Các thương hiệu cà phê nội địa đa dạng hóa hoạt động để thúc đẩy xuất khẩu
Các nhà sản xuất cà phê Việt Nam tiếp tục nỗ lực ghi dấu ấn trên thị trường cà phê chế biến thế giới và nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện bắt đầu chú ý hơn tới thương hiệu, trong khi các doanh nghiệp lớn hơn tìm các giải pháp mới để tăng lượng xuất khẩu.
CTCP Intimex, nhà cung cấp cà phê Robusta lớn nhất của Việt Nam, đã có một cú chuyển hướng bất ngờ khi quyết định tập trung vào sản xuất cà phê hòa tan với một nhà máy riêng ở tỉnh Bình Dương. Sự thay đổi của Indimex đã kích hoạt một cuộc đua mới trong ngành cà phê Việt Nam. Thay vì tập trung vào xuất khẩu cà phê nhân, các doanh nghiệp nội địa bắt đầu tìm cách tăng lợi nhuận thông qua chế biến cà phê và xây dựng thương hiệu.
Trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu cà phê chế biến tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, như EU, cũng đang tăng, mang đến cơ hội cho ngành cà phê mở rộng dấu ấn trên thị trường quốc tế với nguồn cung cà phê Robusta dồi dào. Loại cà phê này là nguyên liệu chính cho cà phê hòa tan, cùng với cà phê Arabica, được trồng phổ biến trong các vườn cà phê của Việt Nam.
Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với sản lượng lên tới 1,7 triệu tấn trong năm 2020, cà phê nhân xanh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành cà phê Việt Nam trong nhiều năm. Các chuyên gia cho rằng để cải thiện chất lượng dọc chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cà phê cần đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để sản xuất cà phê chất lượng cao, giá trị thương mại cao, thay vì xuất khẩu các sản phẩm thô.
Trong tháng 5/2021, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, cho biết hiệp hội đang kêu gọi csc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ rang và hòa tan. Trong thập kỷ tới, đầu tư vào những công nghệ này sẽ giúp tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến lên 20%. Cà phê chế biến đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, từ 14,4% trong quý 1/2020 lên 17,13% trong quý 1/2021, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Cuộc đua thống trị thị phần
Cũng giống như cuộc đua khốc liệt giữa các thương hiệu cà phê và đồ uống trong mở rộng số lượng cửa hàng, ngành cà phê Việt Nam đang chứng kiến các thương hiệu bước vào cuộc đua mở rộng sản xuất cà phê hòa tan. Sự tham gia mạnh mẽ nhất vào cuộc đua này đến từ các tên tuổi lớn như Vinacafé, Trung Nguyen Legend, Nestlé, và những tên tuổi mới bước vào cuộc đua là NutiFood và Intimex.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam, Vinacafé hiện nắm giữ 40% thị phần thị trường nội địa và cũng là nhà tiên phong mang các sản phẩm cà phê hòa tan Việt Nam ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm mang thương hiệu này đã hiẹn diện tại Trung Quốc, Mỹ, Canada và nhiều thị trường khác. Năm 2020, lượng xuất khẩu cà phê hòa tan của Vinacafé đạt hơn 2.200 tấn, với giá trị hơn 8 triệu USD. Mặc dù đại dịch tác động mạnh lên xuất khẩu cà phê, đại diện của Masan Consumer, chủ sở hữu Vinacafé, cho biết họ sẽ mở rộng hiện diện thương hiệu tới các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời duy trì các thị trường chính hiện nay.
Bất chấp gia nhập cuộc đua cà phê hòa tan muộn hơn, Trung Nguyen Legend với thương hiệu cà phê G7 đang hiện diện tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Tại một số thị trường, như Hàn Quốc, G7 nằm trong top 5 thương hiệu cà phê được ưa chuộng và mua trực tuyến nhiều nhất trong năm 2020. Đây cũng là thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng nhất châu Á, với thị phần lớn thứ 2 trên thị trường cà phê mua bán trực tuyến tại Trung Quốc.
Một tên tuổi lớn khác không đến từ Việt Nam nhưng có những đóng góp quan trọng trong việc đưa cà phê Việt Nam ra thế giới là Nestlé. Là tập đoàn cung cấp gần 1/3 thị trường cà phê hòa tan châu Á Thái Bình Dương, mỗi năm Nestlé thu mua 20 – 25% sản lượng cà phê Việt Nam để chế biến sâu và xuất khẩu dưới thương hiệu Nescafé. Giám đốc điều hành Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết tất cả các sản phẩm Nescafé hoàn toàn được làm từ hạt Robusta Việt Nam và được xuất khẩu tới 25 thị trường trên toàn thế giới.
Thị trường xuất khẩu cà phê hòa tan cũng thu hút nhiều tên tuổi còn xa lạ với lĩnh vực này, như Nutifood, Vinamilk và nhà xuất khẩu cà phê nhân xanh hàng đầu Việt Nam Intimex. Năm 2019, Nutifood đã có những bước đi đầu tiên trên hành trình đưa cà phê hòa tan tới thế giới thông qua hợp tác với tay golf huyền thoại Greg Norman để mở chuỗi cà phê mang tên Greg Norman NutiCafe tại Mỹ và một số nước châu Á.
Thị trường ngách của những nhà sản xuất nhỏ hơn
Trái ngược với cơn sốt của ngành chế biến cà phê hòa tan, thị trường xuất khẩu cà phê rang là sân chơi ưa thích của các nhà sản xuất quy mô nhỏ hơn để chiếm lĩnh thị trường ngách này với một loạt các sản phẩm cà phê đặc sản, như Phúc Sinh, The Coffee House, The Married Beans, và Shin Coffee.
Dẫn đầu cuộc chơi là Phúc Sinh – doanh nghiệp có thâm niên 20 năm trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê chế biến sâu và chiếm tới 70 – 80% thị phần xuất khẩu cà phê chế biến. Theo ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc tập đoàn Phúc Sinh, doanh thu hàng năm trung bình của công ty từ xuất khẩu cà phê rang là khoảng 360 triệu USD.
Các nhà sản xuất nhỏ hơn như The Married Beans và The Coffee House cũng muốn tìm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cà phê rang xay thông qua tập trung vào khai thác các thị trường ngách. Hơn nữa, các chuỗi này đang nỗ lực tăng uy tín và mức độ phổ biến thông qua phát triển các chuỗi bán lẻ trên thị trường nội địa, qua đó âm thầm gia tăng sức mạnh thương hiệu thông qua hỗ trợ nông dân cà phê trong phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao, đặc sản cho thị trường quốc tế.
Ông Hồ Duy, CEO của The Married Beans, cho biết mặc dù phục vụ một thị trường ngách với thị phần chỉ khoảng 2 – 3%, các sản phẩm cà phê Arabica từ Đà Lạt của công ty được các khách hàng khó tính đánh giá là có hương vị độc đáo. Hàng năm, công ty xuất khẩu khoảng 150 – 200 tấn cà phê sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Mỹ với doanh thu khoảng 1,6 triệu USD. Mặc dù các sản phẩm cà phê rang xay của công ty chỉ chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu nhưng mang về khoảng 1 triệu USD doanh thu. “Ngay khi đại dịch được kiểm soát, The Married Beans sẽ chủ động tham gia các triển lãm và hội chợ cà phê quốc tế để tìm kiếm thêm các cơ hội xuất khẩu, bao gồm hợp tác về chế biến và quán cà phê với các thương hiệu khác, giới thiệu các sản phẩm cà phê rang từ The Married Beans tới thương mại điện tử tại Trung Đông”.
Theo VIR
Bình luận