Nhờ nhu cầu ngày càng tăng tại EU, ngành cà phê Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần trên thị trường này.
Ông Trần Văn Thịnh, chủ một quán cà phê tại Berlin, kỳ vọng ông có thể sớm mua các sản phẩm cà phê đặc sản từ Việt Nam. “Người dân địa phương thích cà phê Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn nhập đầu vào từ các nhà rang xay Đức và Ý do giá cả của họ hợp lý hơn”, ông Thịnh cho hay. Ông Thịnh đã quan sát thấy các thương hiệu Việt Nam đang ngày càng phổ biến hơn tại châu Âu trong những năm gần đây. Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil, nhưng phần lớn cà phê Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu là cà phê nhân xanh, chiếm 95% tổng lượng xuất khẩu.
Bất chấp tác động của đại dịch, EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 60%, trong đó có đến 10 – 13% tiêu thụ tại Đức, theo ông Nguyễn Viết Binh, tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa). Trong nửa đầu năm 2020, Đức và Ý tiếp tục là các thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất tại châu Âu, theo Cục Chế biến Nông sản và Phát triển Thị trường (DAPP) thuộc Bộ NNPTNT. Năm 2019, các nước EU khác cũng tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam, bao gồm mức tăng 53,7% từ Ba Lan lên 23,5 triệu USD, và tăng 20,1% từ Bỉ lên 74,8 triệu USD.
Thị trường EU trong tầm tay
Với việc triển khai chính thức Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%.
Việt Nam cho hay 38 chỉ dẫn địa lý (GI) được sử dụng để xác định xuất xứ hàng hóa thông qua EVFTA, bao gồm cà phê Buôn Ma Thuột, mang đến cho ngành cà phê Việt Nam lợi thế cạnh tranh đối với các nhà rang xay và người tiêu dùng tại châu Âu. Đồng thời, các sản phẩm cà phê Việt Nam có GI sẽ không bị vướng các rào cản hay bị hòa lẫn vào các thương hiệu khác trên thị trường EU. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới. “Thị trường EU không có bất cứ rào cản kỹ thuật nào đối với nhập khẩu cà phê Việt Nam”, theo ông Lê Thanh Hòa, cục phó DAPP. “Nhưng để tăng xuất khẩu cà phê sang EU, chúng ta cần đáp ứng các quy định nhập khẩu hàng hóa, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và hợp tác với các đợt thanh tra kiểm dịch thực vật, giám sát chế biến. Nếu làm tốt, các doanh nghiệp sẽ tăng xuất khẩu cà phê sang EU”.
Châu Âu là một trong những khu vực có tiêu dùng cà phê trung bình trên đầu người cao nhất thế giới, trên 5kg/người/năm. Một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Ireland, và Na Uy thậm chí đạt mức tiêu dùng trung bình đầu người 8kg/người/năm. Năm 2019, EU nhập khẩu hơn 50 triệu bao cà phê trên khắp thế giới và nhập khẩu cà phê dự báo tăng thêm 2 triệu bao trong năm 2020, tương đương mức tăng 120.000 tấn, hay 1 tháng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường EU tăng trưởng ổn định và có tiềm năng rất lớn cho cà phê Việt Nam.
Đồng thời, đại dịch hiện nay cũng tạo ra một số thách thức cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam trong những tháng gần đây. Ông Phan Minh Thông, CEO của tập đoàn Phúc Sinh – có thâm niên làm việc với các đối tác châu Âu lên tới 20 năm – cho biết hoạt động kinh doanh đang chậm lại khi phần lớn các giao dịch được tiến hành trực tiếp và thủ tục xuất khẩu trở nên dài hơn. “Quy trình thủ tục xuất khẩu thường chỉ mất 2 ngày, nay lên tới 1 tuần. Rất khó để gửi các mẫu thử đi kiểm tra và đóng gói để được phê duyệt khi các thị trường nhập khẩu như Đức và Ý đều đang đóng cửa biên giới. Ngày càng nhiều khách hang thanh toán chậm và chúng tôi thường phải chờ 3 – 4 tuần để nhận được thanh toán”, ông Thông cho hay.
