Thịt

Thị trường bạch tuộc, mực ống: Nguồn cung thấp, giá tăng

Nguồn cung bạch tuộc và mực ống thấp trong năm 2018. Hệ quả là giá bạch tuộc liên tục tăng. Đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp diễn, lại càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Thị trường bạch tuộc

Nguồn cung bạch tuộc diễn ra tình trạng thiếu hụt vào mùa xuân khi sản lượng khai thác bạch tuộc của Morocco và Mauritania đều thấp. Nguồn cung thấp đã đẩy giá bạch tuộc tăng mạnh.

Mùa khai thác bạch tuộc của Morocco bị trì hoãn 1 tháng cho tới 30/6. Chính phủ Morocco đặt ra thời gian này sau khi tham vấn ngành. Mùa khai thác trước, sản lượng khai thác chỉ đạt 65% hạn ngạch cho phép. Sản lượng khai thác đôi khi giảm và mùa khai thác được hoãn để cải thiện nguồn lợi.

Sustainable Fisheries Partnership (SFP) thông báo dự án cải thiện hoạt động khai thác thủy sản nhằm thúc đẩy khai thác bạch tuộc bền vững tại Mauritania. Khai thác bạch tuộc tại Mauritania là một nguồn cung quan trọng cho thị trường thủy sản thân mềm thế giới và nước này đang mong muốn đưa ngành khai thác này trở nên bền vững hơn.

Scientific Certification Systems Global (SCS Global) đang triển khai dự án tiền đánh giá tính bền vững của hoạt động khai thác thủy sản ngoài khơi bờ biển Yucatan của Mexico. Khai thác bạch tuộc và cá mú đỏ là nguồn lợi thủy sản quan trọng nhất của khu vực này, với sản lượng khai thác hàng năm dao động từ 9.000 – 16.000 tấn.

Thương mại

Giá bạch tuộc trên thị trường thế giới gần đây ở mức rất cao. Tháng 4/2018, giá bạch tuộc trên thị trường Mỹ cao hơn 28% so với cùng kỳ năm 2016, theo nhà xuất khẩu Tây Ban Nha Discefa. Giá bạch tuộc đông lạnh trên tàu của Morocco đạt 17 USD/kg cho loại T1.

Xuất khẩu bạch tuộc và mực ống của Việt Nam tăng mạnh trong năm 2018. Theo số liệu công bố bởi Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản thân mềm sang Nga trong quý 1/2018 đạt hơn 1 triệu USD, tăng gần gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2017. Liên bang Nga hiện là một trong những thị trường xuất khẩu bạch tuộc và mực ống quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm hơn 90% giá trị xuất khẩu bạch tuộc.

Nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản trong quý 1/2018 đạt 8.900 tấn, tăng nhẹ so với năm 2017. Tuy nhiên, cơ cấu nhà cung cấp có sự thay đổi. Morocco và Trung Quốc giảm xuất khẩu bạch tuộc sang Nhật Bản trong khi xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam tăng.

Nhập khẩu bạch tuộc của Hàn Quốc tiếp tục xu hướng giảm nhưng trong quý 1/2018, nhập khẩu bạch tuộc của Hàn Quốc đi ngang, đạt 16.400 tấn, chỉ giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường mực ống

Bộ Sản xuất của Peru (PRODUCE) đặt hạn ngạch khai thác mực ống năm 2018 ở mức 609.000 tấn. Hạn ngạch này có thể thay đổi dựa trên các khuyến nghị từ Viện Hải dương của Peru (IMARPE). Nguồn lợi mực ống hiện đang ở mức tốt, theo Bộ này cho hay. Sản lượng khai thác mực ống khổng lồ tại Peru hàng năm đạt khoảng 500.000 tấn trong vài năm qua.

Sản lượng khai thác mực ống trong các vùng nước của Argentina cũng ở mức tốt. Trong quý 1/2018, sản lượng khai thác mực ống Illex của nước này tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do vụ khai thác bắt đầu sớm hơn thường lệ khi nhiều tàu khai thác Trung Quốc và Đài Loan đã hoạt động tích cực ở ngoài khu vực đặc quyền kinh tế của Argentina. Trong quý 2/2018, sản lượng khai thác báo cáo ở mức rất thấp.

Đối với Trung Quốc đại lục và Đài Loan, các tàu khai thác ngoài vùng đặc quyền kinh tế để khai thác mực ống râu ngắn có sản lượng thấp. Do hoạt động khai thác phải đóng cửa vào cuối tháng 4, các tàu hoạt động tại các vùng biển quốc tế ngoài khu đặc quyền kinh tế của Argentia đạt sản lượng 110.000 tấn, chỉ bằng một nửa so với sản lượng khai thác trong cùng kỳ năm 2017. Các nhà quan sát thị trường đều cho rằng giá mực ống sẽ tăng. Phần lớn sản lượng khai thác này sẽ dành cho thị trường Trung Quốc và giá mực ống tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng từ cuối tháng 4.

