kg. Tình hình này đã khiến nông dân trồng cao su tại miền Nam tiến hành biểu tình, chặn đường Phet Kasem tại Cha-uat của tỉnh Nakhon Si Thammarat, cửa ngõ tới khu vực miền Nam của Thái Lan, nhằm gây sức ép lên chính phủ phải can thiệp vào giá. Trước áp lực này, chính phủ của bà Yingluck đã phê chuẩn kế hoạch mua cao su từ nông dân trị giá 15 tỷ Baht. Cao su sau đó lại tiếp tục được chất vào kho, chờ giá lên.

Một số nghiên cứu học thuận cho rằng các chính sách can thiệp giá không làm tăng hoặc ổn định được giá cao su do giá cao su phụ thuộc mạnh vào các yếu tố trên thị trường quốc tế. Các chính sách này càng làm trầm trọng thêm tình trạng khó kiểm soát đối với một cộng đồng người trồng cao su rất lớn, trong khi hạn ngạch thu mua cao su của chính phủ chỉ có thể sử dụng để hỗ trợ một số ít.

Theo Cơ quan Cao su Thái Lan, gần 1 tỷ Baht đã được chính phủ tung ra trong 5 năm qua để duy trì hoạt động của các kho dự trữ cao su. Trong tháng 4 vừa qua, khoảng 310.000 tấn cao su đã được tích vào kho dự trữ của chính phủ. Chính phủ của thủ tướng Chan-o-cha đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng cao su nội địa trong cả khu vực công và khu vực tư, nhưng ông cũng lên tiếng về tác động tiêu cực của các chính sách can thiệp giá.

Hội đồng Đầu tư Thái Lan đã khích lệ đầu tư vào ngành cao su tại nước này, cung cấp các động cơ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu thu mua 100.000 tấn cao su sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong các dự án chính phủ, bao gồm sản xuất lốp xe, ống, và các sản phẩm y tế. Lượng thu mua này chiếm khoảng 2,29% tổng sản lượng cao su của Thái Lan, khó lòng có thể là một con số có thể giải quyết sự bất ổn liên miên của cuộc sống của nông dân trồng cao su.

Tạo ra các kêt quả trái chiều

Mặc dù sản lượng nông sản của Thái Lan đã tăng mạnh trong những năm qua, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra, liệu điều này có mang lại tăng trưởng lành mạnh cho nông dân, ông Viroj băn khoăn.

Trên con đường trở thành nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, sản xuất của Thái Lan đã tăng từ 3 triệu tấn năm 2002 – 2003 lên 4,6 triệu tấn trong những năm gần đây. Giá cao su diễn biến thuận lợi trong những năm đầu 2010s, trung bình khoảng 106 Baht/kg mủ tờ cao su vào năm 2010, khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng cao su tại phía Đông Bắc và miền Nam. Diện tích thu hoạch mủ cao su tại Thái Lan cũng được dự báo tăng trong năm 2017. Những diện tích trồng mới sẽ cần 5 – 7 nằm để bắt đầu cho mủ. Nhưng bất chấp diễn biến sản xuất, giá tiếp tục ở mức thấp. Vứi sự bất ổn của giá cao su trong những năm gần đây, nhiều nông dân đa chuyển sang trồng cọ. Tuy nhiên, diều này lại có thể dẫn dến tình hình tài chính bất ổn và sự phụ thuộc vào chính phủ. Tình trạng trong ngành cao su cũng diễn ra tương tự đối với các sản phẩm nông sản khác tại Thái Lan, ông Viroj cho biết.

Khi chính phủ của bà Yingluck tiến hành chương trình thu mua gạo đầy tranh cãi, nông dân đổ xô đi trồng lúa và hưởng lợi từ giá thu mua của chính phủ cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Điều này dẫn đến giá thuê ruộng trồng lúa tăng gấp đôi do mọi người đều trục lợi từ mức giá mới. “Nếu chúng ta muốn có tăng trưởng lành mạnh, chính phủ phải ngừng thế chân thị trường khi muốn điều hướng sản xuất”, ông Viroj phân tích. “Chính phủ không phải lúc nào cũng có lợi khi khuyến khích nông dân trồng bất cứ loại cây nào có giá cao hơn. Thỉnh thoảng cần phải học cách kìm hãm tình hình”.

