Thủy sản

Triển vọng nguồn cung cá tra Việt Nam mờ mịt đến hết năm 2022 do COVID-19

0

Triển vọng nguồn cung cá tra tại Việt Nam vốn đã khó khăn, nay lại càng mờ mịt hơn trước các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của biến thể delta COVID-19, theo các nguồn tin của Undercurrent News.

Như đã báo cáo gần đây, nhiều nhà máy chế biến thủy sản buộc phải đóng cửa và những nhà máy còn duy trì hoạt động thì giảm mạnh công suất, chứng minh cho chính quyền địa phương là môi trường và công nhân làm việc đều an toàn. Việt Nam đã nằm trong trạng thái phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau ít nhất hơn 10 tuần qua, theo một nguồn tin cho hay. Xuất khẩu suy giảm trong tháng 7 là diễn biến không thể tránh khỏi, thể hiện ở biểu đồ dưới đây.

“Lượng xuất khẩu đang giảm, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Những gì chúng ta quan sát thấy là giá nhìn chung đang tăng nhẹ nhưng chỉ ở phía xuất khẩu; trong khi đó, giá cá tra cổng trại vẫn dao động trong khoảng 23.000 đồng/kg (1 USD/kg). Đó là do nhiều nhà máy đang hoạt động với công suất thấp và một số thậm chí phải tạm ngừng để xả toàn bộ kho”. Giá xuất khẩu tăng rất nhẹ nhưng do các nhà chế biến gặp khó khăn trong thu mua cá tra nguyên liệu nên diễn biến này không tác động lan sang nông dân.

Như trong biểu đồ đầu tiên, lượng xuất khẩu tăng so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2019. Tình trạng giảm xuất khẩu vốn đã diễn ra trong tháng 7/2021 và có thể trở nên tồi tệ hơn trong tháng 8 với giá xuất khẩu đi ngang, “tình hình hiện nay sẽ tác động nghiêm trọng tới kết quả xuất khẩu. Câu hỏi lại khi nào tình hình có thể được kiểm soát và khi nào các nhà máy có thể quay trở lại công suất bình thường? cho tới nay tại Việt Nam, chúng tôi vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối con đường. Giống như châu Âu, có những nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin nhưng các tác động sẽ khó lòng lộ rõ trong 2 tuần”.

Như Undercurrent News đưa tin gần đây, nhiều trung tâm sản xuất quan trọng của Việt Nam quanh ĐBSCL đã kéo dài phong tỏa – một động thái có thể làm kéo dài suy giảm về sản lượng. Nhiều nông dân đang hạn chế cho ăn, nỗ lực giữ giá cổng trại. Tất nhiên, các nhà chế biến đều gặp khó trong thu mua cá tra nguyên liệu từ nông dân nên nông dân chỉ còn lựa chọn duy nhất là cố gắng duy trì cá trong ao.

Phần lớn nông dân đã nuôi cá tới kích cỡ thương phẩm – khoảng 800 gr – 1kg/con – nên vào thời điểm chuỗi cung ứng có thể hoạt động trở lại, một phần lớn cá sẽ được thu hoạch với kích cỡ trên 1kg: “vẫn có thị trường cho cỡ cá này nhưng quy mô nhỏ hơn và giá trị thấp hơn”. “Vẫn còn nhiều kịch bản khó lường trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới, nhưng chắc chắn sẽ rất nhiều người gặp vấn đề với cỡ cá và có thể dư cung cỡ cá lớn sẽ xảy ra. Kịch bản tồi tệ nhất là thiếu hụt phile cá tra cỡ nhỏ”.

Phân tích này cũng nhấn mạnh rằng một bộ phận nông dân sẽ không thả nuôi, “hoặc ít nhất đang bắt đầu có những tính toán về việc giảm sản xuất bởi họ không có tiền lẫn niềm tin vào thị trường”. Đây là kịch bản khá hiếm trong ngành cá tra bởi chu kỳ nuôi ngắn hơn tôm rất nhiều và việc quyết định bỏ một số ao không phải là vấn đề quá lớn. Nguồn tin này không dự báo giá sẽ giảm mạnh bởi nhu cầu thị trường có vẻ ổn định. “Nhu cầu không phải còn là vấn đề lớn như năm 2020 khi Việt Nam phải gõ cửa từng người mua; tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở lại cân bằng sớm”.