Thương hiệu Blue Sơn La là một ví dụ điển hình cho câu chuyện cà phê đặc sản Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường EU. Ông Thông là nhà giao dịch đằng sau Blue Sơn La hoàn toàn từ cà phê Arabica. Để tăng cường xuất khẩu thương hiệu này, Phúc Sinh hy vọng rằng Blue Sơn La sẽ được chứng nhận sản xuất bền vững, đảm bảo xuất xứ của loại cà phê này. Ông Thông cho hay thị trường EU đang mở ra nhiều cơ hội cho cà phê Việt Nam nhưng cần thiết phải có năng lực tài chính, lòng kiên trì và động lực xây dựng các thương hiệu như các thương hiệu cà phê đã thành công trên thị trường quốc tế. “Phần lớn các công ty Việt Nam chỉ tập trung vào marketing trực tuyến mà không phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tập trung vào gốc rễ của các vấn đề, chúng ta sẽ không tạo ra giá trị cốt lõi”, ông Thông chia sẻ.
Sau thành công thương mại ban đầu, Phúc Sinh đã phát triển một nhà máy chế biến sâu với vốn đầu tư 100 tỷ đồng (4,38 triệu USD).
Điều chỉnh sang những thói quen mới
Mặc dù đại dịch hiện nay làm giảm sản lượng cà phê toàn cầu, tác động lên nguồn lực lao động của ngành, cuộc khủng hoảng này lại là một chất xúc tác cho Việt Nam tăng thị phần trên thị trường EU và giảm áp lực cạnh tranh từ Brazil – đặc biệt là khi Brazil nằm trong nhóm nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới và bị giảm tập trung vào sản xuất – chế biến.
Nhà kinh tế học Nguyễn Quang Bình hco rằng Việt Nam có nguồn cà phê Robusta giá hợp lý và nhấn mạnh các khách hàng sẽ không bao giờ từ bỏ một nhà cung cấp cà phê tốt, nhưng họ đang thay đổi thói quen mua bán. “Việt Nam không thể tiếp tục bán cà phê theo kiểu đường phố. Điều quan trọng là phát triển một chuỗi cung ứng thực sự, qua đó tăng cường giá trị gia tăng trong khu vực và sử dụng các lợi ích của EVFTA theo lối bền vững”, ông Bình cho hay. “VICOFA có thể học những bài học từ Brazil trong hỗ trợ những người trồng cà phê và các doanh nghiệp thương mại, đưa họ đến với các nhà rang xay EU và các thị trường khác trên thế giới”.
Tại Việt Nam, tỉnh cao nguyên Đăk Lăk, sản xuất 90% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, đang mở rộng diện tích trồng cà phê nhưng giá trị xuất khẩu lại đang suy giảm. Trong niên vụ 2018-19, Đăk Lăk có khoảng 200.000ha diện tích trồng cà phê với sản lượng gần 480.000 tấn. Giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 343,3 triệu USD, với 314,5 triệu USD đến từ cà phê nhân xanh và 28,8 triệu USD đến từ cà phê hòa tan. Các con số này thấp hơn nhiều so với niên vụ 2005 – 2006, khi giá trị xuất khẩu đạt 382 triệu USD chri đến từ khoảng 170.000ha và sản lượng 292.000 tấn.
Việt Nam có 97 cơ sở chế biến, 160 nhà rang xay lâu năm, 8 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan và 11 nhà máy phối trộn cà phê trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn do dự trong đầu tư vào cà phê chế biến sâu, là một vấn đề chính làm chậm lại sự mở rộng của các sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường châu Âu và làm lỡ cơ hội các bar, chuỗi cà phê và các nhà rang xay nhỏ tại châu Âu chú ý đến các sản phẩm cà phê Việt Nam.
Ông Vinh từ VICOFA cho hay cà phê đặc sản là một thị trường ngách, yêu cầu chất lượng cao và giá trị cao. “Tăng tỷ trọng cà phê chế biến sẽ giúp gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam cũng như giúp giảm tổn thương trước các biến động giá trên các thị trường tương lai quốc tế - vốn là kênh giao dịch chính trong thương mại cà phê”, ông Vinh cho hay.
Theo VIR
Bình luận