0

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 107,5 điểm trong tháng 12/2020, tăng 2,3 điểm (2,2%) so với tháng 11, đánh dấu tháng thứ 7 tăng điểm liên tiếp. Ngoại trừ đường, tất cả các chỉ số phụ trong FFPI đều tăng nhẹ trong tháng 12, với chỉ số giá dầu thực vật một lần nữa tăng mạnh nhất, theo sau là chỉ số giá sữa, chỉ số giá thịt và chỉ số giá ngũ cốc. Trong cả năm 2020, FFPI trung bình đạt mức cao nhất trong 3 năm, ở mức 97,9 điểm, tăng 2,9 điểm (3,1%) so với năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 131,9 điểm trong năm 2011.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 115,7 điểm trong tháng 12, tăng 1,3 điểm (1,1%) so với tháng 11, đánh dấu tháng tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Giá lúa mỳ xuất khẩu tiếp tục tăng trong tháng 12, phản ánh tình hình nguồn cung thấp tại các nước xuất khẩu lớn, những lo ngại liên quan đến tình hình sản xuất tại một số khu vực của Mỹ và Liên bang Nga cũng như những dự báo về xuất khẩu lúa mỳ thấp hơn kỳ vọng từ Liên bang Nga sau những thông báo của nước này về hạn ngạch xuất khẩu và thuế. Trong số các loại ngũ cốc thô, giá hạt kê tăng mạnh trong tháng 12 do hoạt động bán hàng từ Mỹ, chủ yếu sang Trung Quốc, vẫn diễn ra mạnh mẽ. Giá ngô xuất khẩu tiếp tục tăng, chủ yếu do nỗi lo ngày càng lớn về triển vọng sản xuất tại Nam Mỹ, với một hiệu ứng lan truyền từ giá đậu tương tăng. Giá gạo quốc tế tăng trong tháng 12/2020, chủ yếu do nguồn cung giảm tại Thái Lan và Việt Nam làm tăng nhu cầu đối với các nguồn cung từ Ấn Độ và Pakistan. Trong cả năm 2020, chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 102,7 điểm, tăng 6,4 điểm (6,6%) so với trung bình năm 2019 và đánh dấu mức trung bình năm cao nhất từ năm 2014. Nguồn cung giảm và nhu cầu tăng làm tăng giá lúa mỳ và ngô lần lượt là 5,6% và 7,6% so với năm 2019. Trong trường hợp của gạo, mặc dù nhu cầu nhập khẩu quốc tế trong năm 2020 khá bình lặng nhưng giá xuất khẩu vẫn tăng 8,6% so với năm 2019 và thấp hơn mức cao nhất trong vòng 6 năm. Tăng giá gạo chủ yếu xuất phát từ những vấn đề sản xuất tại một số nước xuất khẩu, càng bị thổi phồng do việc áp đặt các chính sách hạn chế xuất khẩu tạm thời từ một số nhà cung ứng trong quý 2/2020, cũng như những nút thắt cổ chai về logistics.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 127,6 điểm trong tháng 12, tăng 5,7 điểm (4,7%) so với tháng 11 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Giá dầu thực vật liên tục tưng chủ yếu do giá dầu cọ tăng, trong khi giá dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu hạt hướng dương cũng tăng. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế tăng 7 tháng liên tục, phản ánh vấn đề nguồn cung yếu dai dẳng tại các nước sản xuất lớn. Ngoài ra, luồng xuất khẩu bị tác động bởi thuế xuất khẩu tăng mạnh tại Indonesia – nước xuất khẩu dầu cọ dẫn đầu thế giới. Đối với dầu đậu tương, giá dầu đậu tương quốc tế đạt mức cao nhất trong 7 năm, chủ yếu do nguồn cung khả dụng xuất khẩu tại Argentina giảm – đất nước này hứng chịu những đợt đình công kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động nghiền đậu tương và các vấn đề logistics cảng. Trong khi đó, giá dầu hạt cải và dầu hạt hướng dương tăng do chịu tác động của thị trường dầu cọ, đồng thời cũng do nhu cầu nhập khẩu tăng. Trong cả năm 2020, chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 99,1 điểm, tăng 15,9 điểm (19,1%) so với năm 2019 và đánh dấu mức cao nhất trong 3 năm.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 108,8 điểm trong tháng 12, tăng 3,4 điểm (3,2%) so với tháng 11 và đồng thời là tháng thứ 7 tăng điểm liên tiếp. Giá trên thị trường quốc tế của tất cả các sản phẩm sữa đóng góp vào chỉ số chung trong tháng 12 đồng loạt tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu cao, phần lớn xuất phát từ nỗi lo liên quan đến thời tiết khô nóng hơn tác động tiêu cực tới sản xuất sữa tại châu Đại Dương. Nhu cầu nội địa cao và sản xuất một số sản phẩm sữa bị suy yếu tại Tây Âu cũng là một yếu tố đẩy giá sữa tăng. Tuy nhiên, trong cả năm 2020, chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 101,8 điểm, giảm 1 điểm (1%) so với năm 2019. Trong số các sản phẩm sữa khác nhau, giá bơ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, theo sau là giá sữa bột nguyên kem; trong khi giá sữa bột gầy và phô mai tăng.