Văn phòng tại Việt Nam của Siam Canadian có những nhận định tương tự, xác nhận nhiều nhà máy đã buộc phải đóng cửa, trong khi những nhà máy mở cửa hoạt động thì thiệt hại nặng nề do lực lượng lao động lẫn năng suất đều giảm sút. “Chính phủ đang hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát vào khoảng 15/9 – hãy chờ xem”, theo người phát ngôn của Siam Canadian. “Dưới điều kiện phong tỏa như hiện nay, các nhà đóng gói thủy sản Viẹt Nam vừa không thể ký đơn hàng mới vừa không thể chào bán giá cao bởi có quá nhiều bất ổn, như chi phí duy trì vận hành tại chỗ quá cao, cước vận tải biển ở mức kỷ lục, nguồn cung nguyên liệu quá cỡ,…” Khi thời gian phong tỏa kết thúc thì bà cho rằng sẽ còn nhiều thách thức mới, chủ yếu là thiếu nguồn cung nguyên liệu thô ở cỡ tối ưu. “Sẽ xảy ra thiếu nguồn cung nguyên liệu thô hoặc thiếu nguồn cung cá cỡ nhỏ đến trung bình. Để ngăn cá lớn quá cỡ và tránh lãng phí thức ăn, nông dân đang cố gắng bán đại hạ giá cá nguyên liệu. Chúng tôi ghi nhận một số chào bán cá cỡ nhỏ đến trung bình chỉ cao hơn 0,15 USD so với cá quá cỡ, là mức chênh giá nhỏ hơn thông thường”.

Trong các điều kiện phong tỏa hiện nay, một số ao nuôi sẽ chỉ có thể quay trở lại sản xuất vào tháng 10, nghĩa là nguồn cung nguyên liệu thô từ tháng 10/2021 – 2/2022 “sẽ rất khó dự báo” bởi cá cần 6 – 8 tháng để đạt kích cỡ cho phile ở mức 170 – 220gr/con. “Cước vận tải biển và tình trạng đặt chỗ container khiến hoạt động sản xuất càng khó lên kế hoạch hơn”, bà cho biết thêm.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – CEO của công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Vĩnh Hoàn – xác nhận với Undercurrent News rằng tình trạng của các nhà chế biến tại Việt Nam hiện cực kỳ khó khăn, “sản xuất giảm rất mạnh do COVID-19” và nhiều khó khăn trong vấn đề giao hàng. Công ty bà đang vận hành với chỉ khoảng 50% công suất thông thường, bà cho hay. “Chúng ôti nghĩ có thể cần tối thiểu 1 tháng nữa để các nhà máy có thể mở cửa trở lại và một số khác có thể cải thiện công suất tiệm cận công suất thông thường, với điều kiện là công nhân của chúng tôi được nhanh chóng tiêm vắc xin”, bà cho biết. “Với quá nhiều bất ổn như vậy cùng với các lệnh hạn chế di chuyển ngặt nghèo, nông dân không thể thả nuôi vụ mới trong nhiều tuần qua”, bà cho biết. “Nếu các nhà máy chế biến có thể dần mở cửa trở lại trong tháng 9, chúng tôi nghĩ rằng có thể giúp điều hướng tình hình hỗn loạn trong nguồn cung hiện nay. Lo ngại của chúng tôi là có thể xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung trong 8 tháng tới khi vụ thu hoạch mới đáng lẽ sẽ diễn ra”.

Ai trả cho cước vận chuyển?

“Những khách hàng Trung Quốc ưa chuộng phương thức vận chuyển CFR – chi phí hàng và cước vận chuyển – nghĩa là các nhà chế biến phải trả cước vận chuyển và bao gồm vào giá chào bán. Trong khi đó, các khách hàng Âu Mỹ phần nhiều – không phải tất cả - ưa thích mua theo phương thức FOB, nghĩa là sẽ có một đại lý lo sắp xếp vận chuyển và giá chào bán không bao gồm cước vận chuyển”, theo nhà phân tích của Undercurrent News tại Việt Nam.

Các nhà nhập khẩu dự báo giá xuất khẩu tăng

Don Kelly, quản lý mua hàng cho công ty nhập khẩu thủy sản tại Mỹ Western Edge Seafood, cho biết ông dự báo giá nhập khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng khi nguồn cung sẵn có trở lại. “Trong 3 nhà máy mà tôi đã trao đổi thông tin, 2 nhà máy đã đóng cửa và 1 nhà máy hoạt động với công suât giảm”, ông cho hay. “Không bên nào chào bán trong thời điểm hiện tại và tôi dự báo giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng trở lại bởi tất cả đều đang giảm sản lượng ở một mức độ nào đó”.

Trong tháng 6, giá nhập khẩu cá tra tại Mỹ là 1,95 USD/lb và như biểu đồ trên cho thấy, giá đang có xu hướng tăng. Ông Kelly cho hay tồn kho tại Mỹ hiện ở mức thấp nhưng phản bác khả năng giá trên thị trường Mỹ đang có xu hướng tăng.

Tại EU, một nguồn tin cho biết giá cá tra vẫn ở mức ổn và hơi cao một chút, dao động khoảng 2,2 USD/kg. “Chúng tôi hy vọng các nhà máy sẽ sớm mở cửa trở lại. May mắn là chúng tôi chưa bao giờ ngừng mua nên vẫn còn dự trữ và hàng đang trên đường vận chuyển nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có một số hệ quả của đợt phong tỏa này trong những tháng sắp tới”. Ông cũng nhấn mạnh rằng chi phí vận chuyển bất ổn khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. “Chúng tôi phải trả từ 8.000 – 11.000 USD/container”, ông cho hay.

Theo Undercurrent News

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thủy sản