Xuất lậu và thế lưỡng nan của ngành gạo Myanmar
Tại vùng Mandalay, một trong những khu vực sản xuất lúa chính của Myanmar, gần như tất cả các nhà máy gạo đã đóng cửa hoạt động do xuất lậu lúa trực tiếp, theo thông tin từ Hiệp hội các nhà xay xát gạo khu vực.
Tại Myanmar, xuất khẩu lúa trực tiếp bị cấm. Tuy nhiên, các thương nhân Trung Quốc đang xuất khẩu lúa trực tiếp từ Myanmar sang Trung Quốc sau khi thu mua lúa tươi từ nông dân với giá tốt. Hệ quả là các nhà máy xay xát gạo địa phương gặp nhiều khó khăn để thu mua đủ lúa cho chế biến, dẫn tới thua lỗ và buộc họ phải giảm hoạt động, theo chủ tịch Hiệp hội U Ngwe Aung cho biết.
Những người chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn khi thương nhân Trung Quốc thâu tóm một lượng lớn lúa nên thiếu nguồn cung nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi. “Các thương nhân Trung Quốc xuất khẩu lúa trực tiếp từ Myanmar về Trung Quốc nên chúng tôi buộc phải rời bỏ ngành, mặc dù Myanmar cấm xuất khẩu lúa trực tiếp. Ai cũng biết hiện trạng này nhưng không có hành động can thiệp nào”, ông U Ngwe Aung cho hay.
Trong khi các nhà máy xay xát lúa chịu trận do xuất khẩu lúa bất hợp pháp, nông dân lại đang hưởng lợi từ nhu cầu tăng. U Myint Aung, một nông dân trồng lúa tại Patheingyi cho biết giá lúa đang ở mức tốt so với vụ thu hoạch lúa mùa mưa năm ngoái và giá hiện vẫn tốt ngay cả trước vụ thu hoạch năm nay.
Dù vậy, bất chấp nông dân đang có giá tốt, nếu tình trạng xuất khẩu lúa trái phép tiếp diễn, rủi ro thiếu lúa cho thị trường nọi địa và giá tăng là nhãn tiền, theo tổng thư ký Hiệp hội thương nhân lúa và gạo vùng Mandalay U Sai Kyaw phát biểu. Nếu chính phủ muốn cho phép xuất khẩu trực tiếp thì nên có chỉ đạo chính thức đi kèm với giám sát chặt chẽ.
Theo Myanmar Times
Bình luận