Chỉ số giá thịt* FAO đạt trung bình 94,3 điểm trong tháng 12, tăng 1,6 điểm (1,7%) so với tháng 11 nhưng thấp hơn 12,3 điểm (11,6%) so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 12 là táng tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này. Giá thịt gia cầm bật tăng trong tháng 12, là kết quả tổng hợp của nhu cầu nhập khẩu tăng, đặc biệt từ Trung Đông, tiêu thụ nội địa mạnh lên tại các nước sản xuất chính và tác động tiêu cực của các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại châu Âu. Giá thịt bò và thịt cừu cũng tăng, chủ yếu do nguồn cung từ châu Đại dương giảm khi nhu cầu tái đàn chăn nuôi cao. Ngược lại, giá thịt lợn giảm nhẹ do xuất khẩu sang các thị trường châu Á từ các nước sản xuất dẫn đầu tại châu Âu, đặc biệt là Đức, vẫn bị tạm ngừng do các đợt bùng phát dịch tả lợn. Trong cả năm 2020, chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 95,5 điểm, giảm 4,5 điểm (4,5%) so với năm 2019. Trong tất cả các nhóm sản phẩm thịt, giá thịt gia cầm ghi nhận giảm mạnh nhất, theo sau là giá thịt cừu, thịt lợn và thịt bò.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 87 điểm trong tháng 12, tăng nhẹ 0,5 điểm so với mức tăng mạnh trong tháng 11. Giá đường tăng nhạ do dữ liệu thương mại mới nhất cho thấy thực tế nhập khẩu đường của Trung Quốc – nước nhập khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, tăng tới 37% trong 11 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Indonesia cũng báo cáo tăng nhu cầu đối với đường tinh luyện trong ngành thực phẩm và đồ uống. Mặt khác, triển vọng sản xuất tại Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhât thế giới – cải thiện và Ấn Độ - nước có sản lượng đường dự báo tăng 17% trong niên vụ 2020/21, kéo lại các xu hướng tăng giá đường trên thị trường quốc tế. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã phê duyệt chính sách trợ cấp xuất khẩu cho niên vụ 2020/21 nên càng gây áp lực giảm giá đường. Trong cả năm 2020, chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 79,5 điểm, tăng 0,9 điểm (1,1%) so với năm 2019, phản ánh thị trường đường toàn cầu khá cân đối về mặt cung cầu.

*Từ tháng 7/2020, phạm vi bao phủ của FFPI tăng lên và giai đoạn cơ sở điều chỉnh sang năm 2014 – 2016.

**Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc