Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nhà máy sản xuất nông nghiệp tại châu Á, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi và thủy sản, đặt ra hàng loạt rủi ro môi trường và lao động, ngoài ra còn đe dọa an toàn và sức khỏe cộng đồng, theo một báo cáo mới đây do một mạng lưới các nhà đầu tư thực hiện.

Theo Báo cáo rủi ro và lợi nhuận đầu tư ngành chăn nuôi (Farm Animal Investment Risk & Return - FAIRR) có tham vấn các tổ chức sản xuất chăn nuôi quy mô lớn để chế biến thực phẩm, một nửa sản xuất nuôi trồng thủy sản châu Á đến từ các nhà máy quy mô công nghiệp. “Các ngành chăn nuôi bò sữa, thủy sản và động vật lấy thịt đang đối mặt với vấn đề quản lý tính bền vững rất yếu kém – từ phát thải tới dịch bệnh, gian dối trong an toàn thực phẩm và lạm dụng lao động”, theo ông Jeremy Coller, người sáng lập FAIRR phát biểu. “Rõ ràng các rủi ro môi trường và xã hội đang ngày càng lớn”.

Nhu cầu thịt tại châu Á được dự báo tăng 20% lên 144 triệu tấn từ nay đến năm 2025, do dân số và thu nhập cùng tăng. Trung Quốc, hiện là nước có quy mô chăn nuôi lớn nhất châu Á, đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để đạt hiệu quả kinh tế theo quy mô. Nhưng hướng đi này sẽ gây ra những tác động môi trường nghiêm trọng, bên cạnh dẫn tới mất việc làm tại nông thôn và vi phạm quyền đất đai, theo báo cáo được công bố bởi Asia Research and Engagement tại Singapore. Bò, dê và gà có mức phát thải khí nhà kính và tác động đến nguồn nước nhiều hơn các nguồn protein động vật khác. Ngoài ra, các hoạt động trồng trọt nông sản làm TACN cũng dẫn đến phá rừng.

Ví dụ, tại vùng châu thổ Irrawaddy của Myanmar, phần lớn các rừng ngập mặn đã bị xóa sổ để làm hồ nuôi tôm, trong khi tăng trưởng sản xuất đậu tương tại Nam Mỹ để phục vụ sản xuất thịt lợn và thịt gia cầm tại Trung Quốc đang phải trả giá bởi các cánh rừng nhiệt đới.

Các nhà máy nông nghiệp của châu Á cũng làm tăng rủi ro lạm dụng lao động là người nhập cư, trẻ em và lao động bị buôn bán, báo cáo cho hay. Ngành thủy sản tỷ đô của Thái Lan đang gặp nhiều áp lực và chỉ trích trong những năm gần đây sau các cuộc điều tra cho thấy tình trạng lao động nô lệ tràn lan, buôn bán và tra tấn trên các tàu cá và tại các cơ sở chế biến thủy sản trên đất liền. Tháng 7 vừa qua, Thai Union – công ty sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới – trong thỏa thuận với tổ chức hoạt động môi trường Greenpeace, cam kết sẽ thực hiện từng bước tiến đến sử dụng cá ngừ được khai thác bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả lao động.

Ngoài ra, hồi đầu năm nay, một tòa án Thái Lan đã bãi một đơn đòi bồi thường của 14 lao động nhập cư Myanmar, cáo buộc tình trạng lạm dụng lao động tại một trại chăn nuôi gà để cung ứng cho thị trường EU. “Các nhà sản xuất hàng đầu đang nỗ lực theo hướng phát triển các hệ thống sản xuất bền vững, được chứng nhận thông qua hàng loạt nhãn sinh thái”, ông Coller cho biết. “Nhưng thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị đang gây nhiều khó khăn trong đánh giá và giảm nhẹ các rủi ro này”.

Theo Reuters

 
Admin

Nông dân chăn nuôi lợn của Trung Quốc đối mặt với thua lỗ kéo dài

Bài trước

Nhu cầu thịt thúc đẩy đầu tư mạnh vào chăn nuôi

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt