Vận chuyển hàng không đã mở tung thị trường Trung Quốc cho cá hồi Chile ra sao?
Đồng hồ bắt đầu điểm ngay khi tập đoàn Chuner nhận được một đơn hàng cá hồi tươi nguyên còn tới nhà máy chế biến tại ngoại ô Thượng Hải. Doanh nghiệp này đối mặt với bài toán chạy đua thời gian để duy trì độ tươi của sản phẩm phải trải qua hành trình nửa vòng trái đất, có nghĩa thời gian là tất cả.
“Chúng tôi nhập khẩu 9.000 hộp cá hồi mỗi tuần và khoảng 25% trong đó đến từ Chile”, theo Dennis Cai, giám đốc vận hành tại Chuner, một trong những nhà nhập khẩu cá hồi lớn nhất của Trung Quốc.
Lô hàng được mở ra, cá hồi nguyên con đã làm sạch, phile, cắt đoạn và cắt miếng, sau đó nhanh chóng được đóng gói lại và bốc lên một xe tải đông lạnh. Mất chưa đầy 24 tiếng từ điểm đến tại nhà máy tới điểm vận chuyển tại Thượng Hải. Để hạn chế thời gian không hiệu quả khi cá hồi bị bỏ trong kho lạnh chờ được đưa vào chế biến, nhà máy vận hành 6 ngày/tuần. Một sản phẩm hoàn hảo nghĩa là chỉ mất 6 – 8 ngày kể từ khi cá hồi được thu hoạch tại miền nam Chile để đến tay khách hàng Trung Quốc tại các cửa hàng trực tuyến hoặc thực tuyến tại Thượng Hải.
Ông Cai cho hay nếu không có vận chuyển hàng không và logistics được cải thiện, nguồn cung thực phẩm dễ hỏng từ Chile không thể cung ứng định kỳ tới Trung Quốc. “Chile hiện có hệ thống logistics rất tốt và giúp mở ra thị trường xuất khẩu cá hồi Trung Quốc. Chile hiện là một nhà cung cấp cá hồi tươi đáng tin cậy và ổn định”. Theo ông Cai, chìa khóa để mở ra nguồn cung cá hồi Chile cho thị trường Trung Quốc là những nhà giao nhận chuyên biệt, điều phối một hệ thống phức tạp các tuyến vận chuyển hàng không như con thoi trên toàn cầu, đảm bảo các lô hàng cá hồi tươi có thể đến Trung Quốc trong vòng 4 – 7 ngày, khi trước đó mất tới hàng tuần và đôi khi dài hơn do các sự kiện bất thường gây trễ chuyến, vốn thường xuyên xảy ra. “Chúng tôi giới thiệu cá hồi tươi Chile tới thị trường Trung Quốc từ năm 2012. Hồi đầu, hoạt động này rất khó khăn bởi gần như không có hoạt động logistics giữa Trung Quốc và Chile”, ông Cai nhớ lại.
Con số thống kê nói rõ tình hình hiện nay.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cá hồi tươi, nguyên con từ Chile của Trung Quốc đạt 16.557 tấn, tăng 26% sov với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu hải quan Trung Quốc và trị giá 165 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu cá hồi Na Uy – nước sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới – chỉ đạt 14.908 tấn, trị giá 144 triệu USD. Nhập khẩu cá hồi từ Scotland đạt 2.212 tấn, trị giá 21 triệu USD.
Làm thế nào mà Chile – với các trang trại nuôi cá hồi cách Thượng Hải 18.000km, gần như chính xác nửa vòng trái đất – có thể cung cấp lượng cá hồi cao gấp 8 lần so với Scotland – chỉ cách Trung Quốc khoảng 9.000km?
Theo ông Cai, các nhà giao nhận vận tải đã gửi một lô hàng cá hồi từ miền nam Chile bằng đường hàng không hoặc xe tải tới Santiago, thủ đô Chile, sau đó bay tới các tới các trung tâm kho vận hàng không trên khắp thế giới: West Coast Mỹ, châu Âu, Trung Đông, New Zealand, thậm chí châu Phi. Thi thoảng có chuyến bay tới Singapore hoặc Trung Quốc, một số lần bay trực tiếp tới các thành phố Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh, cũng như Trịnh Châu và Trường Sa.