Khai thác mực ống Loligo tại Falkland Islands cũng có khởi đầu rất tốt. Trong tháng 1/2018, sản lượng khai thác lên tới khoảng 20.000 tấn. Một khảo sát vào thagns 2 cho thấy chỉ có mực ống cỡ nhỏ ở khu vực miền nam. Ngay sau khi mùa khai thác bắt đầu, các luồng mực lớn cũng xuất hiện tại miền bắc. Do luồng mực ống nhỏ hơn tập trung ở miền nam nên hoạt động khai thác này đã đóng cửa vào tuần cuối tháng 3 vì các mục đích bảo tồn.

Thương mại mực ống

Sản lượng khai thác mực ống của các tàu Trung Quốc thấp, hoạt động ngay ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Argentina góp phần đẩy giá mực ống trên thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Báo cáo sản lượng khai thác mỗi tàu giảm xuống còn 300 – 500 tấn, trong khi sản lượng khai thác mực ống trung bình mỗi tàu trong năm 2017 là khoảng 800 tấn. Giá mực ống tăng từ 2 – 6% vào giữa tháng 4 so với hồi đầu năm.

Cuộc chiến thương mại mà tổng thống Mỹ Donald Trump khơi màu đang tác động tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ ngay từ trước khi các chính sách thuế có hiệu lực. Các nhà nhập khẩu mực ống Trung Quốc đã ngừng đặt hàng mực ống Mỹ bởi họ lo ngại các lô hàng sẽ không thể vận chuyển kịp trước thời hạn chính sách thuế tăng thêm 25% có hiệu lực từ giữa tháng 7. Tình hình thương mại mực ống Mỹ không hề thuận lợi. Năm 2017, khoảng một nửa xuất khẩu mực ống Mỹ sang thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu mực ống của Trung Quốc ddạt 34.700 tấn, trị giá 92,9 triệu USD. Nước nhập khẩu mực ống lớn thứ hai của Mỹ là Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 là 8.900 tấn và Nhật Bản đứng thứ ba với 8.100 tấn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác, nhưng gặp khó khăn bởi sản lượng khai thác chung trên thế giới đều đang giảm. Hệ quả là nguồn cung mực ống trong những tháng cuối năm có thể rất thấp và giá mực ống dự báo sẽ ở mức cao.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản giảm nhẹ trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm 2017, với mức giảm từ 36.400 tấn xuống còn 30.900 tấn, tương đương giảm 15,1%. Trung Quốc cho đến nay vẫn là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 73,4% thị phần.

Trong quý 1/2018, xuất khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 131.000 tấn. Các thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Nhập khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đi ngang, đạt 42.000 tấn trong quý 1/2018, với Indonesia và Mỹ là các nhà cung cấp chính.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Tây Ban Nha giảm từ 57.300 tấn trong quý 1/2017 xuống còn 50.900 tấn trong quý 1/2018, tương đương giảm 11,2%. Nguyên nhân là do xuất khẩu từ các nước cung cấp nhỏ giảm, trong khi xuấtkhẩu từ nhà cung cấp chính là Trung Quốc và Falkland Islands sang Tây Ban Nha đều tăng.

Trong quý 1/2018, nhập khẩu mực ống và mực nang của Mỹ giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm 2017 xuống còn 17.700 tấn. Nhập khẩu từ nước cung cấp lớn nhất là Trung Quốc chiếm 61,7%, đạt 10.900 tấn. Các nhà cung cấp lớn khác là Ấn Độ (10,4%), và Đài Loan (7,6%).

Triển vọng

Thị trường thủy sản thân mềm dự báo sẽ tiếp tục gặp vấn đề thiếu nguồn cung, đặc biệt là đối với thị trường mực ống, và thị trường bạch tuộc với mức độ khan hiếm thấp hơn. Trong khi sản lượng khai thác thủy sản thân mềm ở trong khu vực đặc quyền kinh tế của Argentian tương đối tốt, sản lượng khai thác của các tàu cá quốc tế ngoài khu vực này rất thấp. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tạo nên các vấn đề nguồn cung khác. Giá thủy sản thân mềm tăng mạnh và có thể sẽ tiếp tục tăng.

Theo Globefish
Admin

Giá các loại thủy sản thương mại chính trên thị trường toàn cầu giảm sâu do COVID-19

Bài trước

Giá thịt lợn kỷ lục trước Tết Nguyên đán làm bùng phát tình trạng nhập lậu

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt