Tại sao nông dân biểu tình ở Pháp và các khu vực khác ở châu Âu?
Nông dân Pháp đã chặn các đường cao tốc lớn đến Paris hôm thứ Hai khi họ theo đuổi các cuộc biểu tình phản đối một loạt vấn đề gây bất bình, bất chấp một số biện pháp được chính phủ công bố. Dưới đây là một số vấn đề đã thúc đẩy phong trào phản kháng và những gì chính phủ có thể làm tiếp theo.
Vì sao nông dân biểu tình?
Nông dân ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, cho biết họ không được trả đủ lương và bị bóp nghẹt bởi những quy định quá mức về bảo vệ môi trường. Một số mối lo ngại của họ, như cạnh tranh từ hàng nhập khẩu rẻ hơn và các quy định về môi trường, được các nhà sản xuất ở phần còn lại của EU chia sẻ trong khi các vấn đề khác như đàm phán giá thực phẩm là các vấn đề cụ thể hơn đối với Pháp.
Chi phí
Nông dân cho rằng nỗ lực của chính phủ và các nhà bán lẻ nhằm giảm lạm phát lương thực đã khiến nhiều nhà sản xuất không thể trang trải chi phí năng lượng, phân bón và vận chuyển cao. Kế hoạch của chính phủ nhằm loại bỏ dần việc giảm thuế cho nông dân sử dụng nhiên liệu diesel, như một phần của chính sách chuyển đổi năng lượng rộng hơn, cũng là một điểm nóng.
Nhập khẩu
Hàng nhập khẩu lớn từ Ukraine, mà EU đã miễn hạn ngạch và thuế kể từ khi Nga xâm lược, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận thương mại giữa EU và khối Nam Mỹ Mercosur, đã làm dấy lên sự bất mãn về cạnh tranh không lành mạnh về đường, ngũ cốc và thịt. Hàng nhập khẩu bị phản đối vì gây áp lực lên giá châu Âu trong khi không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường áp đặt cho nông dân EU.
Chính sách môi trường, tệ quan liêu
Nông dân gặp vấn đề với cả các quy định trợ cấp của EU, chẳng hạn như yêu cầu sắp tới là để lại 4% đất nông nghiệp bị bỏ hoang, và những gì họ cho là việc Pháp thực hiện chính sách của EU quá phức tạp, chẳng hạn như trong việc khôi phục hàng rào. Các chính sách xanh được coi là mâu thuẫn với mục tiêu nhằm trở nên tự cung tự cấp hơn trong sản xuất lương thực và các hàng hóa thiết yếu khác trong bối cảnh Nga xâm chiếm Ukraine. Những tranh cãi về các dự án thủy lợi và những lời chỉ trích về phúc lợi động vật và thuốc trừ sâu đã làm tăng thêm cảm giác của tầng lớp nông dân Pháp vốn đang già đi, bị xã hội coi thường.
Chính phủ đã làm gì đến nay?
Chính phủ đang chịu áp lực phải xoa dịu cuộc khủng hoảng trước cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 và triển lãm trang trại thường niên ở Paris vào cuối tháng 2. Thủ tướng Gabriel Attal hôm 26/1 tuyên bố bãi bỏ việc tăng thuế dầu diesel đối với nông dân. Ông cũng đặt ra các bước nhằm giảm bớt quan liêu và đưa ra viện trợ bổ sung cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gia súc ở miền Nam.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Những thông báo ban đầu đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều và các hiệp hội nông dân đã kêu gọi tiếp tục biểu tình. Chính phủ đang duy trì lập trường khoan dung đối với các cuộc biểu tình, bất chấp một số vụ bạo lực. Tuy nhiên, họ đã ra lệnh cho cảnh sát bảo vệ các sân bay và chợ bán buôn thực phẩm ở Paris sau khi có những lời kêu gọi nhắm mục tiêu vào những nơi này. Chính phủ đã hứa sẽ có thêm các biện pháp trong vòng vài ngày tới. Hỗ trợ thêm cho các nhà sản xuất rượu vang bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ giảm đang được nghiên cứu trong khi các biện pháp bổ sung cho chăn nuôi cũng được mong đợi.
Với hầu hết các chính sách và trợ cấp nông nghiệp được xác định ở cấp EU, chính phủ Pháp đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ các đối tác của mình, chẳng hạn như cố gắng xây dựng sự hỗ trợ cho việc từ bỏ yêu cầu đất hoang, một vấn đề mà Tổng thống Emmanuel Macron có thể thúc đẩy tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào thứ Năm. Về thương mại, một lĩnh vực khác được thực hiện ở cấp EU, Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau kêu gọi các biện pháp ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Ukraine gây bất ổn cho thị trường EU, đặc biệt là đường, thịt gia cầm và trứng. Điều đó đánh dấu sự thay đổi của Pháp, nước trước đây phản đối các động thái của các nước Đông Âu nhằm hạn chế dòng sản phẩm của Ukraina.
Nông dân đang biểu tình ở đâu khác trong châu Âu?
Giao thông xung quanh thủ đô của Bỉ cũng bị gián đoạn do những người nông dân giận dữ hôm thứ Hai và khoảng chục máy kéo đã đi qua khu vực EU của Brussels, nơi họ bấm còi inh ỏi.
Truyền thông Bỉ đưa tin, nông dân đã dừng khoảng 5 xe tải chở rau Tây Ban Nha và đổ sản phẩm gần trung tâm phân phối của nhà bán lẻ Bỉ Colruyt gần Brussels. Đức cũng phải đối mặt với căng thẳng, với các cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ quyết định loại bỏ dần việc giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp khi nước này cố gắng cân bằng ngân sách năm 2024. Đầu tháng này, Berlin gần như rơi vào tình trạng bế tắc khi một trong những đại lộ trung tâm tràn ngập xe tải và máy kéo. Nông dân và tài xế xe tải ở Romania cũng đã hành động trong tháng này với các cuộc biểu tình phản đối chi phí kinh doanh cao cản trở việc tiếp cận cửa khẩu biên giới với Ukraine.
Theo Reuters
Bình luận