Các khu vực tư nhân tại các nền kinh tế ASEAN đang chuẩn bị thiết lập tiêu chuẩn hữu cơ để giảm chi phí sản xuất và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng.
Vitoon Panyakul, chủ tịch Liên đoàn Hữu cơ ASEAN, cho biết tổ chức này, đại diện cho 6 nước sản xuất hữu cơ chính, sẽ công bố các tiêu chuẩn hữu cơ tại Biofach Southeast Asia 2019 và Natural Expo Southeast Asia 2019. Sáu nước thành viên liên đoàn bao gồm Indonesia, Campuchia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
Biofach Southeast Asia and Natural Expo Southeast Asia, triển lãm dành cho các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên, diễn ra từ ngày 11 – 14/7 vừa qua tại Impact Muang Thong Thani. Sự kiện năm nay có sự tham gia của hơn 400 gian hàng, thu hút khoảng hơn 50.000 khách và doanh thu ít nhất đạt 72 tỷ Baht, tăng 97% so với năm 2018. “Các nước sản xuất hữu cơ tại ASEAN vẫn có các tiêu chuẩ khác nhau cho nông sản, sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và thực phẩm chế biến hữu cơ”, ông Vitoon cho hay. “Tiêu chuẩn hữu cơ đồng nhất trong ASEAN sẽ giúp cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất của các nước thành viên trong khu vực”.
Tổng cộng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của ASEAN là khoảng 480.000ha, tương đương quy mô 1,92 – 2,4ha/nông dân. Phần lớn các nước thành viên ASEAN, trừ Malaysia và Singapore, đều là các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ định hướng xuất khẩu nhưng phần lớn sản phẩm nông sản hữu cơ xuất khẩu đều ở dạng nguyên liệu. Ông Vitoon cho rằng các nước ASEAN nên cùng thống nhất giảm sản xuất nông nghiệp hữu cơ phổ thông và tăng cường sản xuất các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao hơn.
Thị trường sản phẩm hữu cơ của Thái Lan trị giá khoảng 97 triệu USD; trong đó thị trường hữu cơ nội địa trị giá khoảng 29 triệu USD và phần còn lại dành cho xuất khẩu. Xuất khẩu nông sản hữu cơ Thái Lan chiếm 0,06% giá trị sản xuất hữu cơ toàn cầu.
Thị trường nông nghiệp hữu cơ toàn cầu hiện có giá trị khoảng 104 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình lên tới 20%. Các thị trường hữu cơ chính bao gồm Mỹ, thị trường lớn nhất với trị giá 45,2 tỷ USD và Đức, thị trường lớn thứ 2 với 10,04 tỷ USD.
Ông Vitoon cho rằng sản xuất hữu cơ tại ASEAN vẫn đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm quản lý chuỗi cung ứng còn yếu và thiếu kế hoạch xúc tiến tổng thể từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Biến đổi khí hậu do sự ấm lên toàn cầu, các đợt khô hạn kéo dài và chi phí lao động tăng cũng tác động lên sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Hiện người tiêu dùng vẫn bối rối về các sản phẩm hữu cơ bởi có quá nhiều cơ chế chứng nhận và ghi nhãn thực phẩm an toàn, như nông nghiệp phổ cập an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp không trừ sâu, kiểm dịch thực phẩm, an toàn sinh học và hữu cơ”, ông Vitoon cho hay. “Các tiêu chuẩn hữu cơ thống nhất trong ASEAN sẽ giúp giải quyết sự bối rối này ở một mức độ nào đó”.
Theo Bangkok Post
Bình luận