5 chuyến bay tổng cộng để 1 lô hàng cá hồi từ Chile đến được các thành phố lớn của Trung Quốc và thêm 1 chuyến bay nữa nếu muốn vận chuyển tới các vùng sâu trong đại lục.
Nhưng thông thường, chỉ trong các thời gian cao điểm thu hoạch trái cây tại Chile thì mới xảy ra các vấn đề liên quan đến giao nhận quốc tế. “Các nhà xuất khẩu trái cây Chile có thể trả giá cao hơn cho vận chuyển hàng không hơn so với các nhà sản xuất cá hồi”, ông Cai cho biết, nghĩa là các nhà xuất khẩu sẽ phải cạnh tranh nhau để có chỗ trên máy bay vận chuyển hàng.
Ông Cai cũng nhấn mạnh cách các công ty cá hồi Chile chuyển ngày công bố giá cá hồi từ thứ 6 sang thứ 4 bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc thường mua phần lớn nguyên liệu thô trên thị trường giao ngay thường xuyên hơn để đảm bảo các đơn hàng giao đến trước cuối tuần. Mùa hè vừa qua, tập đoàn lớn của Trung Quốc là Legend Holdings đã chốt thỏa thuận mua cá hồi từ Autralis của Chile với giá 922 triệu USD thông qua công ty con Agri-Joyvio, đồng thời đánh giá cao triển vọng tăng trưởng thị trường của cá hồi Chile tại Trung Quốc.
Thách thức trong tầm mắt?
Tại Diễn đàn phát triển ngành cá hồi tổ chức tại 2019 World Seafood Expo ở Thượng Hải vào ngày 28/8 vừa qua, Arild Aakre, giám đốc kinh doanh và marketing toàn cầu của công ty cá hồi Na Uy Cermaq Group, thừa nhận rằng logistics của Chile hiện ở mức “rất tốt”.
Nhưng những thách thức lại nằm trong chính nền sản xuất cá hồi Chile. Tình trạng lây lan rận biển trong các trang trại nuôi cá hồi Chile đang ngày một tệ hơn, làm giảm nguồn cung cá hồi cỡ lớn được ưa chuộng tại Trung Quốc. Trong khi đó, các đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc của Na Uy đang mang lại lợi thế cho các công ty cá hồi Na Uy khi mức giảm thuế 10% hiện nay bù đắp được chi phí vận chuỷen hàng không mà các công ty cá hồi Chile phải chi trả. “Thời hạn sử dụng của cá hồi Na Uy dài hơn là một lợi thế khác”, ông Cai từa nhận, nhấn mạnh thêm rằng thời gian vận chuyển từ Na Uy ngắn hơn. Thương hiệu cá hồi Na Uy rất mạnh tại Trung Quốc, ông nhấn mạnh các hoạt động rầm rộ của Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) tại Trung Quốc. “NSC đã hoạt động rất tích cực để phát triển thương hiệu cá hồi Na Uy tại Trung Quốc để khi người Trung Quốc nghĩ về cá hồi, họ sẽ nghĩ về Na Uy”. Đồng thời, trong tương lai, Trung Quốc được cho là sẽ tăng mua cá hồi cỡ vừa và nhỏ, để phù hợp với mức chi tiêu, lại là một yếu tố đặc biệt phù hợp với các công ty Na Uy.
Tất nhiên, các công ty cá hồi Chile không ngồi yên một chỗ. Tại diễn đàn cá hồi tại Thượng Hải, Multiexport và New World Currents – 2 tập đoàn xuất khẩu cá hồi Chile tập trung vào thị trường Trung Quốc – đã thảo luận các thỏa thuận rất cạnh tranh để vận chuyển cá hồi tươi từ các trang trại nuôi tới các trung tâm vận chuyển hàng không tại Santiago nhanh hơn.
Theo Undercurrent News
Bình luận