Cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez có thể sẽ sớm tác động lên sản xuất cà phê hòa tan. Con tàu container siêu lớn gây tắc nghẽn tại một trong những điểm thắt nút cổ chai quan trọng nhất của vận tải biển không chỉ tác động tới vận tải dầu thô và khí hóa lỏng mà còn cả các container cà phê Robusta – loại cà phê sử dụng trong Nescafe. Châu Âu đang bị tác động nghiêm trọng nhất bởi luồng hàng nhập khẩu của khối này đi qua Suez, nhưng tác động sẽ được cảm nhận trên phạm vi toàn cầu do sự cố ngày càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu container đang gây đảo lộn các thị trường thực phẩm.
Siêu tàu container Ever Given đã gây tắc nghẽn hoàn toàn tuyến giao thương chính vào cuối tháng 3, chặn lối đi của tuyến đường vận chuyển gần 10 tỷ đô la hàng hóa qua tuyến đường thủy Ai Cập này. Việc giải phóng con tàu 200.000 tấn mất nhiều ngày và tình trạng tắc nghẽn quanh kênh đào tăng vọt. “Đối với các nhà giao dịch, họ đang hối hả cung ứng hàng cho các khách hàng tại châu Âu”, theo Jan Luhmann, nhà sáng lập JL Coffee Consulting và nguyên giám đốc thu mua cà phê tại Jacobs Douwe Egberts BV, một trong những nhà rang xay cà phê lớn nhất thế giới.
Khoảng 12% thương mại thế giới đi qua kênh đào Suez và tuyến đường thủy này nổi tiếng nhất với vai trò trên các thị trường năng lượng hơn là các hàng hóa nông sản như cà phê. Dù vậy, chỉ hai nhà sản xuất cà phê Robusta lớn – Brazil và Bờ Biển Ngà – không sử dụng tuyến vận chuyển lớn này để tiếp cận những khách hàng lớn tại châu Âu.
Lo ngại về gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá cà phê Robusta tương lai giao dịch trên thị trường Luân Đôn tăng tới 2,8% từ mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Chênh giá giữa cà phê giao tháng 5 và giao tháng 7 tăng tới hơn 30% trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Volcafe – đơn vị kinh doanh cà phê của ED&F Man, cho biết sự cố Suez “càng làm rủi ro trên thị trường vận tải container thêm nghiêm trọng”.
Các nhà rang xay tại châu Âu vốn đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận các luồng cung cấp từ Việt Nam – nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới – do thiếu container. Ngay khi nguồn cung container bắt đầu cải thiện thì sự cố kênh đào Suez mang đến một thách thức mới. Toàn bộ nguồn cà phê nhập khẩu vào châu Âu từ Đông Phi và châu Á đều lưu thông qua kênh đào Suez. “Liệu các nhà rang xay có hỗ trợ chi phí chậm giao hàng tới 2 – 3 tuần hay không? Có thể không”, theo Raphaelle Hemmerlin, giám đốc logistics tại nhà giao dịch cà phê Thụy Sĩ Sucafina SA. “Chúng tôi không nghĩ rằng họ có nguồn dự trữ dồi dào như thông thường”.
Hơn nữa, sự cố gián đoạn này sẽ có tác động toàn cầu bởi giữ một lượng container lớn, càng khiến tình trạng thiếu hụt thêm nghiêm trọng khi tồn kho cà phê tại Mỹ đã chạm mốc thấp nhất trong 6 năm. Các lô hàng sẽ không chỉ bị kẹt tại kênh đào mà ngay cả khi đã thông thương trở lại, các lô hàng sẽ tiếp tục bị kẹt tại các cảng như Antwerp và Rotterdam, theo Hans Hendriksen, người có kinh nghiệm giao dịch cà phê và cacao hơn 40 năm qua. “Logistics sẽ bị gián đoạn dài hơn thời gian sự cố được giải quyết”. Ông Hans Hendriksen, hiện cũng cố vấn cho các nhà xuất khẩu và các nhà giao dịch quy mô nhỏ và vừa.
Không giống các nhà rang xay tại Mỹ, các nhà sản xuất cà phê tại châu Âu không thể dễ dàng thay thế cà phê Robusta Việt Nam bằng nguồn cà phê Brazil. Do đó, một số nhà rang xay châu Âu gần đây đã chuyển sang Đông Phi để giải quyết khoảng trống do thiếu nguồn cà phê Việt Nam, tăng mua từ Uganda hoặc các loại hạt Arabica vị nhẹ hơn từ khu vực này.
Nhưng các nguồn cà phê này cũng lưu thông qua kênh đào Suez. Các nhà giao dịch có sẵn dự trữ cà phê tại các kho ở châu Âu đang chào mức chênh giá rất cao trên thị trường giao ngay. Ở đỉnh điểm của tình trạng thiếu container, các nhà giao dịch đòi mức chênh 450 USD/tấn so với giá cà phê Việt Nam đối với các nguồn cung có sẵn tại châu Âu – mức cao gấp 3 lần so với thông thường. “Tồn kho tại châu Âu rất thấp và tôi dự báo thị trường giao ngay sẽ nóng lên”, theo ông Luhman của JL Coffee Consulting cho hay. “Tồn kho tại việt Nam cao nhưng có giá trị gì nếu không thể tới được châu Âu?”.
Cho tới nay, Brazil hưởng lợi từ sự chênh giá gây ra bởi thiếu container gây khó cho nguồn cung cà phê Việt Nam vào cuối năm 2020. Nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới này đã xuất khẩu mức cao kỷ lục 4,9 triệu bao trong năm 2020, tăng 24% so với năm 2019, theo Cecafe. Dù vậy, phần lớn nguồn cung cà phê này tập trung vào các kho được chứng nhận trên các sàn giao dịch thay vì đến tay các nhà rang xay. Đó là vì thay thế cà phê Việt Nam bằng cà phê Brazil sẽ làm thay đổi hương vị của sản phẩm cuối cùng. Cà phê Đông Phi được coi là lựa chọn thay thế tốt hơn. “Liệu các nhà rang xay có thay đổi công thức”, ông Hemmerlin của Sucafina nhận định. “Điều này không dễ như vậy. Đối với tôi, tình hình hiện nay chỉ làm chồng chất thêm các vấn đề cho toàn bộ chuỗi giá trị”.
Theo Bloomberg
Bình luận