Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Pakistan hưởng lợi lớn
Xuất khẩu gạo của Pakistan có thể tăng lên mức cao kỷ lục trong năm kết thúc vào tháng 6 do quyết định hạn chế xuất khẩu của đối thủ Ấn Độ buộc người mua phải mua thêm từ Pakistan, quốc gia đang chào bán gạo ở mức giá cao gần 16 năm.
Xuất khẩu kỷ lục đang giúp giảm nhẹ tình trạng căng thẳng nguồn cung sau các chính sách hạn chế xuất khẩu do Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới áp đặt vào năm ngoái, và sẽ củng cố nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt của Pakistan, vốn rất quan trọng để tài trợ cho nhập khẩu. Chela Ram Kewlani, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) nói với Reuters: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu gạo tăng mạnh trong vài tháng qua, chủ yếu là do Ấn Độ ngừng xuất khẩu”.
Ấn Độ, quốc gia chiếm tới gần 40% lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu, đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong một động thái bất ngờ vào năm ngoái và cũng áp thuế xuất khẩu đối với gạo đồ. Ông Kewlani cho biết xuất khẩu của Pakistan có thể tăng lên 5 triệu tấn trong năm tài chính 2023/24, tăng so với mức 3,7 triệu tấn của năm ngoái. Một số quan chức trong ngành thậm chí còn lạc quan hơn khi cho rằng xuất khẩu có thể đạt 5,2 triệu tấn nhờ sản lượng cải thiện đáng kể trong năm nay.
Một đại lý giao dịch có trụ sở tại New Delhi của một nhà thương mại toàn cầu cho biết Pakistan có thể sản xuất 9 đến 9,5 triệu tấn gạo vào năm 2023/24 sau khi sản lượng giảm xuống còn 5,5 triệu tấn một năm trước do lũ lụt. Đại lý này cho biết: “Sản lượng cao hơn và giá toàn cầu tăng cao đang cho phép Pakistan xuất khẩu với tốc độ nhanh chóng. Chỉ riêng trong tháng 12, Pakistan đã xuất khẩu khoảng 700.000 tấn gạo”.
Ông cho biết xuất khẩu gạo basmati có thể tăng 60% trong năm nay lên 950.000 tấn, trong khi xuất khẩu gạo non-basmati có thể tăng 36% lên 4,25 triệu tấn. Aadil Nakhoda, trợ lý giáo sư tại Viện Quản trị Kinh doanh có trụ sở tại Karachi, cho biết về mặt giá trị, xuất khẩu gạo của Pakistan có thể đạt hơn 3 tỷ USD trong năm nay, tăng so với mức 2,1 tỷ USD của năm trước. Thông thường, Ấn Độ chào bán gạo non-basmati với giá thấp hơn Pakistan. Tuy nhiên, với việc Ấn Độ rời khỏi thị trường, người mua đang chuyển sang Pakistan và giá nội địa đang dần tăng bất chấp sản lượng cao hơn, Hammad Attique, giám đốc bán hàng & tiếp thị tại Latif Rice Mills có trụ sở tại Lahore cho biết. Pakistan đang chào bán gạo trắng 5% tấm với giá khoảng 640 USD/tấn và gạo đồ khoảng 680 USD/tấn, tăng so với mức 465 USD và 486 USD tương ứng một năm trước.
Các đại lý cho biết Pakistan hiện xuất khẩu gạo non-basmati chủ yếu sang Indonesia, Senegal, Mali, Bờ Biển Ngà và Kenya và gạo basmati cao cấp sang Liên minh châu Âu, Qatar và Ả Rập Saudi. Khi Ấn Độ vắng mặt trên thị trường, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đang cố gắng lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết, Pakistan nằm gần các nước mua hàng ở Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi đang mang lại cho nước này lợi thế về vận chuyển hàng hóa. Đại lý này cho biết: “Ấn Độ có thể sẽ xem xét lại các biện pháp hạn chế xuất khẩu sau cuộc bầu cử vào tháng 5. Các nhà xuất khẩu Pakistan đã xuất khẩu khoảng 2/3 lượng hàng xuất khẩu của cả năm và họ dự kiến sẽ bán toàn bộ số lượng trước cuối tháng 5”. Ông Kewlani cho biết nông dân Pakistan đã nhận được mức giá lúa kỷ lục, điều này có thể khuyến khích họ mở rộng diện tích trồng trọt trong vụ tới. Ông nói: “Ngay cả trong mùa tới, Pakistan sẽ có thặng dư xuất khẩu lớn hơn nếu thời tiết thuận lợi”.
Theo Reuters
Bình luận