Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến thị trường chè toàn cầu trải qua hiện tượng mất cân bằng cung cầu hiếm có: nguồn cung chững lại do thiếu hụt nguồn lao động trong khi nhu cầu về trà, một loại đồ uống được biết tới với tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tăng mạnh trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng chính sách cách ly xã hội. 5 quốc gia - Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka, và Việt Nam - chiếm 85% thị trường chè toàn cầu. Tuy nhiên, các chính sách hạn chế thông thương nhằm giảm thiểu mức độ lây lan của dịch được áp dụng vào giữa mùa cao điểm thu hoạch chè khiến nhiều lô hàng xuất khẩu kẹt lại khoảng 1 tháng, làm gián đoạn nguồn cung và đẩy giá chè trên thị trường thế giới tăng đột ngột.
Cụ thể, tại Trung Quốc, các nhân tố như sự sụt giảm trong lượng lao động tại các trang trại chè, cũng như hiện tượng nhiệt độ thấp hơn nền nhiệt trung bình trong tháng trước, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng của quốc gia sản xuất chè hàng đầu thế giới trong năm nay. Trong khi đó, hoạt động tại quốc gia sản xuất chè lớn thứ 2 toàn cầu Ấn Độ, và Sri Lanka cũng đã bị ảnh hưởng do các vấn đề về cung lao động và thời tiết. Sản lượng chè của Ấn Độ được dự báo có thể giảm khoảng 120 triệu kg, tương đương với 9% so với cùng kỳ trong năm 2020, do chính sách cách ly xã hội khiến các trang trại chè tạm dừng hoạt động thu hoạch búp non đầu vụ vào thời điểm đầu mùa, và hiện đang vận hành với số lượng lao động giảm còn ½ so với cùng kỳ năm ngoái, theo Prabhat Bezboruah, chủ tịch Hiệp hội chè Ấn Độ. Ủy ban chè quốc tế ITC ước tính sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ năm 2020 sẽ giảm khoảng 7%. Trong tháng 3, lượng xuất khẩu từ Ấn Độ giảm 34%, trong khi sản lượng xuất khẩu của Sri Lanka giảm gần nửa, theo thông tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ và các nhà môi giới xuất khẩu.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu chè toàn cầu là Kenya. Hoạt động sản xuất và thu hoạch của Kenya không chịu quá nhiều ảnh hưởng của tình hình thế giới trong tháng 3. Theo ITC, sản lượng nội địa của Kenya có thể tăng 15% trong năm nay. Sản lượng chè của Việt Nam nhìn chung cũng được đánh giá là không chịu ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu của Việt Nam là khá nhỏ trên thị trường thế giới.
Từ phía các nhà nhập khẩu, sức ép thiếu hụt nguồn cung từ Nam Á đã trở nên rõ ràng. Theo Orimi trade, công ty sản xuất chè hàng đầu tại Nga, “Các kiện hàng từ Ấn Độ đã bị đình trệ ít nhất 1 tháng nay. Chúng tôi cũng nhận thấy sự sụt giảm nguồn cung từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Sri Lanka”. Giá chè thô nhập khẩu vào Nga đã tăng 30% so với mức giá trước thời điểm bùng nổ dịch.
Các đợt thu hoạch búp non bị thiệt hại
Các trang trại chè tại đồi Darjeeling, Ấn Độ, gặp rất nhiều khó khăn để thu hoạch lượt búp non đầu tiên, loại chè thương phẩm có giá trị cao nhất thế giới, do Ấn Độ áp dụng chính sách yêu cầu 1.3 tỷ người cách ly tại nhà cho đến ngày 3/5 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế cộng đồng trong bối cảnh con số nhiễm Covid đã đạt mức hơn 31,000 người. Sản lượng trong đợt thu hoạch thứ hai dự kiến sẽ giảm 10%, và các đợt thu hoạch sau đó không thể bù lại được giá trị tổng thiệt hại, theo đánh giá của Kaushik Basu, thư ký Hiệp hội chè Darjeeling. Tại Ấn Độ, thời điểm thu hoạch búp non lần đầu thường rơi vào tháng 3, trong khi thời điểm thu hoạch lần 2 là vào tháng 5.
Theo chị Nazrana Ahmed, chủ tịch Hiệp hội trồng chè Assam, lượng xe tải chuyên chở bị thiếu hụt do các quy định hạn chế đi lại cũng khiến quá trình vận chuyển chè tới các nhà kho, phiên đấu giá, và bến cảng bị đình trệ. “Có rất ít xe tải, và cũng phải mất cả tuần, thay vì 3 ngày như trước kia, để vận chuyển chè từ Assam tới Kolkata.”
Thiếu hụt nguồn cung lao động cũng có nghĩa là các búp chè sẽ trở nên quá lứa và ảnh hưởng tới sản lượng chè trong vụ tiếp theo, chủ vườn chè Rajib Barooah cho biết.
Những vấn đề này đã tác động trực tiếp tới nguồn cung, làm giá thành thu mua tăng mạnh, theo đánh giá của thư ký Hiệp hội chè Calcutta Kalyan Sundaram. Trong một phiên đấu giá gần đây, hiện tượng giá đặt mua cao hơn 1/3 so với mức của phiên đấu giá trước tại Assam, bang sản xuất chè hàng đầu Ấn Độ, cho thấy dấu hiệu sức cầu tăng mạnh.
Tại Sri Lanka, quy mô hoạt động sản xuất chè bị cắt giảm ¼ do hiện tượng hạn hán trong thời gian trước và vấn đề đình trệ xuất khẩu do dịch, chủ tịch Hội đồng chè Sri Lanka Jayampathy Molligoda cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tiêu thu chè trên đầu người lớn nhất thế giới, hiện khá chủ động về nguồn cung, nhưng cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động.
Các nhà sản xuất địa phương cho biết họ thường sử dụng lao động nhập cư từ các quốc gia lân cận như Georgia hay Azerbaijan. Tuy nhiên, trong năm nay, họ có thể sẽ phải tận dụng nguồn lao động thiếu kinh nghiệm tại địa phương. Vì vậy, nguồn cung có thể giảm.
Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch
Nguồn cung chè sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm và đồ uống toàn cầu gia tăng khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách cách ly tại nhà hơn. Hơn nữa, chè, với ưu điểm về hàm lượng caffeine thấp và nhiều lợi ích cho sức khỏe, cũng là lựa chọn đồ uống ưa thích của nhiều khách hàng.
Theo chia sẻ của Ramaz Chanturiya, đại diện của Rusteacoffee, “Nhu cầu về các sản phẩm từ chè đang gia tăng mạnh. Tại Nga, người tiêu dùng tin rằng uống chè cùng với nước chanh có thể thúc đẩy sức khỏe hệ miễn dịch.” Nga, quốc gia hiện có hơn 93,000 người dương tính với coronavirú và 800 người tử vong, là nhà nhập khẩu chè quan trọng trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các bên tham gia sản xuất, xuất khẩu chè, cũng như ITC không cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong dài hạn, bởi phần lớn các quốc gia xuất khẩu chè đều dư nguồn cung trong năm 2019. Trong khi đó, cán cân cung cầu trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục mất cân bằng. “Giá chè xuất khẩu đã quá thấp trong vài năm gần đây. Hiện tượng gián đoạn nguồn cung hiện nay cũng là một tín hiệu hỗ trợ tích cực cho các trang trại chè”, theo Ahmed của Hiệp hội các nhà trồng chè Assam.
Theo Reuters
Người dịch: Hiền Trần
Bình luận