Ấn Độ: Nhu cầu tôm, mực ống đông lạnh thúc đẩy xuất khẩu thủy sản
Do nhu cầu tôm và mực ống trên thị trường quốc tế ở mức cao, ngành thủy sản Ấn Độ ghi nhận đã xuất khẩu 251.735 tấn, trị giá 1,42 tỷ USD trong quý 1 năm tài khóa 2017/18 (kéo dài từ tháng 4/2017 – 3/2018), so với mức 201.223 tấn, trị giá 1,17 tỷ USD trong cùng kỳ năm tài khóa trước.
Mỹ và Đông Nam Á là các thị trường nhập khẩu chính, theo sau là EU và Nhật Bản, nhu cầu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong cùng kỳ so sánh. Tôm đông lạnh tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Ấn Độ: 50,66% về lượng và 74,9% về giá trị. Xuất khẩu tôm tăng 20,87% về lượng và 21,64% về giá trị trong giai đoạn trên.
Mực ống đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai, chiếm 7,82% về lượng và 5,81% về giá trị, tăng trưởng 40,25% về giá trị trong cùng kỳ so sánh.
Sản xuất tôm bội thu, tình trạng hàng bị trả lại giảm mạnh tại thị trường EU, các biện pháp tích cực nhằm cải thiện chất lượng và các cơ sở hạ tầng sản xuất sản phẩm GTGT đóng góp vào xuất khẩu thủy sản tăng mạnh của nước này, theo phân tích của Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản (APEDA).
Mỹ nhập khẩu 54.344 tấn tôm từ Ấn Độ, trị giá 499,28 triệu USD, chiếm thị phần 35%. Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến lớn thứ 2 của xuất khẩu tôm Ấn Độ, chiếm 31,26%, theo sau là EU (14,7%), Nhật Bản (6,68%), Tây Á (3,47%), Trung Quốc (3,06%) và các nước khác (5,79%).
Xuất khẩu tôm của Ấn Độ đạt tổng cộng 127.521 tấn trong quý 1 năm tài khóa hiện tại, trị giá 1,07 tỷ USD. Xuất khẩu tôm thẻ tăng từ 82.193 tấn trong quý 1 năm tài khóa trước lên 92.341 tấn trong cùng kỳ năm tài khóa hiện tại. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm sú lớn nhất của Ấn Độ, chiếm thị phần 49,12%.
Theo The Hindu Business Line
Bình luận