Cơ hội đột phá xuất khẩu gạo trong năm 2021
Hy vọng đang ngày càng dâng cao đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 khi các thị trường xuất khẩu lớn như Philippines và châu Phi tiếp tục ký hợp đồng mua gạo từ Việt Nam, trong khi nhiều thị trường khác có nhu cầu lớn đối với gạo thơm và gạo nếp – những mặt hàng lợi thế hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam. Các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như EVFTA và UKVFTA với các ưu đãi thuế sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho gạo Việt Nam cạnh tranh với các nước đối thủ xuất khẩu khác, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh trong năm 2021 sẽ tăng mạnh so với năm 2020, đồng thời cho biết thêm các doanh nghiệp Anh sẽ mua gạo Việt Nam theo UKVFTA, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam tăng thị phần trên thị trường Anh trong năm 2021. Năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh đã ghi nhận mức tăng vọt 376%, nghĩa là thị trường Anh có tiềm năng lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Để tận dụng những lợi thế nhờ FTAs, các công ty xuất khẩu gạo lớn như CTCP Intimex, tập đoàn Lộc Trời, VRICE Co, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng mới trên thị trường mà Việt Nam đã ký FTAs, đặc biệt là trên thị trường Anh.
Bộ Công thương cho hay sẽ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về nhu cầu thị trường kịp thời, đồng thời triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp cận khách hàng tốt hơn. Thông tin chi tiết về các quy định và rào cản theo các cam kết của FTAs sẽ được Bộ cung cấp để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn và đề ra các kế hoạch kinh doanh phù hợp. Là một phần trong những nỗ lực thuận lợi hóa kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, VFA đã tổ chức các kênh bán hàng trực tuyến và tham gia vào các hội thảo thương mại trực tuyến để phát triển ngành gạo. VFA đề xuất các nhà xuất khẩu gạo tập trung và các sản phẩm chất lượng cao, có kết quả xuất khẩu tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Canada. Các chuyên gia cho biết nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu gạo trong năm 2021 thì sẽ cần tập trung vào xây dựng một chuỗi giá trị gạo hoàn chỉnh và kiểm soát chất lượng trong sản xuất, chế biến và phân phối.
Theo Bộ NNPTNT, sản lượng lúa của Việt Nam đạt khoảng 42,8 triệu tấn, giảm 0,2% so với năm 2019 do diện tích trồng lúa giảm khoảng 192.000ha. Tuy nhiên, năng suất tăng 50kg/ha trong cùng kỳ so sánh. Diện tích trồng lúa chất lượng cao tăng lên chiếm 74%, so với tỷ lệ 50% trong năm 2015, kết quả của các nỗ lực từ chính Việt Nam trong cải thiện giá trị gạo Việt Nam. Nhờ đó, xuất khẩu gạo chất lượng cao hiện chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, dẫn tới tăng trưởng giá xuất khẩu gạo trung bình từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn trong năm 2020.
Trong năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 34% cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines năm 2020 đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 4% về lượng và 19,3% về giá trị so với năm 2019. Các thị trường khác có tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm 2020 là Indonesia (tăng gần 3 lần so với năm 2019) và Trung Quốc, tăng 93% trong cùng kỳ so sánh.
Phó chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam mô tả năm 2020 là năm thành công của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhờ tăng nhu cầu tại nhiều nước và khả năng cạnh tranh tăng lên của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Giữa những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh phù hợp và chủ ođọng tìm kiếm các thị trường mới để tận dụng các lợi thế mà các FTAs mang lại. EVFTA đã tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường châu Âu và đặt ra nền móng cho gạo Việt Nam đi tới các thị trường khó tính khác, ông Nam cho hay.
Theo VNS
Bình luận