Việt Nam nỗ lực lấy lại vị thế trong ngành hạt tiêu toàn cầu
Việt Nam đang tìm cách khôi phục ngành hạt tiêu trị giá tỷ đô, vốn đang trải qua nhiều thách thức trước bối cảnh điều kiện thời tiết bất lợi và đại dịch COVID-19 vài năm qua.
Các nhà sản xuất Việt Nam có thể đối mặt với khả năng thiếu hạt tiêu thô cho chế biến và xuất khẩu trong năm 2022 do thiếu cung trên phạm vi toàn cầu, theo một dại diện Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC). Nhu cầu đang tăng mạnh trở lại trên toàn cầu do các nhà hàng và dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại. Trong khi đó, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm xuống thấp hơn nhu cầu, ngoại trừ tại Brazil – nước hiện đang giữa mùa thu hoạch – nguồn cung cạn kiệt tại các nước sản xuất lớn như Indonesia và Ấn Độ.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đang cân nhắc nhập khẩu hạt tiêu từ các nước láng giềng để đảm bảo đủ nguồn cung cho chế biến nội địa, theo chủ tịch Nguyễn Hải Nam. Năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu Campuchia vào Việt Nam tăng vọt 111% so với năm 2020, ông cho hay. Sản lượng hạt tiêu tại các tỉnh của Campuchia có biên giới với việt Nam có thể đạt 30.000 tấn hàng năm. Bất chấp thực tế là chỉ bằng 10% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam, nguồn cung này cũng giúp giảm bớt tình trạng thiếu hạt tiêu nguyên liệu trong thời gian tới. Dữ liệu từ VPA cho thấy giá hạt tiêu trên thị trường năm 2021 trung bình là 90.000 đồng/kg (3,98 USD/kg), cao gần gấp đôi so với mức 48.000 đồng/kg trong năm 2020, sau khi sản lượng suy giảm liên tục trong vài năm qua.
Ông Hoàng Phước Bình, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho rằng để phát triển bền vững ngành hạt tiêu, chính phủ và các bộ ban ngành liên quan phải cung cấp các thông tin cập nhật chính xác, kịp thời về diện tích trồng hạt tiêu tại Việt Nam và trên thế giới, cùng các thông tin khác liên quan đến chế biến, phân phối và tiêu thụ, để giúp các nhà sản xuất có chiến lược phù hợp. Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 260.000 tấn với giá trị khoảng 950 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng tới 44% về giá trị so với năm 2020.
Theo VNA
Bình luận