Bùn ngập ngang bắp chân và tay rắc đều thóc lên hai mẫu ruộng tại Sri Lanka hồi cuối tháng 10, D.M. Rupasinghe lo lắng cho vụ lúa này sau quyết định của chính phủ về cấm nhập khẩu phân bón hóa chất. Lệnh cấm phân bón hóa chất cũng như các loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, được ban hành từ chính phủ của tổng thống Gotabaya Rajapaksa hồi tháng 5 vì những lý do môi trường nhưng lại đẩy ngành lúa nước này vào cuộc khủng hoảng.
Người nông dân Rupasinghe 57 tuổi cho biết chính phủ thông báo tới nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ nhưng ông cho biết chuyển đổi rất khó khăn và đắt đỏ. Thay vào đó, nhiều nông dân chỉ giảm sản xuất thay vì đặt rủi ro vào đầu tư các nguồn lực trồng trọt trong khi họ vẫn chưa chắc về đầu ra. “Chính phủ nên đối thoại với nông dân trước khi ban hành chính sách này”, ông Rupasinghe trả lời Reuters. “Hữu cơ khó hơn, thâm dụng lao động hơn và đắt đỏ hơn. Tất cả đều rất bối rối nên chúng tôi quyết định giảm lượng xuống giống và chờ đợi”, ông cho hay. Giảm sản xuất đang diễn ra trên khắp hòn đảo này và đẩy năng suất lúa thường niên của Sri Lanka giảm khoảng 40%, theo các nhà kinh tế nông nghiệp và hiệp hội nông dân.
Thông thường khoảng 2 triệu nông dân Sri Lanka xuống giống khoảng 700.000ha đất trồng lúa từ tháng 10 năm nay tới tháng 3 năm kế tiếp. Gần 2/3 dân số 22 triệu dân của nước này phụ thuộc vào nông nghiệp – ngành chiếm 7% GDP trị giá 80 tỷ USD của nước này. Jeevika Weerahewa, một nhà kinh tế học nông nghiệp tại đại học Peradeniya của Sri Lanka, cho biết sản lượng lúa có thể giảm tới 43% nhưng không chỉ lúa chịu tác động của lệnh cấm này. “Lệnh cấm này sẽ tác động lên mọi nông sản xuất khẩu chính như cao su, dừa và chè, với sản lượng có thể giảm tới 40%”, theo bà Weerahewa. “Người nghèo sẽ chịu tác động mạnh nhất”.
Chính phủ cho biết lệnh cấm này là một phần nỗ lực thúc đẩy các thực hành nông nghiệp lành mạnh hơn và thúc đẩy tính bền vững trong ngành nông nghiệp. “Thách thức đối diện với chúng ta là để sử dụng các thực hành và kỹ thuật khoa học hiện đại nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mà không làm suy thoái môi trường”, theo ông Rajapaksa phát biểu tại COP26 trong hội thảo về khí hậu tổ chức tháng này.
“Quá nhanh”
Nông dân đã xuống đường biểu tình và đốt các tấm hình của bộ trưởng nông nghiệp, kêu gọi nối lại nhập khẩu phân bón hóa chất. Để phản ứng lại, chính phu rđặt ra hạn ngạch nhập khẩu potassium chloride và các chai phân đạm dạng lỏng – tất cả đều đưcọ dùng trong mùa trồng lúa – từ Ấn Độ từ tháng 10.
Namal Karunaratne từ Liên đoàn Nông dân toàn Ceylon – tổ chức nông dân lớn nhất đất nước và liên minh với đảng đối lập, cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc đưa ra giải pháp thay thế cho các loại phân bón hóa chất. “Nhiều nông dân quyết định không canh tác lúa do lo ngại thua lỗ”.
Bộ trưởng Nông nghiệp Udith K. Jayasinghe cho biết chính phủ nên bù đắp thua lỗ cho nông dân, bất chấp thâm hụt ngân sách đang ngày càng phồng to. “Các kế hoạch đang được vạch ra để thu mua lúa ở mức giá cao hơn, qua đó xóa bỏ tác động tiêu cực mà nông dân đang đối mặt”, ông cho hay. Trong một lá thư gửi Rajapakse hồi đầu nă, Hiệp hội Kinh tế Nông nghiệp Sri Lanka cho biết năng suất nông nghiệp trung bình giảm 20% có thể gây giảm 3.05% GDP.
Mohideen Ismail, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Kadayanthalawa tại khu vực trồng lúa chính Ampara, cho biêts nông dân không phản đối chuyển sang phân bón hữu cơ. “Nhưng họ lo ngại rằng tình hình đang diễn ra quá nhanh, không có đầu vào và nhận thức phù hợp. Chính sách này đáng nhẽ nên được triển khai qua vài vụ”.
Theo Reuters
Bình luận