Hơn 350 đại diện từ 40 nước và vùng lãnh thổ đã tham gia Sự kiện Hạt điều vàng Vinacas tại thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận các biện pháp và sáng kiến nhằm giúp ngành điều phát triển bền vững. Được tổ chức bởi Hiệp hội Điều việt Nam và Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam, hội thảo hai ngày diễn ra từ 27/2, là một phần trong chiến dịch xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm tìm cách thúc đẩy thương mại hạt điều và mở rộng thị trường.
Ông Phạm Văn Công, chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết trong năm 2022, giá trị xuất khẩu hạt điều giảm 15,1% xuống còn 3,07 tỷ USD, chấm dứt một thập kỷ tăng trưởng liên tục. Năm 2023, hạt điều tiếp tục đối mặt với nhu cầu thấp, nên Hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu chỉ ở mức 3,1 tỷ USD, ông cho hay. Ngành điều sẽ tiếp tục với chính sách giảm lượng và cải thiện chất lượng.
Ông Michael Waring, chủ tịch Hội đồng Hạt và Trái cây sấy khô quốc tế (INC), cho biết bất chấp khả năng phục hồi của ngành, việc duy trì sản xuất ngày càng khó khăn đối với các công ty do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và chi phí cao. Ông cho hay INC đã đề ra kế hoạch đa quốc gia tập trung vào Gen Z, thế hệ người tiêu dùng hạt điều mới, và đang được triển khai tại Trung Quốc, sắp tới sẽ được tổ chức tại Ấn Độ. Có 2,47 tỷ người tiêu dùng Gen Z trên toàn cầu và họ sẽ tiếp tục là nhóm tiêu dùng lớn nhất cho tới năm 2030 và trở thành những động lực chính cho thị trường thế giới, ông cho hay. Họ là những người có ảnh hưởng lớn tới các quyết định mua sắm trong hộ gia đình, những mối quan tâm chính của thế hệ Gen Z là sức khỏe và sự lành mạnh; và các sản phẩm hạt điều phù hợp hoàn hảo với các ưu tiên trên. Các ngành hạt và hạt điều nên tăng cường tiếp cận thế hệ này, ông cho biết thêm.
Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam, cho biết sản xuất và thương mại thân thiện môi trường đang trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu, ngành hạt điều cần tiên phong đáp ứng nhu cầu mới trên thị trường, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và thâm nhập thành công các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Các doanh nghiệp và ngành hạt điều cần có chiến lược xây dựng thương hiệu để tối đa hóa giá trị ngành điều Việt Nam, tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu, ông nhấn mạnh. Vinacas đã ký một biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Hạt điều Campuchia để đồng hành phát triển ngành điều.
Uon Silot, chủ tịch Hiệp hội Hạt điều Campuchia, cho biết hơn 90% sản lượng điều thô của Campuchia được cung ứng cho các nhà chế biến tại Việt Nam. Ông cho hay các nghiên cứu khoa học cho thấy hạt điều Campuchia có chất lượng cao về cả tỷ lệ kết trái và kích thước hạt nên luôn có giá cao. Ông cho hay chính phủ Campuchia muốn nâng tỷ lệ điều thô chế biến nội địa trong những năm tới và muốn hợp tác với Việt Nam cùng các công ty nước ngoài khác – vốn có thế mạnh về công nghệ chế biến.
Adama Coulibaly, tổng giám đốc Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà, cho biết nước ông là một trong những nước cung cấp điều thô lớn nhất thế giới và muốn hợp tác với Việt Nam do Việt Nam có công nghệ tốt để phát triển ngành hạt điều, bao gồm học hỏi từ các phương pháp sáng tạo để chế biến phụ phẩm. Các phái đoàn đã được đưa tới thực địa tại các vườn điều và nhà máy chế biến tại Tây Ninh và Campuchia sau hội nghị.
Theo VNS
Bình luận