Những nỗ lực nhỏ hơn, mang tính khu vực hơn để ổn định giá cao su cũng chỉ đạt thành công rất hạn chế. Năm 2004, top 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – Thái Lan, Indonesia, và Malaysia – đã sáng lập ra Liên đoàn cao su quốc tế (International Rubber Consortium Limited - IRCo) để bình ổn giá cao su. Nhưng không giống như Tổ cức cao su tự nhiên quốc tế (ANRPC), được thành lập vài thâp kỷ trước đây, IRCo có rất ít nguồn lực. Theo ông Viroj, tổ chức này thiếu nguồn lực để kích thích sự thay đổi, như “một con hổ không răng”.

Một số nhà phân tích cho rằng những con hổ thật sự là các yếu tố chi phối thị trường toàn cầu. “Tôi nghĩ chúng ta đã vượt qua đáy của thị trường”, theo ông Vorathep Wongsasuthikul, chủ tịch Thai Rubber Latex Corp, thu mua 200.000 tấn cao su nội địa hàng năm nhận định. “Giá cao su sẽ chỉ tăng. Với dân số thế giới tăng, nhu cầu đối với cao su sẽ tăng, đặc biệt là trong ngành xe hơi. Triển vọng tương lai rất sáng sủa”.

Khu vực tư nhân chiếm thị phần cao nhất trong thị trường xuất khẩu cao su, nhưng những nông dân địa phương vẫn nuôi mộng trở thành “một con hổ” trong số này. “Chúng tôi có thể là con hổ thứ 6”, theo Tanomkeat Yingchoun, thư ký Hội đồng mạng lưới cao su và Viện Nông dân trồng cao su của Thái Lan, đại diện cho nông dân trồng cao su trên khắp Thái Lan, phát biểu. Ông cũng đang sở hữu diện tích trồng cao su 40 rai tại Trang. “Chúng tôi có thành viên từ hơn 1.000 khu vực trồng cao su, với tổng sản lượng 1,2 triệu tấn hàng năm – chiếm khoảng 30% sản lượng cao su cả nước”.

Mạng lưới này đã đề xuất thành lập một công ty thuộc Cơ quan Cao su Thái Lan – tổ chức chính của chính phủ trong quản lý và điều hành sản xuất cao su. Công ty này sẽ thu mua cao su trực tiếp từ nông dân và đóng góp cổ phần của công ty. Tuy nhiên, một ý tưởng như vậy vẫn là một giấc mơ xa xôi.

Những câu hỏi về quản lý thị trường vẫn còn lại.

Mạng lưới này cần tiếp cận vốn vay và ngân sách chính phủ để cải thiện sản xuất nội địa, tiếp cận các thị trường xuất khẩu – một chiến lược tương tự như các chính sách của chính phủ tiền nhiệm.

Trong khi đó, chính sách của chính quyền quân sự đương nhiệm để tăng sử dụng cao su nội địa vẫn chưa mang lại lợi ích. Ông Tanomkeat cho biết chính phủ hoặc các nhà đầu tư tư nhân hiện vẫn chưa tiếp cận công ty của ông, và giá có vẻ cũng không bị tác động. “Tôi tin rằng tất cả sản phẩm nông sản đều có các vấn đề riêng, do thiếu năng lực quản lý, nông dân không thể tiếp cận thị trường”, ông phát biểu. “Nông dân vẫn cần ăn để sống. Nhưng họ có rất ít cơ hội để giành được vị thế tài chính tốt hơn”.

Theo Bangkok Post
Admin

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vào năm 2030

Bài trước

EU nhất trí hoãn thực hiện luật chống phá rừng

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Chính sách